Libya: Cửa thắng của Tướng Haftar rộng tới đâu?

Tình hình Libya có biến lớn sau 8 năm nội chiến. Nguyên soái Khalifar Haftar kiểm soát TP Benghazi và phần lớn miền đông Libya giữa tuần trước chỉ đạo Quân đội Dân tộc Libya (LNA) đánh về thủ đô Tripoli ở phía tây Libya do chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj kiểm soát.

Hai bên giao tranh cả bộ binh và trên không. Bất chấp những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, Tướng Haftar vẫn cương quyết đánh về Tripoli. Người lãnh đạo chính quyền Tripoli, Thủ tướng al-Serraj một mặt đề nghị ông Haftar ngưng đe dọa, mặt khác chỉ đạo các lực lượng trung thành với mình đối phó.

Tướng Haftar là ai?

Tướng Haftar vốn là một nhân vật dưới quyền lãnh đạo Muammar Gaddafi, sau đó bỏ ngũ sang sống lưu vong ở Mỹ và quay trở lại Libya vào năm 2011 tham gia cuộc nổi dậy chống ông Gaddafi.

Những năm sau khi ông Gaddafi bị hạ sát vào năm 2011, nhiều nhóm vũ trang nổi lên tranh giành quyền lực, trong đó có lực lượng của ông Haftar. Năm 2014, lực lượng của ông Haftar mở chiến dịch đánh lực lượng Hồi giáo ở Benghazi và tuyên bố ý định thống nhất đất nước dưới quyền lãnh đạo của mình.

Năm 2017, ông Haftar cho biết lực lượng mình đã kiểm soát được Benghazi sau 3 năm giao chiến. Năm ngoái, ông Haftar kiểm soát thêm TP Derna, địa phương cuối cùng chống đối ông Haftar ở miền đông.

Tướng Khalifa Haftar chào cấp dưới tại một cuộc diễu binh ở Benghazi năm ngoái. Ảnh: AFP

Tướng Khalifa Haftar chào cấp dưới tại một cuộc diễu binh ở TP Benghazi năm ngoái. Ảnh: AFP

Ông Haftar nhận được sự ủng hộ lớn từ các nước Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), tiếp đó là Pháp và Nga.

Trong khi đó, chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Thủ tướng al-Sarraj được Liên Hiệp Quốc, Mỹ và quốc tế công nhận. Chính quyền này được thành lập theo Thỏa thuận chính trị Libya nhằm thống nhất Libya.

Hai ông Haftar và al-Serraj từng gặp nhau ở Abu Dhabi (UAE) hồi tháng 2 và theo Liên Hiệp Quốc thì hai ông đã đồng ý sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.

Tháng 3, phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Libya thông báo một cuộc hội nghị quốc gia sẽ được tổ chức ở Libya thời gian từ ngày 14 đến ngày 16-4 bàn về lịch trình bầu cử và thống nhất đất nước.

Theo nhà nghiên cứu Jalel Harchaoui tại Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan Clingendael, ông Haftar đồng ý kế hoạch bầu cử là để kéo dài thêm thời gian nhằm thực hiện mục tiêu đánh về Tripoli.

Theo chuyên gia này, ông Haftar lợi dụng nỗ lực ngoại giao của Liên Hiệp Quốc để tạo đà cho tiến trình quân sự, với mục tiêu là thay đổi cục diện chiến trường nhằm giành ưu thế chính trị.

Sở dĩ ông Harchaoui có nhận xét này là dựa vào việc ông Haftar hồi tháng 1 năm nay lần đầu tiên đưa quân tiến về khu sa mạc Fezzan giàu dầu mỏ ở tây nam Libya.

Ông Haftar đạt được các thỏa thuận với các bộ lạc địa phương mà không cần bạo lực, giành được quyền kiểm soát mỏ dầu Sharara - một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya. Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích đã dự đoán chuyện ông Haftar đưa quân tiến về Tripoli chỉ còn là vấn đề thời gian.

Và theo ông Harchaoui, “mục tiêu cuối cùng khi ông ta tiến vào Fezzan là để chiếm Tripoli”.

“Bạn không thể cầm quyền Libya trừ khi kiểm soát Tripoli, vì mọi tiền bạc, phái bộ ngoại giao và phần lớn dân số đều ở đó, mọi thứ đều tập trung ở đó”, theo ông Harchaoui.

Cục diện sẽ thế nào?

Lên tiếng từ Benghazi, Giáo sư Mansour El-Kikhia giảng dạy tại Đại học Texas (Mỹ) cho rằng nhiều khả năng ông Haftar sẽ thành công trong chiến dịch đánh về Tripoli.

“Chuyện ông Haftar sẽ chiếm Tripoli và chấm dứt thế lực của các nhóm vũ trang là điều đã được tính trước. Thậm chí cư dân Tripoli cũng mệt mỏi với tình trạng thời gian qua. Không phải vì họ yêu thích ông Haftar. Đó là mong muốn hòa bình, một cuộc sống yên tĩnh và bình thường. Còn mọi thứ hôm nay đang hỗn loạn. Các nhóm vũ trang thì cướp bóc tài sản đất nước trong khi người dân đói khổ”, theo Giáo sư El-Kihia.

Ông Fayez al-Sarraj, Thủ tướng chính quyền Tripoli thăm lực lượng vũ trang ủng hộ mình. Ảnh: AFP

Ông Fayez al-Sarraj, Thủ tướng chính quyền Tripoli thăm lực lượng vũ trang ủng hộ mình. Ảnh: AFP

Mô tả các nhóm vũ trang đứng về phía chính quyền Tripoli như “những cậu bé có súng”, Giáo sư El-Kikhia cho rằng các nhóm vũ trang này không thể so sánh được với lực lượng ước tính 25.000 tay súng của ông Haftar được huấn luyện và tôi luyện tốt sau 4 năm giao chiến với nhiều lực lượng.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến không đồng tình. Trong khi Giáo sư El-Kikhia cho rằng dân Tripoli đã mệt mỏi với chính quyền GNA, nhà nghiên cứu Harchaoui cho rằng “so với phần còn lại của Libya, vẫn còn một bộ phận người dân ở miền tây không quan tâm đến kiểu mẫu cầm quyền mà ông Haftar hứa hẹn”.

Khi được hỏi liệu ông Haftar sẽ giành phần thắng hay không, nhà phân tích chính trị Saleh Bakkoush ở Tripoli khẳng định: “Chắc chắn là không”. Ông Bakkoush dẫn ra việc các nhóm vũ trang ủng hộ chính quyền Trippoli bắt được 140 binh sĩ của ông Haftar tại một chốt kiểm soát cách Tripoli 30km về phía tây ngày 5-4 và cho rằng “có sự phấn khích lớn giữa các lực lượng theo GNA…tình hình sẽ đổi chiều”.

Lính của Tướng Khalifa Haftar tuần tra TP Sabha ở Đông Libya ngày 9-2. Ảnh: AFP

Lính của Tướng Khalifa Haftar tuần tra TP Sabha ở Đông Libya ngày 9-2. Ảnh: AFP

Theo học giả Emad Badi tại Viện Trung Đông (Mỹ), không giống các nhóm bộ lạc mà ông Haftar đã thuyết phục được ở miền nam, các nhóm vũ trang trong và quanh Tripoli có sức kháng cự lớn hơn nhiều.

“Họ xem cuộc tấn công của ông Haftar là một đe dọa hiện hữu. Các lực lượng vũ trang ở miền Tây có những quyền lợi phải giữ, vì vị thế dẫn đầu hiện tại có lợi cho họ…”, đài Al Jazeera dẫn lời ông Badi nói từ London (Anh).

Theo Al Jazeera, hiện giới quan sát đặc biệt chú ý vào phản ứng của thị trấn Misrata ở phía đông Tripoli, nơi có lực lượng ủng hộ GNA mạnh nhất.

“Misrata sẽ kháng cự”, ông Harchaoui nhận định.

Tuy nhiên ông El-Kikhia không đồng ý: “Họ sẽ không đánh lại ông ta nếu họ thấy có thể tránh được điều này. Họ sẽ thua thôi”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.