Không có gì là huyền thoại: Tuổi thơ cơ cực

LTS: Từ một cậu bé yếu ớt, bệnh tật trở thành chủ tịch một tập đoàn, rồi trở thành tổng thống một cường quốc về kinh tế châu Á là câu chuyện cảm động về nỗ lực chiến thắng nghịch cảnh, khó khăn của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Trở thành phó giám đốc ở tuổi 20, giám đốc tuổi 30, tổng giám đốc tuổi 40, thị trưởng Seoul vào tuổi 50, tổng thống Hàn Quốc vào tuổi 60…, ông thường được xem là huyền thoại về một người làm công ăn lương. Nhưng với ông, đó không là huyền thoại mà chính là thành quả của ý chí con người.

Tháng 11-1945, gia đình tôi khăn gói rời Osaka (Nhật Bản) lên thuyền hướng về phía Busan. Tất cả tài sản mà gia đình tôi gom được ở Nhật Bản chỉ là một ít tiền, vài bộ quần áo cũ và mấy thứ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

Con thuyền về nước chở đầy người Hàn Quốc bị đắm trước quần đảo Surima. Mọi người đều được cứu sống nhưng hành lý thì chìm xuống biển. Và đúng nghĩa của từ ngữ, chúng tôi về nước với hai bàn tay trắng.

Khi được vớt lên khỏi hòn đảo và đặt chân lên mảnh đất quê hương, tôi mới bốn tuổi. Tôi cũng không ngờ cái nghèo đói sẽ đeo đẳng gia đình mình đến khi tôi hơn hai mươi tuổi.

Bài học về nghị lực sống từ bố

Bố tôi là con út trong một gia đình ba anh em. Cũng như bao thanh niên khác sống cuộc sống của người dân mất nước dưới ách thực dân, ông làm đủ nghề để kiếm sống.

Không có gì là huyền thoại: Tuổi thơ cơ cực ảnh 1

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Sang Nhật, bố tôi được tuyển vào làm việc tại nông trường gần thành phố Osaka. Ông thành người vắt sữa, cắt cỏ, chăm sóc bò.

Khi đã ổn định phần nào công việc tại Nhật Bản, ông quay về quê lấy vợ rồi quay lại Nhật Bản. Bất chấp cuộc sống tha hương, bố mẹ tôi sinh hạ sáu người con. Bố tôi luôn nhấn mạnh sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau cùng những giá trị sống khác. Những điều đó đã ảnh hưởng đến nhân cách anh em chúng tôi. Trong một gia đình nghèo khó, việc giữ được uy quyền của người chủ gia đình là điều không dễ. Khi đó, người ta thường bạo lực đòn roi vì cảm thấy mình bất lực. Nhưng bố tôi vẫn giữ được uy lực nghiêm khắc trong gia đình dù nghèo khổ.

Tôi bắt đầu làm việc từ khi còn học lớp thấp của tiểu học. Tôi theo hình bóng cao dong dỏng của bố đi khắp các chợ bán vải. Không như những người khác, ông không bao giờ gian lận khi đo vải cho khách.

Sống nhờ… bã rượu

Ký ức chiến tranh vẫn còn rất sống động trong tôi vì trong cuộc chiến đó, tôi đã chứng kiến cái chết của chị tôi và em gái út. Làng tôi là điểm nóng của cuộc chiến nên mẹ đưa chúng tôi đến nơi khác để được an toàn hơn. Chỉ còn mình mẹ tôi ở lại để lo cho những đứa trẻ trong tình cảnh nguy hiểm.

Bố tôi mất việc, cả nhà phải chuyển đến một ngôi chùa dưới chân núi. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là một căn phòng với 15 gia đình cùng sống. Những người ở đây bị sự đói nghèo dồn đến đường cùng. Từ sáng sớm đã nghe tiếng cãi nhau, tiếng kêu thét vì nghèo đói, tiếng thông báo có người chết vì bệnh tật. Gia đình tôi là yên ắng hơn cả vì cả nhà phải nhảy vào cuộc chiến sinh tồn, thế mà vẫn có nhiều bữa đói ăn.

Thời ấy, món gia đình tôi hay ăn nhất chính là bã rượu vì nó rẻ nhất. Ngày nào tôi cũng được cử đi mua loại bã rượu tồi nhất về nuôi sống cả nhà. Ngày hai bữa, không biết có phải vì chất cồn hay không mà mặt mũi tôi lúc nào cũng đỏ ửng. Không biết có phải lý do tôi có thể uống rượu hơn bất cứ ai ở những cuộc nhậu khi đi làm chính là nhờ sự “luyện tập” từ nhỏ hay không nhưng với tôi đó là “di sản” duy nhất mà cái nghèo để lại.

Không có gì là huyền thoại: Tuổi thơ cơ cực ảnh 2

Thành phố Pohang - nơi gắn liền với tuổi thơ cơ cực của Tổng thống Lee Myung-bak.

Sẽ không ai hiểu thế nào là nỗi đau khổ vào buổi trưa, khi bạn bè trong trường bày cơm ra ăn, còn mình thì không chịu đựng được với cái bụng đầy nước nếu chưa bao giờ trải qua cảnh đó. Và bất cứ ai chưa nhịn đói cũng không thể hiểu được cảm giác uống bao nhiêu nước vẫn không lấp được cái rỗng tuếch trong bụng. Thời đó, tôi cũng thường bị đuổi học vì không thể đóng học phí.

Pohang là thành phố cảng nhỏ bé. Mẹ tôi trải cái chiếu ở nơi heo hút nhất của chợ để bán ít trái cây. Từ 5-6 tuổi, tôi đã ra chợ giúp mẹ. Lúc học tiểu học, tôi làm khá nhiều việc để phụ giúp gia đình: quệt lưu huỳnh vào đầu que diêm đem bán, bán kim báp ngoài vòng dây thép gai quân đội, làm bánh bột bán… Chuyện bị chiến binh bắt và ăn đòn, chuyện nhịn cơm diễn ra thường xuyên, rồi chuyện đi lại giữa nhà và trường mất đến 4 tiếng mỗi ngày đã làm tôi hay đau ốm.

Khi vào lớp 6, tôi nằm liệt giường ba tháng trời do suy nhược cơ thể. Dường như vì vậy mà trong khi bố và các anh đều cao trên 1,8 m thì tôi chỉ cao 1,73 m…

Hãy liệu hồn nếu xin cơm người khác!

Mẹ tôi cao dong dỏng, khuôn mặt gầy nhưng đôi mắt rất sáng. Mẹ chỉ học đến tiểu học nhưng trí nhớ thì phi thường: ngày giỗ của hàng xóm, sinh nhật của người thân, việc lớn việc nhỏ trong gia đình người khác… bà đều ghi nhớ trong đầu.

Mỗi ngày vào 4 giờ sáng, mẹ đánh thức chúng tôi và bắt đầu một ngày làm việc mới bằng công việc cầu nguyện. Cách cầu nguyện của mẹ tôi cũng thật đặc biệt. Sau khi cầu đất nước và xã hội an bình, bà mới cầu đến sự bình yên của mọi người trong gia đình rồi đến hạnh phúc của bà con trong xóm... Bà chẳng có lời nào dành riêng cho bản thân. Với bà, cuộc sống của chúng tôi tuy nghèo khó nhưng phải luôn nhường cho người khác ở vị trí ưu tiên. Bà thường cầu nguyện cho các anh chị khá dài, còn với tôi, bà chỉ vỏn vẹn một câu: “Hãy ban cho thằng Bak được lớn lên mạnh khỏe”. Việc cầu nguyện ngắn như vậy cũng phản ánh vị trí của tôi trong gia đình.

Vào những buổi cầu nguyện sớm ấy, tôi ngồi gật gà gật gù, nghe đến tên mình thì choàng tỉnh. Nhưng còn một việc khổ cực hơn cả cầu nguyện: giúp việc không công cho hàng xóm khi nhà họ có việc. Tan học, kéo cái thân mệt mỏi về đến chợ, tôi luôn nhận lệnh từ mẹ:

- Bak à, hôm nay nhà bán dầu gả con gái đầu, đến đó giúp cho người ta một tay!

- Có phải thân thích mình đâu mẹ!

- Hàng xóm còn hơn thân thích đấy con. Có đi nhanh lên không!

Tôi đi và tiếng hét của mẹ luôn vang lên sau lưng:

- Con đến đó mà uống của người ta một ngụm nước thôi thì liệu hồn, người ta cho thức ăn mà ôm về đây thì biết tay mẹ!

Cho đến khi lên cấp ba, tôi vẫn là cậu bé có tính hướng nội. Ban đầu, khi đến nhà người khác giúp việc theo mệnh lệnh của mẹ, tôi thường chẳng nói năng gì, cứ lảng vảng ở bếp, múc nước, bưng thức ăn…; khi hết việc lẳng lặng ra về. Dần dần, tôi cũng nói được những câu đơn giản như “Cháu đến giúp việc đây ạ!” hoặc “Xong việc rồi, cháu về đây ạ!”.

Có một việc khó khăn chẳng kém việc chào hỏi, đó là làm thế nào để đẩy lùi cơn thèm thuồng trước những món ăn đầy mỡ. Chẳng ai nhìn nên tôi cũng có thể lấy một miếng bỏ vào miệng. Thế nhưng mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến lời dặn của mẹ. Cuối buổi, khi người ta gửi lại một ít thức ăn, theo lời dặn của mẹ, tôi rụt tay lại dù hàng xóm có khi buông lời trách móc.

Dần dần tôi hiểu ra tại sao mẹ lại dặn tôi như vậy. Vì như thế mới là sự giúp đỡ đường hoàng. Hàng xóm không thể coi thường chúng tôi. Họ luôn nói: “Nhà thằng Bak đúng là có khác; mấy đứa bé tuy nghèo nhưng lòng tự trọng thật cao, giáo dục gia đình thật là đến nơi đến chốn!”.

Giúp đỡ những người thất học và nghèo khó, đặc biệt là giúp đỡ những gia đình giàu có mà lại không chờ đợi sự trả công nào mới là giúp đỡ đúng nghĩa. Người nghèo nếu chỉ trông đợi vào sự giúp đỡ của người giàu thì không bao giờ thoát khỏi nghèo đói. Nhờ bài học của mẹ, anh em chúng tôi đã trang bị cho mình sức mạnh để có thể khắc phục được đói nghèo. Về sau, tôi mới hiểu được sức mạnh của bài học mẹ đã dạy từ thời thơ ấu.

Người dịch: LÊ HUY KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm