HỒ SƠ: MUA VÉT ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Kỳ 2: Những phản ứng khác nhau

Kỳ 2: Những phản ứng khác nhau ảnh 1

Sự thịnh vượng gia tăng tạo áp lực đến việc cung cấp lương thực ở Ấn Độ, buộc nông nghiệp nước này phải nâng cao năng suất canh tác, theo lời Thủ tướng Manmohan Singh ngày 1-2-2010 - Ảnh: Reuters

Đã qua rồi thời kỳ người ta đi chiếm đất đai bằng chinh phục quân sự. Ngày nay, đất đai được đem ra bán hoặc cho thuê. Nhưng không phải mọi chuyện đều thuận lợi ở phía người bán. Tại Kenya, các nhà đấu tranh vì quyền đất đai đã phản đối một dự án đầu tư của Qatar.

Ở Madagascar, dự án canh tác bắp trên diện tích 1,3 triệu ha trong thời hạn 99 năm của Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc) gây phẫn nộ đến mức tổng thống Ravalomanana bị lật đổ hồi tháng 3 năm ngoái. Khi vừa lên thay, ông Andry Rajoelina đã lập tức hủy dự án này.

Nhượng đất còn là chủ trương nhà nước

Vùng Arso, phía đông bắc Papua (Indonesia), khẩn hoang đất rừng để giao cho các đồn điền trồng cọ dầu hoặc trồng lúa, ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,2 triệu người dân Papua. Trong cuộc chạy đua tìm đất có cả các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Tờ Tempo cho biết Tập đoàn Ben Laden của Saudi Arabia muốn khai thác các ruộng lúa trên diện tích 500.000ha ở Merauke, miền nam Papua, và 80.000ha ở đông nam đảo Celebes.

Tổng cộng tập đoàn này dự kiến đầu tư 4,3 tỉ USD vào hai dự án trên, tức gần nửa thâm hụt ngân sách của Indonesia.

Có mấy người biết được chủ sở hữu mới là ai và mua trong những điều kiện nào. Thông thường tiến trình này được giữ kín và tuân theo những quy định không chính thức, bởi hiếm có quốc gia nào cho phép bán đất cho người nước ngoài. Vì vậy, để vượt qua trở ngại chỉ còn cách lập liên doanh.

Tờ Poliarnaia Zvezda cho biết bằng cách này, Trung Quốc đã mua 80.400ha đất nông nghiệp ở Nga với giá 21,4 triệu USD để trồng lúa, đậu nành và rau. Kazakhstan cũng nhượng gần 400km2 đất cho Trung Quốc và sẵn sàng nhượng hơn 35.000km2 đất nông nghiệp (tức lớn hơn diện tích Israel 1,5 lần) cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở Kazakhstan, đất đai thuộc sở hữu nhà nước, chỉ có chưa tới 1% thuộc tư nhân. Đất cho thuê có thời hạn trung bình hoặc dài hơn, thường là 49 năm. Với 22,2 triệu ha đất nông nghiệp, Kazakhstan là nhà sản xuất ngũ cốc đứng hàng thứ sáu thế giới dù năng suất còn thấp.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, theo Neonomad.kz, thống kê cho biết có đến 3,5 triệu ha đất không canh tác tại 10 vùng. Dù sao đi nữa, cựu bộ trưởng nông nghiệp Baltach Tursumbaev vẫn cho rằng nhượng đất nông nghiệp cho người nước ngoài là “phương hại đến chủ quyền của lĩnh vực nông nghiệp Kazakhstan”.

Theo Bộ Nông nghiệp Kazakhstan, nước này nhập đến 40% sữa, 29% thịt và khoảng 43% trái cây, rau quả. Hơn nữa, 40% dân số sống ở nông thôn. Nếu đất nông nghiệp bán cho người nước ngoài, đa số nông dân sẽ không có phương tiện sống.

Tại Congo, tháng 10-2009 chính phủ nước này ký thỏa thuận cho phép các chủ trang trại Nam Phi thuê đến 10 triệu ha đất ở những vùng rộng lớn gần như không người ở, qua đó hi vọng sẽ cải thiện an ninh lương thực quốc gia bằng cách sử dụng trình độ chuyên môn của Nam Phi. Trong thực tế, Congo gặp tình trạng người dân rời bỏ nông thôn để sống tập trung tại các thành phố lớn.

Tài nguyên nông nghiệp duy nhất của Congo là khoai tây. Nhờ vào thỏa thuận ký với Agri SA - một nghiệp đoàn của Nam Phi tập hợp hơn 70.000 nhà nông, Congo hi vọng phát triển canh tác đậu nành, mía đường, bắp và cả chăn nuôi.

Báo chí đối lập ở Congo, tờ MwindaPress, gọi đây là thiên đường nông nghiệp biếu không cho Nam Phi, trong khi các quan chức Congo được “lại quả” nhờ giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Thỏa thuận trên cho phép nông dân Nam Phi khai thác đất trong thời hạn 30 năm (có thể gia hạn), được miễn thuế nhập các thiết bị nông nghiệp và được mang về toàn bộ lợi nhuận. Một chủ trang trại Nam Phi đến Congo làm ăn sẽ chỉ phải trả 10 euro/ha và được quân đội nước này bảo vệ đồn điền.

Ở Pakistan, Bộ Đầu tư khẳng định sẽ đề nghị 250.000ha đất nông nghiệp cho các nước Ả Rập và cho phép họ xuất khẩu toàn bộ thu hoạch nông nghiệp về nước. Một số công ty tư nhân đã mua hàng ngàn hecta đất gần Mirani Dan ở Baloutchistan cho Chính phủ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Chính quyền còn khẳng định đất bán cho Saudi Arabia hiện là đất không được canh tác, vì vậy sẽ không có chuyện các cộng đồng địa phương phải rời chỗ ở.

Tờ Daily Times cho biết các nước vùng Vịnh thiếu nước nên họ có lý do đi tìm mua đất nông nghiệp ở các quốc gia khác nhằm tránh gia tăng áp lực lên nguồn nước ít ỏi của mình, nhưng Pakistan lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Ngày 2-2-2010, Bộ trưởng Nông nghiệp Fahad Balghunaim của Saudi Arabia đã phải lên tiếng việc nông dân nước này bỏ trồng lúa mì sau khi chính phủ có kế hoạch tiết kiệm nguồn nước bị sụt giảm.

Người dân Pakistan còn lo ngại việc chính phủ đề nghị thành lập lực lượng an ninh 100.000 người bảo vệ đồn điền của người nước ngoài sẽ được dùng để đuổi các cộng đồng địa phương ra khỏi đất đai của họ, nhất là khi Pakistan không đặt ra giới hạn diện tích đất có thể được các tập đoàn mua lại.

Tăng cường pháp luật hạn chế bán đất

"Một quốc gia không ý thức được giá trị đất đai của mình chẳng bao lâu sẽ biến thành thuộc địa. Người dân không có đủ phương tiện để tác động đến những vấn đề đất đai, nhưng giới kinh doanh trong nước sẽ phải suy nghĩ và đầu tư sao cho con cháu của họ có thể tiếp tục đi trên mảnh đất sẽ thuộc về chúng”.

POLIARNAIA ZVEZDA

Khi đón tiếp Tổng thống Brazil Lula da Silva trong một chuyến thăm chính thức tháng 10-2008, Saudi Arabia đã bày tỏ mong muốn phát triển các công ty nông nghiệp ở Brazil bằng cách mua lại đất nông nghiệp với số lượng lớn, theo tuần báo Istoé của Brazil. Viện Quốc gia khai thác và cải cách ruộng đất (INCRA) cho biết gần 4 triệu ha đất nông nghiệp của Brazil nằm trong tay người nước ngoài.

Do nhiều chủ sở hữu không khai báo quốc tịch khi đăng ký nên có thể con số này còn cao hơn ít nhất ba lần, theo ước tính của chủ tịch INCRA Rolf Hackbart. “Tôi đã đón tiếp nhiều đoàn của Trung Quốc muốn mua đất hoặc liên doanh với các tập đoàn Brazil trong sản xuất lương thực hay nhiên liệu sinh học” - ông Hackbart kể.

Các chuyên gia khẳng định sau thời kỳ tạm lắng do khủng hoảng kinh tế, cuộc chạy đua sẽ hồi phục mạnh hơn. Đứng trước tình hình này, Chính phủ Brazil đang nghiên cứu khả năng tăng cường luật pháp nhằm hạn chế chuyển giao đất đai cho người nước ngoài.

“Đây không phải là bài ngoại mà là vấn đề chủ quyền quốc gia. Nhất thiết phải lập ra các quy tắc vì cuộc chạy đua tìm đất đang diễn ra” - ông Hackbart nói với nhật báo La Nacion của Argentina.

Biện pháp đầu tiên đang chờ quốc hội chuẩn y là đạo luật giới hạn người nước ngoài mua 15 “đơn vị thuế” (450-1.500ha tùy bang). Chính phủ Brazil cũng muốn bổ sung đạo luật này bằng cách lập ra định mức trần về lượng đất bán cho người nước ngoài, dự kiến giảm từ 25% hiện nay xuống còn 10% ở từng thành phố thuộc chín bang vùng Amazon.

Đầu năm 2009, tình trạng khan hiếm lương thực đã khiến một số quốc gia như Ấn Độ, nơi canh tác gần 1/3 lượng gạo nhập vào UAE, hoãn xuất khẩu để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thế là các nhà đầu tư vùng Vịnh, theo nhật báo The National của UAE, đã ùa sang Thái Lan mua đất nông nghiệp. Cho đến thời điểm đó, Thái Lan cung cấp 10% lượng gạo tiêu thụ ở UAE và chưa hề ngưng xuất khẩu, nhưng giá gạo tăng gấp đôi, đạt 1.000 USD/tấn.

Theo luật hiện hành, người nước ngoài có thể lập liên doanh, trong đó phía Thái nắm giữ 51% cổ phần. Và Chính phủ Thái Lan đã nghĩ đến những quy định bổ sung, chẳng hạn mọi đầu tư phải được ký gián tiếp với đối tác địa phương và có tính đến lợi ích của các đối tác địa phương như người trồng lúa.

Theo ông Eckart Woertz - giám đốc chương trình kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh ở Dubai, UAE có thể nghĩ đến việc đầu tư vào các công ty thương mại hoặc khai thác nông nghiệp Thái Lan hiện có, hoặc ký các hợp đồng gia công nhưng họ sẽ không thể mua đất trực tiếp như đang làm ở Sudan hoặc Pakistan. Các nước thành viên thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cho biết đã có bốn dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Thái so với 20 dự án ở Sudan.

Người Thái cũng sẵn sàng lập liên doanh với các nước vùng Vịnh dưới dạng thỏa thuận giữa chính phủ hoặc giữa công ty trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và lương thực. Trả lời trên Bangkok Post, thứ trưởng thương mại Alongkorn Ponlaboot nói: “Trung Đông là khách hàng mua gạo chính của Thái Lan và chúng tôi sẵn sàng hợp tác đầu tư thành lập một trung tâm tồn trữ gạo đâu đó ở Trung Đông để phân phối ngũ cốc cho cả vùng”.

Theo QUANG THÁI (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm