“Làng Alzheimer” tại Thụy Sĩ

Wiedlisbach là một ngôi làng xinh xắn, thơ mộng với 2.200 dân, trong đó 185 người cao tuổi đang sống trong một khu dưỡng lão có tên là “OPW Dahlia”. Vẻ bề ngoài tại đây thoạt nhìn không có gì đặc biệt: Một ngôi nhà cao, nhiều dãy nhà thấp và một khu vườn rộng có dãy chuồng nuôi súc vật. Một nhân viên công tác xã hội tại đây cười nói: “Hôm nay tuyết rơi, sương mù giăng khắp nơi nhưng vào mùa xuân, cảnh vật sẽ thật tuyệt vời!”.

Những “ngôi làng của bảy thập niên trước”

Dù nói gì đi nữa, Wiedlisbach vẫn còn là một vùng làng quê yên bình và lặng lẽ. Có chăng sẽ sớm có một thay đổi. Markus Vögtlin, Giám đốc khu “OPW Dahlia” và cũng là người điều hành ba khu nhà dưỡng lão khác, đang nung nấu một dự án táo bạo, đó là xây dựng ngay tại đây một khu làng “của thập niên 1950”, nơi mà các cụ ông, cụ bà sẽ được “sống lại thời thanh xuân của mình”.

Táo bạo vì sao? Ông giám đốc giải thích: “Đa số những bệnh nhân Alzheimer đều mất phương hướng trong cuộc sống. Họ thường quên bẵng đi những việc họ mới làm ngày hôm qua hoặc thậm chí chỉ cách đây 5 phút nhưng họ lại nhớ rất chính xác những kỷ niệm từ rất lâu trong quá khứ. Từ thực tế này, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra cho họ một không gian sống giúp họ gợi lại quá khứ của 70 năm về trước, khi họ còn trẻ, điều đó hẳn sẽ giúp họ được an ủi trong tuổi già”.

Ý tưởng này không mới, bởi đã được thực hiện tại Hà Lan vào năm 2009, khi quốc gia này cho mở cửa một khu dưỡng lão dành cho bệnh nhân bị mất trí nhớ, đó là “làng Alzheimer” tại De Hogewey, gần thủ đô Amsterdam. Giám đốc Markus Vögtlin đã từng đến thăm khu làng này và bị thuyết phục ngay, ông nói: “Điều thú vị nhất về kiến trúc mà tôi được tham quan tại Hà Lan chính là những khu nhà ở nhỏ nhắn nhưng không gian sinh hoạt được xây dựng hài hòa theo từng sở thích và cách sống khác nhau ngày xưa của các cụ”. Ví dụ như một căn nhà nhỏ được xây bằng gạch nung đỏ là dành cho những cụ có gu “văn hóa nghệ thuật”, một căn nhà khác thì dành cho những cụ thích lao động chân tay, rồi có nhà dành cho những cụ là nhà nông, những cụ thích thể thao, những cụ có đầu óc “văn nghệ sĩ”… Trong khi đó, bốn bức tường trong khu nhà sinh hoạt tập thể được dán giấy có in hình các bông hoa màu hồng, màu xanh lá và luôn du dương tiếng nhạc êm dịu, khi thì nhạc cổ điển, khi thì nhạc hiện đại.

“Làng Alzheimer” tại Thụy Sĩ ảnh 1

Mô hình dự án “làng Alzheimer” tại Wiedlisbach, Thụy Sĩ, dự định khánh thành vào năm 2019.

Tại đây, ý tưởng xây dựng khu làng dành cho người già là phá bỏ kiến trúc theo kiểu bệnh viện khi người già không còn phải sống trong những dãy phòng dài với hai hàng giường nằm chạy song song với những khay và xe đẩy phân phát thức ăn và một không gian đặc quánh mùi thuốc khử trùng nồng nặc, thay vào đó họ sẽ có được một cuộc sống thật sự trong một ngôi làng bình yên như thuở nào. Đội ngũ nhân viên tại đây, từ quản lý cho đến kỹ thuật viên và điều dưỡng hộ lý, đều trút bỏ bộ đồng phục bệnh viện mà khoác lên mình những kiểu trang phục của hơn 70 năm về trước. Ngay cả những chi tiết nhỏ của một cửa hiệu buôn bán hay một tiệm cắt tóc thời xưa cũng được tái hiện, dù nay trông chúng đã khá “cổ lỗ sĩ” nhưng đó chính là tiêu chí phục vụ “khách hàng” của khu làng dưỡng lão này, nơi những “con người của thập niên 1950” đang sinh sống. Phải nói rằng tại đây các cụ luôn tươi cười và khoan thai vô cùng. Họ sinh hoạt không theo một giờ giấc quy định nào cả, mặc dù chung quanh ngôi làng có tường rào cao đề phòng các trường hợp trốn thoát hoặc đi quá xa dẫn đến rủi ro về tính mạng. Bởi vì người bệnh Alzheimer rất cần nhu cầu được đi lại và hoạt động chân tay.

Sau khi về nước, Giám đốc Markus Vögtlin đã quyết định cho du nhập mô hình trên vào Thụy Sĩ, song ý tưởng thiết kế sẽ được thay đổi: Sẽ không phải là những “khối nhà vô cảm” nữa, mà đó sẽ là những khu nhà nằm rải rác trong một không gian thoáng rộng và những con đường đi bộ hẹp có quán xá, có tiệm buôn bán và những công viên nằm rải rác trong khu làng. Bởi lẽ tại Thụy Sĩ, địa danh Wiedlisbach đã có sẵn một không gian đặc trưng của miền thôn dã để mọi người vui thú cảnh điền viên. Công trình sẽ được khởi công vào năm 2016 và “làng Alzheimer” sẽ có thể mở cửa vào năm 2019, với khả năng đón tiếp được khoảng 100 cụ đến ở.

Khu nhà chính sẽ cao khoảng 5-6 tầng và khu trang viên sẽ là điểm nhấn của “làng Alzheimer” này tại Thụy Sĩ, như lời Giám đốc Markus Vögtlin: “Theo dự kiến, sẽ có những khu nhà ở cao tối đa là hai tầng với những căn hộ dành cho 10-12 người. Song chúng tôi không xây dựng hoành tráng như tại Hà Lan mà chỉ cho xây dựng tại đây ba không gian sống đặc trưng mà thôi, một là khu dành cho các cụ là dân thành thị, hai là khu dành cho người miền quê, còn không gian thứ ba thì chúng tôi đang bàn thảo”. Ngoài ra, khu làng Alzheimer cũng sẽ có những cửa hiệu buôn bán theo đúng phong cách của thời thập niên 1950 và có cả một siêu thị, nơi mà các điều dưỡng và hộ lý sẽ “vào vai” những nhân viên thu ngân và người bán hàng.

Hiệu quả của mô hình “làng Alzheimer” tại Thụy Sĩ sẽ ra sao?

Hiện chưa rõ khu “làng Alzheimer sẽ cho kết quả điều trị đến đâu, song tất cả đều nhằm mục đích mang lại cho những người cao tuổi bị bệnh Alzheimer một cuộc sống thanh thản trong những năm tháng cuối đời. Tất cả đều nhắm vào tính nhân văn về mặt liệu pháp và tình người trong xã hội, mà nói chung dành cho mọi đối tượng người mắc bệnh lão chứ không riêng gì chỉ dành cho các bệnh nhân Alzheimer.

Theo thống kê, Thụy Sĩ hiện có khoảng 100.000 người cao tuổi bị rối loạn tâm thần nhưng con số này hẳn sẽ tăng lên nhanh chóng theo xu hướng dân số ngày càng già đi tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc xây dựng lên một “thế giới ảo cho người cao niên bị bệnh Alzheimer” như thế cũng gặp không ít phản bác. Nhiều chuyên gia và bác sĩ về lão khoa cho rằng việc tạo ra một không gian sống “giả tạo” thế này sẽ khiến tái hiện một quy chuẩn sống mà những người già đang bị bệnh Alzheimer “không còn có thể hưởng thụ được”. Trong khi đó, BS Panteleimon Giannakopoulos - Trưởng khoa Tâm thần BV ĐH Geneva và là chuyên gia về các bệnh lão khoa thì phát biểu một cách thận trọng hơn: “Chúng tôi chưa thể kiểm nghiệm xem mô hình này có hiệu quả đến đâu nhưng tôi nghĩ rằng đối với những người đang bị các rối loạn trầm trọng về chức năng nhận thức, mô hình này có thể sẽ giúp họ bình tâm trở lại, bởi vì khi được sống lại quá khứ, bệnh nhân có thể tìm lại được trạng thái tĩnh tâm nhưng đối với những bệnh nhân còn nhẹ, mô hình này có lẽ sẽ không hiệu quả và không hữu ích cho lắm”.

Về phần mình, Hiệp hội Alzheimer Thụy Sĩ luôn ủng hộ dự án “làng Alzheimer” tại Wiedlisbach. Người phát ngôn của hiệp hội là bà Birgitta Martensson đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc cho rằng “làng Alzheimer” chẳng qua chỉ là một “khu trại tập trung” nhằm giam giữ những người già neo đơn đã bị cô lập khỏi đời sống xã hội. Bà nói: “Tôi nhìn nơi đây tương tự như một nhà trẻ, là nơi sinh hoạt an toàn cho trẻ em và là nơi đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt cho tuổi thơ. Vậy có ai nói nhà trẻ là một trại tập trung không? Tại khu dưỡng lão De Hogewey của Hà Lan, các cụ được tự do đi lại trong sinh hoạt hằng ngày và sống trong sự canh chừng cẩn trọng nhưng kín đáo. Các cụ được tận hưởng một cuộc sống độc lập và vận dụng được hết những khả năng còn lại của mình trong những năm tháng cuối đời. Và trên hết, các cụ được một đội ngũ săn sóc viên chuyên nghiệp có tay nghề cao lo lắng chu đáo”.

“Làng Alzheimer” tại Wiedlisbach, Thụy Sĩ, dựa trên mô hình tại De Hogewey, Hà Lan, sẽ hoạt động trong mục đích giúp người già tìm lại thời gian đã mất trong một không gian xưa mà các cụ đã từng sống và theo lập luận của Giám đốc Markus Vögtlin, “không gian đó càng thân quen với các cụ chừng nào càng tốt đến đó”.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Temps)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm