Mỹ sắp hoàn thành lá chắn tên lửa phía Nam châu Âu

Thông tin này vừa được tờ Bưu điện Washington đăng tải trên trang web ngày 1/8 và đang gây khá nhiều tranh cãi. Theo đó, tờ Bưu điện Washington dẫn lời một quan chức Quốc phòng Mỹ cho hay, Lầu Năm Góc sắp đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria về việc xây dựng một trạm radar trung tâm trên khu vực lãnh thổ 2 nước này. Trạm radar này sẽ dùng hệ thống tia X hiện đại để làm tiền đề cho những bước tiến về hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu trong những năm tiếp theo.

Và vì kế hoạch này vẫn đang được triển khai cho nên, song song với việc thiết lập vành đai bảo vệ ở phía Nam châu Âu, Mỹ cũng đã bàn thảo với Israel và các đồng minh ở vùng Vịnh về việc nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực này.

Hồi năm 2008, Mỹ đã xây dựng một trạm radar tối tân ở Israel và đang tìm kiếm sự ủng hộ của một nước Arab trong vùng Vịnh để xây thêm trạm radar thứ 2. Những trạm radar này sẽ giúp đưa ra cảnh báo sớm về khả năng Iran tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Israel, châu Âu hoặc Mỹ. Hiện tại, trạm radar của Israel đang do các chuyên gia Mỹ vận hành và thường xuyên cung cấp thông tin chiến lược cho các tàu hải quân của Mỹ ở Địa Trung Hải.

Mỹ sắp hoàn thành lá chắn tên lửa phía Nam châu Âu ảnh 1

Tàu khu trục thế hệ Aegis của Mỹ tuần tra ở Địa Trung Hải

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại khả năng tấn công từ phía Liên Xô. Sau này, khi "Chiến tranh lạnh" kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục đích mới là chống lại khả năng bị tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga.

Tháng 9/2009, Tổng thống Barack Obama (sau khi nhậm chức 8 tháng) đã tuyên bố hoãn thực hiện kế hoạch triển khai 10 trạm radar ở Cộng hòa Czech và các bệ phóng tên lửa ở Ba Lan. Người ta những tưởng Washington đã bỏ qua kế hoạch này. Nhưng không phải vậy, chính sách mới dưới thời ông Barack Obama là sẽ triển khai hệ thống này ở Hungary, Bulgaria, bất chấp sự phản đối của Nga. Mục tiêu của Mỹ là sẽ hoàn thành hệ thống này vào năm 2020.

Cũng chính vì lý do hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu mà các cuộc đàm phán giữa Washington-Moskva về Hiệp ước mới thay thế Hiệp ước START 1 luôn không đạt kết quả tốt và phải đến 4 tháng sau khi Hiệp ước START 1 hết hạn, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đặt bút ký chính thức cho Hiệp ước mới.

Vấn đề lá chắn tên lửa ở châu Âu đã được xem xét theo một khía cạnh khác. Đương nhiên là Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ ý định của mình. Bằng chứng là từ hồi năm ngoái, hải quân Mỹ đã triển khai tàu khu trục thế hệ Aegis với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tuần tra ở Địa Trung Hải. Thêm vào đó, Trung tâm Tư lệnh Mỹ ở Trung Đông và Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương cũng được lệnh nhanh chóng triển khai tàu khu trục Aegis để đối phó với Iran.

Theo kế hoạch, số tàu khu trục Aegis ở các khu vực này sẽ được tăng lên con số 38 vào năm 2015. Hiện tại, Romania đã đồng ý cho phép tàu Aegis được ghé thăm và thành lập căn cứ ở khu vực cảng biển nước này. Đến năm 2018, Mỹ đặt chỉ tiêu xây dựng thêm căn cứ ở Ba Lan bằng hệ thống Aegis trên đất liền với hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3.

Đặc biệt, ngày 30/7/2010, Cộng hòa Czech đã đồng ý cho phép Mỹ xây dựng một trung tâm phòng thủ tên lửa chung trên lãnh thổ nước này vào năm tới. Và trung tâm này sẽ hoạt động như một trung tâm cảnh báo sớm chuyên thu thập thông tin từ vệ tinh để phát hiện bất cứ tên lửa nào nhằm vào các nước thành viên NATO.

Washington sẽ đóng góp 2 triệu USD để xây dựng trung tâm, trong khi Cộng hòa Czech có nhiệm vụ điều hành. Hai văn phòng cũng sẽ được thành lập cho trung tâm nói trên, trong đó một văn phòng đặt tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hòa Czech. Các chuyên gia sẽ theo dõi sự di chuyển của tên lửa trên máy tính đặt tại văn phòng.

Theo Huyền Chi (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm