Mỹ thất bại trong việc đào tạo cảnh sát Afghanistan

Mohammad Moqim quan sát một cách thất vọng khi những tân binh của ông xoay xở chật vật với các khẩu súng AK-47 tự động, để nhắm bắn những tấm bia cách xa 50m. Chỉ có một vài khóa sinh là nằm sấp trong bùn ngắm bắn theo đúng quy cách, nhưng đa số đều vụng về, lóng ngóng nạp đạn vào súng. Viên đại úy thuộc lực lượng ANP thở dài, giải tán một nhóm khóa sinh và cho một đợt 25 người khác vào vị trí nhắm bắn. “Chúng ta vẫn ở con số không”, đại úy Moqim, 35 tuổi, có tám năm thâm niên trong lực lượng, nói. “Họ không chịu nghe lời, vô kỷ luật, và sẽ không bao giờ trở thành những cảnh sát thực thụ”.

Mỹ thất bại trong việc đào tạo cảnh sát Afghanistan ảnh 1

Các học viên cảnh sát tập tác xạ tại trường bắn ở đông Kabul

Kỹ thuật tác xạ yếu kém vẫn còn là chuyện nhỏ. Tệ hơn nữa, còn có những cảnh sát Afghanistan đã gian lận cung cấp nhiều đạn dược cho phe Taliban, theo tiết lộ của Saleh Mohammed, một tư lệnh quân nổi dậy ở tỉnh Helmand. Theo ông, những viên đạn và lựu đạn dùng cho súng phóng lựu do các cảnh sát bán, xét ra còn rẻ hơn và chất lượng tốt hơn đạn dược mua trôi nổi ngoài thị trường. Các cảnh sát địa phương dễ dàng bịa chuyện với lý do xài tốn nhiều đạn dược, đặc biệt do những viên giám thị của họ đã cố gắng né tránh những khu vực có phe Taliban hoạt động. Mohammed nói, thậm chí đôi khi các cảnh sát còn giả tạo ra các cuộc chạm súng để giải thích lý do yêu cầu viện trợ thêm đạn dược, các dân làng sẽ nói rằng họ có nghe thấy những tiếng súng nổ.

Người Mỹ đã chi phí hơn 6 tỷ USD từ năm 2002 với nỗ lực xây dựng một lực lượng cảnh sát Afghanistan hiệu quả, mua vũ khí, xây dựng các trường đào tạo và thuê các nhà thầu đảm nhiệm huấn luyện tân binh. Nhưng chương trình đã thất bại hoàn toàn. Theo ghi nhận của cơ quan kiểm toán nhà nước, hơn 322 triệu USD giá trị các hóa đơn chi phí cho huấn luyện cảnh sát đã được phê chuẩn mặc dù những ngân quỹ tài trợ vốn đã không dư dả, và tính cho đến nay có không tới 12% đơn vị cảnh sát quốc gia Afghanistan có khả năng tự hoạt động độc lập. Đại sứ Mỹ Richard Holbrooke công khai gọi cảnh sát Afghanistan là “một tổ chức không xứng đáng, tham nhũng đầy rẫy”.

Đào tạo ANP là kế hoạch trung tâm của Washington dự trù khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Theo một cuộc thăm dò của Liên hiệp quốc, hơn một nửa dân Afghanistan cáo buộc cảnh sát tham nhũng. Các tư lệnh cảnh sát có dính líu vào những vụ buôn lậu ma túy. Khi quân đội Mỹ tiến vào Aynak mùa hè qua, dân làng đã tố cáo lực lượng cảnh sát địa phương tống tiền, hành hung và cưỡng hiếp. 

Theo ghi nhận, phần lớn tân binh là các dân làng, chưa bao giờ được đặt chân vào lớp học. 15% kết quả xét nghiệm của họ cho thấy bị dương tính với ma túy hoặc cần sa hashish. Chỉ có một số ít người biết sử dụng bàn chải đánh răng hoặc biết lái xe và gần 90% mù chữ. Một con số đáng buồn hơn nữa: tính từ tháng 1-2007, có trên 2.000 cảnh sát đã bị giết, hơn gấp hai lần số thương vong của quân đội Afghanistan. Các quan chức Mỹ nói rằng hơn một nửa trong số đó tử vong vì tai nạn súng ống và những xung đột khi giao thông. Một thông tin khác: trong số 170.000 khóa sinh cảnh sát Afghanistan theo chương trình huấn luyện từ ban đầu, cuối cùng chỉ có khoảng 30.000 người vẫn tiếp tục ở lại trong lực lượng mà thôi.

Qua những viễn cảnh đen tối như vừa nói, người Mỹ vẫn cố gắng đến phút chót. Cuối tháng 10-2009, tư lệnh quân đội Mỹ, thiếu tướng William Caldwell hy vọng xây dựng một lực lượng gồm 109.000 thành viên, bao gồm một “đơn vị ưu tú” khoảng 4.900 thành viên. Đơn vị này mang tên Cảnh sát dân sự Afghanistan (ANCOP). Các thành viên ANCOP được huấn luyện 16 tuần, và yêu cầu ít nhất phải có trình độ lớp ba Anh văn về đọc và viết. Quá trình xây dựng và đào tạo cảnh sát cho Afghanistan của Mỹ vẫn đang được tiếp tục.

Theo Kiều Giang (CATP/Newsweek)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm