Lật lại vụ “Thuốc điên” làm 5 người chết và nhiều người bệnh nặng tại Pháp

Theo điều tra của nhà báo Hank Albarelli, thủ phạm chính là CIA, đã rải chất độc LSD xuống thị trấn này. Thực hư chuyện này ra sao?

Ngày 16/8/1951, người đưa thư tên Léon Armunier đang làm nhiệm vụ ở thị trấn Pont-Saint-Esprit, đang sống yên lành thì đột nhiên nôn mửa và có ảo giác. "Thật kinh khủng, tôi cứ như co rút lại, dường như có lửa và các con rắn cuộn quanh cánh tay của tôi" - cụ nhớ lại khi trao đổi với phóng viên báo Le Monde.

Lúc đó cụ bị té khỏi xe đạp và được đưa vào bệnh viện ở Avignon. Cụ bị trói tay trói chân và ở trong một căn phòng có 3 thiếu niên bị cột chặt vào giường, sau 3 tháng trời điều trị mới được về nhà, từ đó sức khỏe yếu dần đi.

Vào những ngày tiếp theo, hàng chục người khác trong thị trấn cũng có triệu chứng tương tự. Lúc ấy các bác sĩ kết luận rằng, bánh mỳ ở một xưởng của thị trấn bị nhiễm hạt cựa - một loại nấm độc bám trên lúa mạch đen. Phải chăng nguyên nhân khiến cụ Léon và nhiều người khác bị bệnh là vì nhiễm hạt cựa hay do hậu quả từ một cuộc chiến tranh sinh học?

Lật lại vụ “Thuốc điên” làm 5 người chết và nhiều người bệnh nặng tại Pháp ảnh 1

Cụ ông Léon Armunier là nạn nhân của "Thuốc điên"

Theo Reuters, ý kiến "nhiễm chất độc" nói chung được chấp nhận vì họ đối chiếu với phát hiện của Albarelli - một phóng viên điều tra người Mỹ, tiết lộ một tài liệu CIA có tựa: “Hồ sơ Pont-Saint-Esprit” và F.Olson vào năm 2009.

Được biết, Olson là một khoa học gia của CIA mà vào thời điểm xảy ra vụ Pont-St-Esprit, đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu về chất LSD cho CIA. Một người khác là David Berlin - Giám đốc điều hành của Ủy ban Rockfeller do Nhà Trắng lập ra năm 1975 để điều tra những lạm dụng của CIA trên thế giới - cả hai cũng đã xác nhận rằng, thị trấn Pon-St-Esprit của Pháp đã bị rải chất độc LSD.

Nhà báo Albarelli tin rằng “Hồ sơ Pont-Saint-Esprit và F.Olson”, nếu chúng chưa bị xóa, sẽ cho thấy rằng CIA đang thí nghiệm trên dân làng bằng thuốc LSD. Bản điều tra ngày xưa, kết luận một trong những xưởng bánh có tên Roch Briand là nơi phát xuất độc tố, còn Albarelli thì cho rằng có thể LSD đã được "ai đó" bỏ vào bánh mỳ. Theo Albarelli, "ai đó" ở đây không loại trừ là các điệp viên CIA.

Albarelli nói ông tìm thấy một báo cáo tối mật năm 1949 của Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Edgewood Arsenal -nơi tiến hành nhiều thí nghiệm LSD cho Chính phủ Mỹ, có chứa nội dung xác định rằng quân đội cần làm mọi thứ để có "thí nghiệm thực địa" đối với loại thuốc này và thế là họ đã chọn cư  dân ở Pont-St-Esprit làm vật "tế thần".

Albarelli cũng tìm thấy một báo cáo khác của CIA năm 1954 khi ông viện dẫn Luật Tự do thông tin. Trong đó, một điệp viên tường trình cuộc đối thoại của ông ta với một đại diện của Công ty Sandoz Chemical tại Thụy Sĩ. Tổng hành dinh của Sandoz chỉ nằm cách Pont-Saint-Esprit vài trăm cây số, là nơi duy nhất sản xuất LSD vào thời đó. Người điệp viên tường trình rằng sau vài cuộc rượu, đại diện của Sandoz đột ngột nói: "Bí mật của Pont-Saint-Esprit nằm ở chỗ: nó không hề là bánh mỳ... Đó không phải là hạt cựa như kết luận của bản báo cáo. Nó là chất độc LSD".

Giáo sư người Mỹ Steven Kaplan - người xuất bản một cuốn sách vào năm 2008 về vụ Pont-Saint-Esprit, lại khẳng định chất cựa và cả LSD đều không phải là thủ phạm. Ông chỉ ra rằng, thuốc đó sẽ không còn tác dụng trong nhiệt độ của lò nướng bánh - mặc dù Albarelli phản bác rằng thuốc có thể được bỏ vào bánh sau khi đã nướng xong. Mặc dù hai người bất đồng về nguyên nhân ảo giác nhưng họ đồng ý về một điểm là: Chính phủ Pháp cần điều tra để hiểu rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Pont-Saint-Esprit nhiều năm trước.

Sau khi nhà báo Albarelli tung vụ này lên website của mình trên mạng Internet, nhiều báo đài của Pháp và thế giới đã "ăn theo", đăng tải tràn lan khiến nó bỗng nhiên trở thành là một vụ động trời, không thể ém nhẹm được mà phải làm cho sáng tỏ. Ai đúng? Ai sai? Phải chăng trước đây CIA đã dùng cư dân Pont-Saint-Esprit làm vật hy sinh để thí nghiệm chất độc LSD? Ngày 12/9 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đã ra lệnh cho phía các cơ quan an ninh tiến hành điều tra vụ việc nhạy cảm này.

Theo Tường Quyên (ANTG/BBC News, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm