Lãnh đạo bị bắt, Samsung gặp sóng gió

Sáng 17-2, Tập đoàn Samsung Group tuyên bố sẽ nỗ lực hợp tác để đảm bảo sự thật không bị che giấu trong quá trình điều tra, xét xử sắp tới. Ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, người được mệnh danh là "Thái tử" Samsung vừa bị bắt sáng cùng ngày vì các cáo buộc hối lộ, tham ô, khai man... liên quan vụ bê bối của Tổng thống Park Geun-hye và bà bạn Choi Soon-sil.

Ông Lee là lãnh đạo Samsung đầu tiên bị bắt giam. Năm 2008, ông Lee Kun-hee, cha ông Lee Jae-yong và ba lãnh đạo khác của Samsung từng bị buộc một số tội danh vi phạm tài chính nhưng không bị bắt giam.

Bê bối hối lộ kéo dài nhiều tháng nay và vì nó Samsung đã gặp rất nhiều khó khăn. Một nguồn tin Samsung nói với Yonhap rằng Samsung đã không thể thực hiện quy trình cải tổ nhân sự hằng năm, cũng như chưa thể đưa ra các mục tiêu kinh doanh cho năm nay. Trước khi ông Lee bị bắt, Samsung Electronics đã phải chịu khủng hoảng thu hồi dòng điện thoại Galaxy Note 7 vì lỗi nổ pin.

Không chỉ khó khăn trong nước, hoạt động kinh doanh của Samsung ở nước ngoài có thể sẽ bị ảnh hưởng, Yonhap dẫn nhận định một số chuyên gia ngày 17-2.

Ông Lee Jae-yong trải qua một ngày dài thẩm vấn (16-2) ở Văn phòng công tố đặc biệt trước khi bị bắt ngày 17-2. Ảnh YONHAP

Ông Lee Jae-yong trải qua một ngày dài thẩm vấn (16-2) ở Văn phòng công tố đặc biệt trước khi bị bắt ngày 17-2. Ảnh: YONHAP

Theo các chuyên gia, vụ bê bối này có thể sẽ làm giảm đáng kể giá trị thương hiệu Samsung, vốn đã tăng gấp ba trong vòng 10 năm qua nhờ các kết quả tài chính tích cực và tầm nhìn khả quan. Thông tin khảo sát hằng năm công ty quản lý thương hiệu Interbrand công bố năm 2016 cho thấy Samsung Electronics là thương hiệu có giá đứng thứ 7 toàn cầu, với trị giá 51,8 tỉ USD, đồng thời là thương hiệu dẫn đầu Hàn Quốc.

Trong khi đó, khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos Forum năm 2016 cho thấy Samsung Group không còn nằm trong danh sách các tập đoàn có tính bền vững hàng đầu thế giới. Đây là lần đầu tiên trong bốn năm Samsung Group bị loại khỏi danh sách này.

Ngoài ra, “Samsung có thể sẽ gặp rắc rối lớn nếu các đối thủ từ Mỹ và Trung Quốc tìm cách gắn mác sản phẩm Samsung được sản xuất từ tập đoàn vi phạm pháp luật” -Yonhap dẫn nhận định một chuyên gia.

Chưa kể Samsung có khả năng trở thành mục tiêu tấn công trên đất Mỹ với Luật Chống tham nhũng nước ngoài (FCPA). Luật này được ban hành năm 1977 với mục đích cấm các cá nhân và tổ chức, công ty Mỹ hối lộ các quan chức nước ngoài để bôi trơn hoạt động kinh doanh. Luật này cũng được áp dụng với một số công ty nước ngoài mà Mỹ đưa vào danh sách và Samsung là một mục tiêu.

Thêm nữa, việc làm ăn của Samsung cũng sẽ gặp khó khăn trong khuôn khổ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vì “OECD không cho phép làm ăn với các công ty tham nhũng” - theo chuyên gia Kwon Tae-shin, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, từng là đại sứ Hàn Quốc ở OECD năm 2006.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm