Mỹ can thiệp quân sự sâu hơn ở Yemen

Theo Fox News, năm 2015, Mỹ buộc đóng cửa đại sứ quán nước này tại Yemen khi nước này bùng nổ nội chiến. Thủy quân lục chiến Mỹ canh gác đại sứ quán đã phải tháo dỡ vũ khí trước khi bước lên chiếc máy bay thương mại chở đội ngũ nhân viên đại sứ quán về nước. Đó cũng là lúc lực lượng được Iran hậu thuẫn xông vào TP thủ đô Sanaa của Yemen.

Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ, những người đang săn lùng các tay súng Al-Qaeda ở Yemen, cũng được rút về khi lực lượng được Iran hậu thuẫn là Houthis vây chiếm thủ đô Sanaa. Dù vậy, bất chấp sự ra đi trong miễn cưỡng, quân đội Mỹ hiện nay dường như đang gia tăng can dự vào cuộc nội chiến ở Yemen và có rất nhiều nỗi lo nảy sinh từ đó.

Binh sĩ Mỹ sơ tán khỏi một căn cứ không quân ở Yemen hồi năm 2015 do tình hình an ninh ở nước này đang suy thoái. Ảnh: PRESS TV

Hồi tháng 10-2016, lực lượng Houthis đã phóng hai quả tên lửa vào hai tàu chiến của hải quân Mỹ ở biển Đỏ. Tuy nhiên không tên lửa nào phóng trúng mục tiêu bởi khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Mason của Mỹ đã phóng ba quả tên lửa để đánh chặn các tên lửa sắp trút xuống của Houthis. Đây được cho là lần đầu tiên một tàu chiến của Hải quân Mỹ sử dụng tên lửa đánh chặn để tự vệ trong một cuộc tấn công bằng tên lửa.

Nhiều ngày sau đó, Hải quân Mỹ đã đáp trả bằng cách phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ khu trục hạm USS Nitze, phá hủy ba dàn radar của Houthis trên bờ biển ở Yemen. Khi đó, Lầu Năm Góc cho biết các radar này đã được sử dụng để tấn công các tàu chiến của Mỹ.

Washington đang chống lưng cho một liên quân chống phiến quân Houthis do Saudi Arabia dẫn đầu. Nhưng dù gì, mối nguy hại lớn nhất cho Mỹ vẫn là Al Qaeda chi nhánh Yemen. Theo nhận xét của các quan chức Mỹ vào thời điểm đó, việc Mỹ buộc phải rút khỏi Yemen đã làm chậm diễn tiến của cuộc chiến chống Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập. “Đó có lẽ là một trong những chi nhánh đáng gờm nhất của Al-Qaeda và bản thân chi nhánh này đã chứng tỏ họ có tham vọng tấn công đất nước chúng tôi” - Stephen Seche, đại sứ Mỹ tại Yemen trong thời gian từ 2007-2010.

“Họ có một nhà sản xuất bom tên là Ibrahim Nasiri. Người này rất, rất miệt mài tập trung chế tạo các chất nổ phi kim loại, không màu mà có thể “qua mắt” được tất cả thiết bị dò tìm của chúng ta. Đó là mối nguy lớn và là lo ngại nghiêm trọng đối với tôi và những ai lo lắng cho an ninh quốc gia” – ông Seche nói.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, các trận không kích nhằm vào Al-Qaeda ở Yemen đã tăng gấp đôi do với năm năm trước đó. Chỉ tính riêng trong năm nay đã có hơn 80 trận không kích. Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Yemen cũng được tăng cường. Một số người lo ngại rằng Washington đang sa lầy vào một cuộc chiến khác mà không có điểm dừng. Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và từng là giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA), lo ngại Mỹ có lẽ đang nhượng bộ quá nhiều trước áp lực từ Saudi Arabia nhằm can thiệp sâu hơn về mặt quân sự ở Yemen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm