Liệu ông Trump và ông Putin có tránh được đối đầu?

Điều gì sẽ xảy ra khi đối mặt với một cường quốc hạt nhân như Nga là một chính phủ thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm và hứng nhiều chống đối từ trong nước như chính phủ Trump?

Đây là lo ngại của chuyên gia George Beebe, Giám đốc chương trình tình báo của Trung tâm vì An ninh Quốc gia, từng là nhà phân tích về Nga tại CIA, cố vấn đặc biệt cho Phó Tổng thống Dick Cheney về Nga và Liên bang Xô viết. Trong một bài viết trên National Interest, chuyên gia Beebe rất lo lắng cả Mỹ và Nga đang tiến dần đến thế đối đầu nguy hiểm.

Về phía Mỹ, từ nhiều nghị sĩ cả Cộng hòa, Dân chủ đến tướng lĩnh quân đội lẫn quan chức tình báo đều coi Nga là mối đe dọa lớn nhất nhưng chưa phải trả giá cho các hành động chống phá Mỹ. Rất nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Donald Trump nên từ bỏ ý định cải thiện quan hệ với Nga, thậm chí lo lắng khi ông Trump đánh giá thấp đe dọa Nga.

Ngày 26-7, dự luật trừng phạt Nga, cấm tổng thống tự ý dỡ bỏ trừng phạt Nga khi chưa được phép Quốc hội chính thức qua được cửa Quốc hội, chỉ còn chờ ông Trump ký ban hành. Diễn biến này là ví dụ rõ nhất cho sức mạnh chống Nga tại Mỹ. Dự luật này chắc chắn sẽ cản trở ý định cải thiện quan hệ với Nga của ông Trump, nhưng nhiều khả năng ông Trump vẫn sẽ phải thông qua vì áp lực Quốc hội.

Hai Tổng thống Nga Putin (trái) và Mỹ Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 đầu tháng 7 tại Đức. Ảnh: AP

Hai Tổng thống Nga Putin (trái) và Mỹ Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 đầu tháng 7 tại Đức. Ảnh: AP

Về phía Nga, sự lạc quan ban đầu về một chính phủ mới của Mỹ đã dần biến mất. Sự bất mãn của Nga ngày càng tăng với các cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, hành động tấn công Syria, từ chối trả lại hai khu nhà ngoại giao chính phủ tiền nhiệm Obama đã tịch thu.

Bất kể áp lực trong nước, Nga đã không trả đũa việc Mỹ tịch thu hai khu nhà ngoại giao, trục xuất 35 nhà ngoại giao với hy vọng cải thiện quan hệ với một chính phủ Trump mới mẻ.

Đến lúc chính phủ Trump nã 59 tên lửa quả hành trình Tomahawk vào Syria, Nga vẫn kiềm chế. Tuy nhiên, theo chuyên gia Beebe, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không thể làm lơ mãi áp lực từ trong nước, đặc biệt khi Mỹ càng ngày càng cứng rắn.

Theo chuyên gia Beebe, các bất đồng này đều có thể được giải quyết. Tuy nhiên, áp lực từ bên trong khiến hai nước khó kiềm chế. Nếu chuyện hai khu nhà ngoại giao Nga bị Mỹ tịch thu không sớm giải quyết, Nga chắc chắn sẽ phải trả đũa bằng cách trục xuất nhà ngoại giao Mỹ, tịch thu tài sản ngoại giao Mỹ.

Nếu xảy ra đối đầu giữa hai bên thì đâu sẽ là khu vực nhiều nguy cơ nhất? Theo chuyên gia Beebe thì đó là Ukraine. Hiệp định ngừng bắn Minks không được thực hiện. Giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở Đông Ukraine ngày càng căng. Mỹ vừa thành lập một cơ sở huấn luyện quân sự ở Đông Ukraine mà Nga xem là một căn cứ quân sự. Về phần mình, Nga cho xây một chuỗi căn cứ quân sự dọc biên giới với Ukraine. Quốc hội Mỹ đang làm áp lực cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Ngày 25-7, Nga vừa cảnh cáo Mỹ không làm điều này.

Cả Nga và Mỹ đều không muốn quay trở lại thời Chiến tranh lạnh. Và theo chuyên gia Beebe, ngăn chặn bất đồng dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp sẽ phải cần rất nhiều kỹ năng ngoại giao thông minh và tỉnh táo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm