Luật hải cảnh Trung Quốc khiêu khích và nguy hiểm ra sao?

Vào năm 2018, lực lượng hải cảnh TQ (TQ) đã được chuyển từ Tổng cục Hải dương TQ sang Cảnh sát vũ trang TQ. Từ khi thành lập vào năm 2013 tới nay, hải cảnh TQ đã hoạt động mạnh mẽ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhiều lần chủ động đâm chìm các tàu cá Việt Nam và một số nước xung quanh Biển Đông cũng như thực hiện nhiều hoạt động trái với luật pháp quốc tế khác.

Ý đồ của Trung Quốc khi ban hành luật hải cảnh

Với lý do trên, hải cảnh TQ đang là đối tượng chỉ trích của nhiều học giả và các quốc gia xung quanh Biển Đông cũng như nhiều quốc gia ngoài khu vực Biển Đông. Hoạt động của lực lượng hải cảnh TQ được các chính phủ và học giả diễn giải là hung hăng, côn đồ, trái với các quy định của luật pháp quốc tế.

Trên nhiều diễn đàn quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ cũng như nhiều học giả TQ luôn bào chữa rằng lực lượng hải cảnh cũng như các lực lượng vũ trang khác của TQ hoạt động theo luật TQ. Việc thông qua luật hải cảnh lần này của TQ về mặt thực chất là nhằm củng cố luận điểm này của TQ.

Tàu Hải cảnh 2401 của Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật hồi tháng 11-2016. Ảnh: CGC

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) quy định rằng các quốc gia ven biển cần ban hành luật phù hợp với Công ước để quản lý vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia của mình. Dù sử dụng cách tiếp cận rất rối rắm, lập lờ với lập trường “ngoài UNCLOS còn có các luật khác”, TQ vẫn đang cố gắng “nội luật hóa” những quy định của UNCLOS cho vùng biển “thuộc quyền tài phán” của mình để tiện bề biện minh cho những hoạt động sai trái của mình.

Chúng ta hãy xem xét một số quy định của luật hải cảnh TQ. Luật này quy định về hoạt động của hải cảnh TQ trong vùng biển thuộc “quyền tài phán” của TQ.

Cụ thể, Điều 20 của luật hải cảnh cho phép hải cảnh ngăn chặn các nước ngoài xây dựng các công trình và lắp đặt tất cả các công trình nổi hay cố định trong “vùng nước thuộc quyền tài phán của TQ” và cũng cho phép các lực lượng hải cảnh TQ phá bỏ những công trình này.

Điều 22 quy định rằng hải cảnh TQ có thể “sử dụng tất cả cá biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”.

Điều 47 quy định các nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng hải cảnh và khi các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu lực.

Tàu Hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh TQ gần quần đảo Natuna phía nam Biển Đông hồi tháng 1-2020. Ảnh: REUTERS

Luậtnày còn quy định lực lượng hải cảnh TQ có quyền theo dõi và giám sát các tàu nước ngoài trong vùng tài phán của TQ; đồng thời giam giữ hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh hải TQ, hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu quân sự hoặc tàu của chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán.

Ngoài ra, luật còn cho phép các tàu hải cảnh TQ có thể sử dụng vũ khí gắn trên tàu, trên thiết bị bay và cầm tay trong các hoạt động chống khủng bố, trong những “sự cố nghiêm trọng” khi các tàu và máy bay hải cảnh bị tấn công bằng vũ khí và các thiết bị bạo lực khác.

Mở đường cho TQ dùng vũ lực

Một trong những quy định rất nghiêm ngặt của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và nhiều Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là các quốc gia thành viên không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Quy định này cũng được nhắc lại trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Nói chung, các quốc gia chỉ được phép sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình trong lãnh thổ hoặc vùng biển của mình để tự vệ, khi mà các quốc gia khác đã sử dụng vũ lực tấn công trước với mục đích xâm phạm lợi ích hợp pháp của mình.

Đối chiếu các quy định này với các quy định được nêu ở phần trên trong luật hải cảnh TQ, có thể thấy hải cảnh TQ được phép sử dụng vũ khí với những lý do rất mơ hồ như “ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm” hoặc “khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng hải cảnh”.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến vào Biển Đông để tập trận hồi tháng 7-2017. Ảnh: AP  

Điều đặc biệt nghiêm trọng là tuyên bố vùng biển “thuộc quyền tài phán” của TQ không chỉ là vùng biển xung quanh TQ xác định theo UNCLOS mà là hầu như toàn bộ Biển Đông, nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc cái gọi là “vùng biển liên quan tới Tứ Sa” và một phần rất lớn của vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nhật tại biển Hoa Đông.

Trong Biển Đông, tuyên bố của TQ về “quyền lịch sử” trong vùng biển xác định theo “đường lưỡi bò”, chồng lấn với vùng biển của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, đã bị Tòa Trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS bác bỏ.

Bằng cách sử dụng những quy định mơ hồ “vùng biển thuộc quyền tài phán”, luật hải cảnh của TQ không chỉ nhắm tới vùng biển hợp pháp của TQ mà chắc chắn là nhắm tới cả vùng biển tuyên bố “quyền tài phán” phi pháp của TQ.

Như vậy, luật này trao cho hải cảnh TQ quyền nổ súng vào người dân và các tàu của chính phủ, tàu quân sự không những của các quốc gia ngoài Biển Đông thực hiện tự do hàng hải, hàng không mà còn của các quốc gia xung quanh Biển Đông hoạt động trong vùng biển của mình xác định hợp pháp theo UNCLOS.

Luật hải cảnh đi ngược hoàn toàn luật pháp quốc tế 

Ngoài các quy định nêu trên, luật hải cảnh của TQ còn có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, về quyền đi qua vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các tàu thuyền và thiết bị bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, cũng như các quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển và đảo.

Theo quy định của luật TQ, tàu quân sự nước ngoài phải xin phép khi đi qua lãnh hải. Luật hải cảnh lần này còn nghiêm trọng hơn ở chỗ cho phép tàu hải cảnh TQ “trục xuất” tàu quân sự và tàu chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc “quyền tài phán” của TQ và một số quy định nguy hiểm khác.

Ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của TQ xác lập theo UNCLOS, các quy định nêu trên đã trái với UNCLOS và nguy hiểm. Đối với vùng biển tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán sai trái của TQ trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc theo “Tứ Sa”, các quy định này lại càng nguy hiểm.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong một đợt diễn tập hồi tháng 11-2019. Ảnh: ALAMY

Luật này sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS thành các hoạt động bất hợp pháp và là đối tượng để lực lượng hải cảnh TQ tấn công, trục xuất, thậm chí nổ súng.

Tóm lại, luật hải cảnh của TQ đã cho phép hải cảnh TQ sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực không chỉ trong vùng biển hợp pháp của TQ mà còn cả trong vùng biển hợp pháp của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông và biển Hoa Đông, và như vậy là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở đây.

Luật hải cảnh TQ có thể thổi bùng căng thẳng khu vực

Với các lý do nêu trên, luật hải cảnh TQ là một luật rất nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Chắc chắn rằng các quốc gia ven biển Đông không cho phép TQ tự do bắt giữ, “trục xuất”, thậm chí bắn các dân sự, tàu chiến, tàu chính phủ của mình hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS.

Bởi vậy, những hoạt động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trái pháp luật của TQ sẽ tạo cớ cho các xung đột vũ trang. Các xung đột vũ trang do hải cảnh TQ gây ra có thể leo thang, gây mất ổn định trên khu vực và trên thế giới.

Cần phải có những nỗ lực quốc tế để kiềm chế những quy định và hoạt động sai trái của TQ. Mới đây, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của TQ trên Biển Đông. 

Đến ngày 23-1, Mỹ đã cử tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng các tàu trong Nhóm tác chiến vào Biển Đông nhằm thực hiện tuần tra tại các khu vực được đảm bảo quyền tự do hàng hải trong Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối luật hải cảnh của TQ.

Chắc chắn, trong thời gian tới sẽ có nhiều quốc gia tham gia phong trào phản đối TQ. TQ không thể một mình chống lại cả cộng đồng quốc tế và sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng quốc tế trên cơ sở lợi ích chung sẽ bẻ gãy những âm mưu độc chiếm Biển Đông và biển Hoa Đông trái pháp luật của TQ. 

* PGS. TS Vũ Thanh Ca là nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm