Lúa mì vẫn đủ cho mọi người

Nga sản xuất 8% lúa mì thế giới. Tuy nhiên, tại nước xuất khẩu lúa mì đứng thứ ba thế giới này, 20% diện tích canh tác đang bị giặc lửa hoành hành. Bộ Nông nghiệp Nga đã dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay ước đạt 70-75 triệu tấn, trong đó 2/3 là lúa mì trong khi năm ngoái đạt đến 97 triệu tấn.

Không riêng gì Nga, nắng nóng bất thường ở các nước biển Đen như Ukraine, Kazakhstan, mưa lũ ở Canada và thời tiết thất thường ở châu Âu cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì thế giới. Dự báo năm 2010, lúa mì trong EU sẽ giảm còn từ 126 đến 129 triệu tấn thay vì 138 triệu tấn như năm trước.
Năm 2007-2008, khủng hoảng lương thực xảy ra vào thời điểm hạn hán lịch sử ở Úc nên giá lúa mì bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Tháng 6 mới rồi, giá lúa mì cũng lại tăng đến 50%. Lần này, sau khi Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì, các chuyên gia Mỹ đã dự báo giá lúa mì sẽ tăng đến 30%, kéo theo các sản phẩm có liên quan như bột mì, bánh mì. Nhận định này có thể đúng nếu quan sát phiên giao dịch ngày 5-8. Giá lúa mì tại sàn giao dịch Chicago tăng gần 8%. Giá tại sàn giao dịch Euronext (châu Âu) tăng 6,8%.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng giá giao dịch tăng chỉ thuần túy mang tính chất tài chính chứ không phản ánh đúng thực chất thị trường. Tổ chức Lương-Nông LHQ (FAO) cũng nhận định trước mắt, nhờ sản lượng thu hoạch kỷ lục trong hai năm qua, kho dự trữ lúa mì thế giới vẫn đủ cung ứng trong năm nay và tình hình năm 2007-2008 khó lặp lại. Ngày 6-8, Bộ Nông nghiệp Kazakhstan đã tuyên bố không nhất thiết Kazakhstan phải ngừng xuất khẩu lúa mì như Nga bởi nếu ngưng xuất khẩu, Kazakhstan sẽ mất các thị trường vừa khai phá.

Tình hình có thể sẽ chỉ trở nên bi quan như FAO dự báo: Nếu hạn hán ở Nga kéo dài và tình hình sản xuất ngũ cốc ở Kazakhstan, Ukraine và Canada tụt giảm, nhu cầu lúa mì trong năm 2011 và 2012 mới bị ảnh hưởng.

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm