Nắm quốc hội, Thủ tướng Nhật rộng đường đổi hiến pháp

Ông Abe thắng lớn

Kết quả công bố ngày 11-7 cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật ngày 10-7. Đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Shinzo Abe được 56/121 ghế. Đảng Komeito thuộc liên minh cầm quyền được 14/121 ghế.

Số ghế tại Thượng viện của liên minh cầm quyền có thể sẽ còn tăng nếu thu hút được thêm các nghị sĩ độc lập, điều khá thường xảy ra trong các cuộc bầu cử Quốc hội Nhật. Ngoài ra, vẫn có khả năng các nghị sĩ đối lập bỏ đang sang đầu quân cho liên minh cầm quyền.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã cầm quyền ở Nhật gần như liên tục kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai - chủ yếu với các chính sách tập trung phát triển kinh tế. Chương trình kinh tế Abenomics dưới thời Thủ tướng Abe chủ yếu dễ dàng điều kiện cho vay, giảm giá đồng yen để khuyến khích xuất khẩu. Thời gian gần đây đảng LDP đặc biệt nhận được sự ủng hộ từ các khu vực nông thôn.

Trong khi đó, thời gian cầm quyền ít ỏi của đảng đối lập Dân chủ (DJP) cầm quyền ở Nhật lại trùng với các thời điểm Nhật xảy ra nhiều thảm họa lớn, như thảm họa động đất sóng thần năm 2011 tàn phá cả miền đông bắc Nhật và dẫn đến rò rỉ hạt nhân. Sau thảm họa này, nỗ lực tái thiết của đảng DJP bị chỉ trích mạnh.

Thủ tướng Shinzo Abe (phải) và Lãnh đạo đảng DJP Katsuya Okada thể hiện sự vui mừng và thất vọng sau kết quả bầu cử Thượng viện.

Thủ tướng Shinzo Abe (phải) và Lãnh đạo đảng DJP Katsuya Okada thể hiện sự vui mừng và thất vọng sau kết quả bầu cử Thượng viện. (Ảnh: JAPAN TIMES)

Hãng tin AP (Mỹ) dẫn nhận định của Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Hiện đại tại đại học Temple (Nhật) Robert Dujarric rằng kết quả bầu cử thể hiện sự thất vọng của người dân với đảng DJP hơn là hài lòng với các chính sách của ông Abe khi đồng yen gần đây đã tăng mạnh trở lại.

Tuy nhiên kết quả bầu cử cho thấy cử tri Nhật vẫn chọn sự ổn định và hy vọng kinh tế sẽ phát triển hơn dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, thay vì nghe theo lời kêu gọi của phe đối lập ngăn chặn ông Abe tập trung tăng cường sức mạnh quân đội.

Ngày 10-7, nghị sĩ đảng DJP Yukio Edano thừa nhận thất bại trên kênh truyền hình NHK, rằng DJP đã không thể làm người dân đủ an tâm về hướng đi sắp tới.

Kết quả bầu cử Thượng viện củng cố thêm quyền lực của chính phủ Thủ tướng Abe, khi liên minh cầm quyền cũng đang chiếm thế đa số tại Hạ viện.

Mở đường cải cách hiến pháp

Rất nhiều nhà phân tích chính trị nhận định đây là cơ hội tốt để Thủ tướng Abe thay đổi hiến pháp vốn do Mỹ áp đặt lên Nhật sau khi đế quốc Nhật thất trận trong chiến tranh thế giới thứ hai. Hiến pháp có điều khoản số 9, hạn chế Nhật phát triển quân đội và tham gia chiến tranh ở nước ngoài.

Kể từ khi lên cầm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe và đảng LDP công khai ủng hộ sửa đổi hiến pháp, nhằm cho phép Nhật có quyền tham gia phòng vệ tập thể, đưa quân đi bảo vệ một đồng minh khi nước này bị nước khác tấn công quân sự.

Thủ tướng Abe luôn thể hiện quan điểm muốn tăng cường sức mạnh quân đội đối phó các mối lo ngại khủng bố, đe dọa từ Triều Tiên và sự khiêu khích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo Japan Times (Nhật) dẫn nhận định của nhiều chuyên gia trong đó có Giáo sư Khoa học chính trị Yoshiaki Kobayashi tại đại học Keio (Nhật) rằng Thủ tướng Abe sẽ không, ít nhất là chưa vội đụng đến điều khoản số 9 của hiến pháp vào thời điểm hiện tại.

Thay vào đó có thể Thủ tướng Abe sẽ tiếp cận hiến pháp từ từ bằng cách đưa ra một đề xuất thêm một điều khoản mới ban quyền lực khẩn cấp cho thủ tướng khi đất nước gặp sự cố lớn bất ngờ như động đất lớn.

Bằng việc tiếp cận này, Thủ tướng Abe và đảng LDP hy vọng người dân sẽ quen dần với tiến trình chính trị, mở đường cho việc thay đổi điều khoản số 9 trong tương lai.

Ngoài ra, đề xuất sửa đổi hiến pháp phải được thông qua một cuộc trưng cầu dân ý với quá bán đồng ý, trong khi các cuộc thăm dò đều cho thấy phần lớn người Nhật vẫn thận trọng với việc sửa đổi hiến pháp hòa bình.

Thăm dò của Yomiuri Shimbun hồi tháng 3 cho thấy 61% người Nhật muốn duy trì hiến pháp hòa bình, chỉ 35% muốn thay đổi. Tỷ lệ người Nhật muốn thay đổi hiến pháp hòa bình có dấu hiệu tăng dần theo thời gian khi tỷ lệ này trong một cuộc thăm dò tương tự của Yomiuri Shimbun 14 năm trước chỉ 47,9%.

Theo Giáo sư Yoshiaki Kobayashi, Thủ tướng Abe chắc chắn biết rõ điều này, do đó sẽ rất cẩn trọng và kiên nhẫn đợi thời cơ thích hợp, vì một khi trưng cầu dân ý thất bại thì rất khó để bắt đầu lại.

Giáo sư Tetsuro Kato, Giáo sư chính trị tại đại học Waseda (Nhật) cũng cho rằng Thủ tướng Abe sẽ không vội kích hoạt trưng cầu dân ý thay đổi hiến pháp mà sẽ chờ đến thời điểm tốt hơn. Thay vào đó ông Abe sẽ ưu tiên tìm cách giảm giá đồng yen để tăng xuất khẩu, củng cố tăng trưởng kinh tế lấy lòng dân.

Các nhận định này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Thủ tướng Abe trong cuộc họp báo ngày 11-7 rằng sửa đổi hiến pháp không phải là việc dễ dàng và ông sẽ không vội vàng. Xác nhận chiến thắng trên truyền hình Nhật tối 10-7 cũng như trong chiến dịch vận động bầu cử Thượng viện vừa rồi ông Abe cũng chỉ đề cập mục tiêu phát triển kinh tế chứ không đề cập đến tham vọng hiến pháp.

Ông Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo đảng Komeito trong liên minh cầm quyền ngày 10-7 cũng nói rằng không nên vội đụng đến điều khoản 9 của hiến pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm