Mỹ tấn công Syria: Nín thở chờ Nga phản ứng

“Câu hỏi cơ bản vẫn không hề thay đổi. Liệu rằng bạn thực hiện hàng loạt cuộc tấn công quân sự để làm suy yếu khả năng vận chuyển vũ khí hóa học của Syria, nếu bạn làm như vậy, họ sẽ làm gì để đáp trả” - Phil Gordon, một quan chức cấp cao thuộc Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama, nói. Ông là người đã nhiều lần tham gia các cuộc tranh luận về cách trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo Washington Post.

Quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho lựa chọn không kích nhằm vào Tổng thống Assad kể từ trước năm 2013. Khi đó, ông Assad đã giết chết hơn 1.000 người dân của mình trong một vụ tấn công bằng khí độc thần kinh.

Một tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu USS Florida của Mỹ. Ảnh: AP

Sự khác nhau lớn nhất giữa năm 2013, khi mà cựu Tổng thống Barack Obama chỉ đe dọa không kích chính phủ Syria và vụ phóng tên lửa trả đũa ngày nay của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump là nguy cơ về việc khắc sâu cuộc nội chiến Syria sẽ lớn hơn nhiều.

Vấn đề lớn nhất mà ông Trump và bộ sậu của ông đối mặt hiện nay về Syria là sự hiện diện của quân đội Nga trên chiến trường và hệ thống phòng không của Nga có khả năng bắn hạ các máy bay Mỹ.

Ngày nay, binh sĩ Nga đã “kề vai sát cánh” cùng lực lượng Syria, do đó bất kỳ cuộc không kích nào nhằm vào mục tiêu quân sự Syria cũng có thể gây thương vong cho quân đội Nga.

Tướng về hưu John Allen, người điều phối chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria dưới thời chính quyền Obama, cho rằng vụ phóng tên lửa tối 6-4 của Mỹ có thể đã đem đến một tác động “quyết định” đối với cuộc chiến ở Syria mà Washington phát động từ năm 2013.

“Bây giờ khó hơn rất nhiều. Mỹ cần phải tự hỏi mình rằng: Chúng ta giận dữ đến mức nào trong vấn đề này? Chúng ta đã điên tiết đến mức nào mà sẵn sàng hành động ngay cả khi có khả năng dẫn đến cái chết của người Nga?” -ông Allen nói.

Các mối lo lắng lớn khác đó chính là hệ thống phòng không của Syria và Nga dù những hệ thống này chưa bao giờ nhắm vào máy bay Mỹ bởi máy bay Mỹ chủ yếu tập trung cho cuộc chiến chống kẻ thù chung của cả Mỹ và Syria, đó là quân khủng bố IS.

“Syria là đồng minh của Nga. Nếu bạn mở một cuộc không kích vào chế độ Syria, thì họ sẽ có mọi lý do để kích hoạt hệ thống chống máy bay nhằm vào máy bay của liên quân Mỹ” - Andrew Exum, cựu quan chức quốc phòng cấp cao thời Tổng thống Obama.

Hoặc chí ít, nếu Damacus và Moscow đưa ra động thái như vậy có thể “hù dọa” các đối tác của liên quân Mỹ và khiến họ rút lui khỏi cuộc chiến, Exum nhận định.

Nếu máy bay Mỹ bị bắn hạ hoặc buộc phải bắn trả radar của Syria và Nga, Washington có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến Syria với mớ hỗn độn. Tình thế như vậy sẽ không chỉ đưa sinh mệnh của người Mỹ và vòng nguy hiểm hơn, mà còn khiến cho cuộc chiến chống IS của Mỹ  mà Trump tuyên bố là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông trở nên khó khăn hơn bội phần.

Trump có thể giảm bớt một số rủi ro này bằng cách khẳng định với Nga rằng các cuộc không kích này chỉ có mục đích duy nhất là trừng phạt ông Assad vì vụ sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân ở tỉnh Idlib và không gây ra sự mất cân bằng trong cuộc nội chiến đang ngày một phức tạp hơn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá cũng có khả năng cuộc không kích này cung cấp cho Mỹ thêm đòn bẩy để phá vỡ cam kết với Nga rằng sẽ chấm dứt nội chiến.

"Thông điệp chính trị của vụ không kích chính là chứng tỏ ông Trump đang sử dụng cách tiếp cận mới hoàn toàn khác với người tiền nhiệm"- Andrew Tabler, một chuyên gia về Syria tại Viện Washington, nói.  Một động thái sẽ có thể gây ra lo lắng cho chính phủ Syria rằng Mỹ có thể sử dụng lợi thế của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm