Mỹ chọn người Kurd ở Syria và hệ lụy Thổ Nhĩ Kỳ

Kế hoạch đánh IS của chính phủ Trump có một nội dung quan trọng: sát cánh và hỗ trợ lực lượng tay súng người Kurd (còn gọi là Lực lượng Dân chủ Syria - SDF) ở Syria đánh IS chiếm Raqqa. Có thể nói kế hoạch này đã chấm dứt đồn đoán về đồng minh, đối tác nào Mỹ sẽ chọn, là SDF thay vì Thổ Nhĩ Kỳ, theo The Hill.

Kế hoạch này được Bộ Quốc phòng trình cho Nhà Trắng chỉ vài ngày sau chuyến thăm ngày 24-2 của Tướng Votel đến TP Kobane của người Kurd và tuyên bố sẽ tăng hỗ trợ quân sự cho SDF.

SDF là một đối tác của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là một nhánh của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này xem là khủng bố.

Tại sao Mỹ chọn SDF thay vì Thổ Nhĩ Kỳ? So với chính phủ tiền nhiệm, chính phủ Trump có quan hệ không được tốt với Bộ Ngoại giao và CIA - 2 cơ quan trực tiếp tiếp nhận và xử lý sự lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về SDF. Bản thân ông Trump lại thích Bộ Quốc phòng và chịu ảnh hưởng quan điểm của cơ quan này hơn. Mà quân đội Mỹ ngày càng mất niềm tin vào hệ thống lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt sau cách Thổ Nhĩ Kỳ xử lý cuộc đảo chính năm ngoái, tống tù nhiều quan chức cấp cao thân Mỹ.

Các lãnh đạo lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (SDF) trong một cuộc họp báo ở Rakka (Syria). Ảnh: ARA NEWS

Các lãnh đạo lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (SDF) trong một cuộc họp báo ở Rakka (Syria). Ảnh: ARA NEWS

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng xói mòn niềm tin của quân đội Mỹ. Đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng có thể sẽ hướng về Nga nếu Mỹ ủng hộ SDF hay không chịu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng sau cuộc đảo chính năm ngoái.

Tuy nhiên nếu chỉ thế thì Mỹ cũng không muốn làm mất lòng đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như SDF không phải là đối tác hiệu quả nhất để đánh IS ở Syria.

Hệ lụy sẽ thế nào với việc Mỹ chọn SDF? Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran là 3 đối tác chính cùng thực hiện cuộc đối thoại hòa bình ở Astana (Kazakhstan). Dù hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mô tả quan hệ này rất lỏng lẻo nhưng không loại trừ khả năng việc Mỹ chọn SDF vô hình trung sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến gần hơn hai đối thủ chính của Mỹ là Nga và Iran.

Hệ lụy chính trị thì có thể chưa thấy liền nhưng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF thì đã hiển hiện. Vài tuần qua, giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF bắt đầu xuất hiện ở bắc Syria.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 9-3, Tướng lục quân Joseph Votel, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Đông thừa nhận nguy cơ xảy ra xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF là có thật và rất lớn. Nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói ông có thể hình dung ra thảm họa ở Syria nếu chính phủ Trump không giải quyết tốt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF.

Theo Tướng Votel, Mỹ đang thực hiện các bước đi để ngăn xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF, cho rằng phải cân nhắc đến cả hai khả năng dùng quân sự và nỗ lực chính trị. Một trong những bước đi mà Tướng Votel nói đến là Mỹ vừa triển khai 100 lính biệt kích đến TP  Manbij (tỉnh Aleppo) ở bắc Syria có vai trò như một vùng đệm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.