Mỹ có nguy cơ mất một 'người bạn tốt' châu Á về tay Iran, Nga

Ngày 15-1, Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif đã đến thăm Ấn Độ, hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng có lịch trình tương tự ở New Delhi, hãng tin RT cho hay.

Trước đó, báo The Washington Post ngày 14-1 đưa tin chính quyền Washington đang tích cực thảo luận với New Delhi để sắp xếp chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ấn Độ có thể diễn ra vào tháng tới.

Các động thái này cùng với việc Mỹ tấn công tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran hôm 3-1 khiến giới quan sát chú ý đến quan hệ giữa Ấn Độ với ba đối tác là Mỹ, Iran và Nga. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện "Howdy, Modi" ở Texas (Mỹ) ngày 22-9-2019. Ảnh: REUTERS

Trước sự im lặng của một “người bạn tốt”

Có thể thấy quan hệ Mỹ - Ấn thời gian này đang trong giai đoạn nồng ấm. Tổng thống Trump luôn gọi Thủ tướng Ấn Độ Modi là một “người bạn tốt”. Năm 2016, Mỹ xem Ấn Độ là một “đối tác quốc phòng lớn”.

Năm 2019, hai bên đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng có tổng trị giá 15 tỉ USD, lớn hơn giao dịch vũ khí giữa Mỹ và Pakistan (nước láng giềng và đối thủ của Ấn Độ). Mới tháng trước, Mỹ còn tổ chức cuộc gặp 2+2 giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước. Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin và Boeing của Mỹ còn mong muốn xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí ở Ấn Độ.

Dù quan hệ đang nồng ấm nhưng Mỹ hoàn toàn không thông báo gì cho Ấn Độ trước khi giết tướng Iran.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã điện đàm với Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Qamar Bajwa chỉ vài giờ trước cuộc tấn công giết tướng Iran ở Baghdad (Iraq). Và một ngày sau đó, Tổng thống Trump đã nối lại hoạt động huấn luyện cho quân đội Pakistan, báo Hindustan Times cho biết. 

Phân tích trên RT ngày 15-1, chuyên gia Ấn Độ Ashish Shukla gọi cách hành xử này của Mỹ là “một cái tát vào mặt” New Delhi.

Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif (trái) hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) ngày 15-1. Ảnh: FIRST INDIA

Cân bằng quan hệ với đối tác Trung Đông

Về phía Ấn Độ, theo chuyên gia Shukla, nước này đang nỗ lực cân bằng quan hệ với các đối tác có liên quan đến vấn đề Trung Đông. Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Saudi Arabia và Israel, các đồng minh của Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục duy trì quan hệ truyền thống với Iran.

Hai nước Ấn Độ và Iran có quan hệ tốt đẹp ngay từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và đều có cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất nhì thế giới. Tehran đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, góp phần giúp các quốc gia Trung Á và Nam Á (bao gồm Ấn Độ) an tâm hơn, chuyên gia Ashish Shukla phân tích trên RT.

Năm 2016, chính phủ Ấn Độ công bố khoản đầu tư hơn 314 triệu USD trong 10 năm ở cảng Chabahar của Iran. Về thương mại, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu nhiều thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) của Iran và ở chiều ngược lại, Iran là nguồn cung dầu lớn thứ ba của Ấn Độ, góp phần đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Modi.

Chuyên gia Ấn Độ Sudha Ramachandran viết trên tạp chí The Diplomat ngày 14-1-2019 rằng Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào cảng Chabahar, giúp nước này tiếp cận eo biển Hormuz - tuyến hàng hải vận chuyển dầu lớn thứ ba thế giới - và dễ dàng để mắt tới sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng Gwadar (Pakistan) gần đó. Nó còn mở ra con đường kết nối Ấn Độ với Afghanistan mà không cần thông qua Pakistan.

"Ấn Độ quyết định tiếp tục hoạt động tuần tra riêng trong khu vực. New Delhi cương quyết không tham gia vào liên quân hải quân ở vịnh Ba Tư do Mỹ thành lập với mục tiêu “thúc đẩy tự do hàng hải và an toàn hàng hải xung quanh eo biển Hormuz” - hãng tin Reuters ngày 18-7-2019 cho biết. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15-1. Ảnh: CHÍNH PHỦ ẤN ĐỘ

Chọn bạn cũ là cầu nối quan hệ với Iran

Ông Shukla cho rằng Ấn Độ đang hy vọng Nga có thể giúp mình cải thiện quan hệ với Iran, vì có vẻ như Moscow cũng có lợi ích tương đồng với New Delhi trong vấn đề Trung Đông. Sự hiện diện của Nga là đối trọng của Mỹ - quốc gia luôn đối đầu với Iran, góp phần tạo thế cân bằng và ổn định cho khu vực.

Nga được coi là một quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu và là một nhà hòa giải cho các lực lượng trong khu vực. Moscow thường xuyên lắng nghe và được các bên tin tưởng, từ đó trở thành cầu nối giữa các lực lượng có xung đột như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Syria với Saudi Arabia và Israel.

Trong thông cáo báo chí ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, bao gồm vấn đề Iran.

Ấn Độ cũng mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Một trong những lý do quan trọng nhất cho quan điểm này của New Delhi là vấn đề an ninh năng lượng, The Diplomat phân tích.

Nga cũng là một người “bạn cũ”, là “đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền” của Ấn Độ từ năm 2010. Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, trong khi hai nước tiếp tục hợp tác phát triển nhiều loại vũ khí mới bao gồm tên lửa BrashMos.

Hai bên hợp tác chặt chẽ trong nhiều cơ chế song phương và đa phương, điển hình là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm BRICS. Mới đây, trong Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2019, Thủ tướng Modi đã công bố gói tín dụng 1 tỉ USD đầu tư phát triển vùng Viễn Đông của Nga.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm