Năm trọng tâm trong thông điệp liên bang thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiếp tục cải cách và đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục.

Không thể phủ nhận rằng đối với người đứng đầu nước Mỹ, rất khó để có thể làm tốt hơn những gì ông đã đưa ra trong bài diễn văn trước 14.000 người ở Tucson (Arizona) ngày 12/1/2011, với lời kêu gọi đoàn kết làm cảm động toàn nước Mỹ sau bi kịch xảy ra ở Tucson. Trong bài phát biểu thứ hai về thực trạng của nhà nước liên bang, vốn rất được mong đợi trong đời sống chính trị nước Mỹ, Tổng thống Obama đã dùng mọi nỗ lực để tái khơi dậy động lực mới cho giai đoạn thứ hai trong nhiệm kỳ bằng cách tập trung tất cả các mối ưu tiên vào phục hồi việc làm và sản xuất.

Năm trọng tâm trong thông điệp liên bang thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama ảnh 1

Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang lần thứ hai (Ảnh: France24)

Trong thông điệp liên bang được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Ôbama khẳng định 5 vấn đề chính mà nước Mỹ sẽ tập trung hướng tới trong năm 2011 bao gồm: ưu tiên cho các lĩnh vực đổi mới, nghiên cứu - giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thâm hụt ngân sách liên bang và cải cách chính phủ.

Bằng việc lựa chọn khá kỹ lưỡng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, ông Obama đã dành mọi mối ưu tiên đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng mà hoàn toàn không từ bỏ mục tiêu giảm nợ của liên bang (14.000 tỷ USD). Đây có thể được xem là một phương trình rất thông minh trong quá trình vận động hành lang giành lấy sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa vốn đã đặt vấn đề cắt giảm ngân sách liên bang lên ưu tiên hàng đầu.

“Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khi công nghệ đã trở thành năng lực cạnh tranh dễ dàng nhất và dữ dội hơn bao giờ hết (…). Tuy nhiên, tôi biết rằng chúng ta có thể giành được lợi thế cạnh tranh này”, ông Obama tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết phải giữ vững một “nền kinh tế năng động nhất trên thế giới”. Lời kêu gọi cũng đồng thời nhấn mạnh tới ưu tiên thứ ba của Tổng thống Obama về việc nâng cao sức cạnh tranh khi đưa các dự án lớn về cơ sở hạ tầng thành trung tâm của quá trình phục hồi kinh tế, song song với việc phát triển giáo dục và sáng tạo, đổi mới.

Cũng trong bài phát biểu thường niên, Tổng thống Barack Obama đã thông báo sẽ tiến hành “đóng băng” các khoản chi tiêu tùy ý cho những vấn đề phi an ninh (chiếm 13% ngân sách). Điều đó chỉ ra rằng ông sẽ tấn công một cách nghiêm túc vào vấn đề thâm hụt liên bang vốn đã trở nên khẩn cấp (1.200 tỷ USD).

Sau khi gần như tái cơ cấu lại đội ngũ các chuyên gia hoạch định kinh tế, ông Barack Obama dự kiến đưa ra một động lực mới cho vấn đề việc làm tại nước này thông qua việc đưa người nghèo thành mối quan tâm chính trong giai đoạn thứ hai của nhiệm kỳ. Theo ông, các điều kiện kinh tế trong nước đang được cải thiện so với thời điểm ông nhậm chức, song cũng thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi đồng lương tiếp tục giảm sút là những khó khăn cần tiếp tục giải quyết. Mặc dù 1,1 triệu việc làm đã được tạo ra trong năm 2010 song vẫn còn rất xa mới có thể bù lại được con số 7,3 triệu việc làm bị mất kể từ bắt đầu bị suy thoái kinh tế; đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế đều dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp rất cao (9,4% vào tháng 12) sẽ còn tiếp tục được duy trì cho tới tận năm 2012.

Trong lĩnh vực năng lượng, người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh mục tiêu sản xuất được 80% năm lượng sạch trong các nhà máy điện của Mỹ vào năm 2035 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.

Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama tái khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trên toàn cầu, tập trung vào cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cũng như cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tiếp tục thúc đẩy nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Obama cho biết, quân đội Mỹ đang rút khỏi Irắc theo kế hoạch. Trong năm nay, Mỹ sẽ bắt đầu chiến dịch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho giới chức Afghanistan và vào tháng 7 tới, Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Ông đồng thời, nhấn mạnh Al-Qaeda đang chịu sức ép lớn chưa từng có ở Pakistan kể từ sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, đồng thời khẳng định sẽ "không nương tay, không nao núng và sẽ đánh bại lực lượng khủng bố này".

Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Barack Obama kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định quan hệ đồng minh với Hàn Quốc. Ông đồng thời hoan nghênh sức ép của nhiều nước đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trong thông điệp liên bang thứ hai, Tổng thống Obama nhấn mạnh ,Mỹ đã "cài đặt lại" quan hệ với Nga, tăng cường quan hệ với các đồng minh ở châu Á và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ. Ông dự định trong tháng 3 tới sẽ đi thăm Brazil, Chile và El Salvador nhằm tìm kiếm các quan hệ đồng minh mới.

Theo Hải Lê (Báo điện tử ĐCSVN/AP, Reuters, Les Echos, France24)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm