Liệu ông Trump có kiềm chế được Triều Tiên?

“Điều đó sẽ không xảy ra” - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 1-1, sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết nước này sắp đạt được mục tiêu phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn tới Mỹ.

Từ những lời này, có thể hiểu ông Trump quyết sẽ ngăn chặn Triều Tiên phóng ICBM đến Mỹ cũng như kiềm chế tham vọng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Reuters, nói dễ hơn làm rất nhiều, đặc biệt trong tình hình ông Trump chưa đưa ra được kế hoạch ông sẽ làm gì để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sau khi ông nhậm chức tổng thống. Kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là điều mà hết chính phủ này đến chính phủ khác của Mỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều chưa làm được.

Ông Victor Cha, cựu cố vấn Tổng thống George W. Bush, nói rằng ông tin ông Trump hoàn toàn nghiêm túc và có trách nhiệm khi nói sẽ không để Triều Tiên phát triển được tên lửa ICBM có thể bắn tới đất Mỹ.

“Dĩ nhiên ngăn chặn là rất khó. Đó là tổng hòa của các biện pháp từ ngoại giao, trừng phạt, di chuyển thêm vũ khí đến khu vực phục vụ đánh chặn, sẵn sàng các phương án đánh chặn, tích hợp tên lửa đánh chặn” - theo ông Victor Cha.

Dù thế, ông James Acton, đồng Giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân tại Viện Chính sách vì hòa bình thế giới Carnegie (Mỹ), cho rằng ông Trump đã tự vạch cho mình một giới hạn đỏ mà rồi ông sẽ phải chịu hậu quả từ giới hạn này.

“Câu nói trên Twitter là sự liều lĩnh dại dột của ông Trump đối với thách thức kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tôi nghĩ điều này sẽ quay lại ám ảnh ông ta”.

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Mansfield châu Á Frank Jannuzi, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định tuyên bố trên Twitter của ông Trump chẳng khác gì lời cam kết chẳng đi đến đâu trước đó của Tổng thống Obama sẽ không bỏ qua cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

“Tôi lo ngại tuyên bố này chỉ kích thích thêm Triều Tiên, vì với Triều Tiên thì đây chỉ là lời nói suông. Tuyên bố này vạch ra một giới hạn đỏ... và chúng ta dường như chưa chuẩn bị phương án dự phòng”.

Ông Jannuzi dự đoán chính phủ ông Trump rồi cũng sẽ chẳng thay đổi được thực tế là Triều Tiên sẽ tiếp tục thách thức các lệnh trừng phạt của LHQ và Mỹ để theo đuổi hạt nhân và tên lửa, như trước nay vẫn từng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong một lần chỉ đạo thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong một lần chỉ đạo thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Reuters dẫn ý kiến nhiều cựu quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng về cơ bản, Mỹ có hai chọn lựa để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên: thương lượng hoặc hành động quân sự.

Mỗi chọn lựa đều có những khả năng thành công nhất định. Về phương án hành động quân sự, theo các quan chức này, quân đội Mỹ có ba phương án đối phó với việc Triều Tiên phóng tên lửa ICBM là tấn công phủ đầu trước khi Triều Tiên phóng ICBM, triển khai tên lửa đánh chặn tên lửa ICBM của Triều Tiên hoặc không cản trở tên lửa ICBM của Triều Tiên. Tuy nhiên, hành động quân sự lại chứa rủi ro lớn.

Chuyên gia vũ khí Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho rằng triển khai quân sự nhằm phá hủy các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên là một rủi ro lớn. Mỹ sẽ phải cần một chiến dịch quân sự lớn với thời gian lâu dài, khi các cơ sở hạt nhân và tên lửa chính của Triều Tiên cũng như các nhà máy cung cấp nguyên liệu nằm rải rác ở khắp nước.

“Dưới các cơ sở hạt nhân có nhiều đường hầm. Một tên lửa ICBM có thể được phóng đi từ bất kỳ nơi nào ở Triều Tiên. Nếu muốn phá hủy các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, Mỹ có thể sẽ phải xâm nhập nước này” - theo chuyên gia Lewis.

Theo các quan chức này, một rủi ro nữa của của phương án tấn công phủ đầu Triều Tiên là khả năng tấn công sai mục tiêu hoặc cũng có nguy cơ Triều Tiên trả đũa Hàn Quốc, Nhật - hai đồng minh thân cận của Mỹ vốn sát cạnh Triều Tiên.

Dù ông Trump chưa công bố chi tiết chính sách với Triều Tiên nhưng một cố vấn đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump nói với Reuters rằng ông tin chính phủ Trump tới đây sẽ tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Về ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng quan điểm cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc, từ vấn đề thương mại đến Đài Loan, có thể sẽ không khiến Trung Quốc hợp tác với Mỹ hơn về vấn đề Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm