Không có gì là huyền thoại - Bài 4: Người làm thuê đặc biệt

Khi bị giam, tôi quyết tâm chia tay ý định “làm nghề chính trị” vì nghĩ rằng bây giờ kinh tế cần thiết cho nước tôi hơn. Ở Hàn Quốc thời ấy, người thất nghiệp nhiều vô kể. Vậy nên tôi cho rằng khi kinh tế tạm ổn định mới làm chính trị cũng không muộn.

Không chốn dung thân

Tốt nghiệp đại học, tôi xin việc nhiều nơi nhưng thi mấy lần, đến vòng hai đều rớt. Những người từng hoạt động chung phong trào sinh viên với tôi đều đã tham gia chính trường. Tự nhiên tôi cảm thấy thế gian này trống vắng như sa mạc. Cái cảm giác cả đất nước này, hay một bàn tay vô hình nào đó cản trở bước tiến của tôi, chính xác hơn là nắm giữ lấy tôi, làm tôi khủng hoảng về tinh thần.

Trường học giới thiệu cho tôi chỗ làm trong một công ty may mặc nhỏ ở Deagu. Mục đích của tôi là làm cho đỡ đói cơm nhưng đây không phải doanh nghiệp tôi từng mơ ước. Làm thế này thì làm sao có thể đóng góp cho đất nước và xã hội. Một tháng sau, tôi rời Deagu.

Về đến Seoul, đang lo lắng về tương lai của mình thì một mẩu quảng cáo nhỏ trên báo đập vào mắt tôi. “Tìm lao động phổ thông làm việc ở nước ngoài”. Đây là nội dung giới thiệu Công ty Hyundai tìm nhân lực tại thị trường Thái Lan.

Với tôi, không có chỗ đặt chân ở mảnh đất này thì việc ra nước ngoài là con đường duy nhất. Mảnh đất ấy dù có nghèo nàn, khó khăn đến mấy nhưng chỉ cần nó cho tôi một công việc thì đó chính là mảnh đất cứu rỗi của tôi. Tháng 5-1965, tôi hòa mình vào cái biển người gọi là “những người thất nghiệp trẻ cay đắng, tuyệt vọng” đến nộp đơn.

Không có gì là huyền thoại - Bài 4: Người làm thuê đặc biệt ảnh 1

Đại học Korea - nơi gần nửa thế kỷ trước sinh viên Lee Myung-bak theo học. (Nguồn: wikimedia.org)

Vòng 1, thi viết, tôi làm xong và phập phồng chờ đợi. Một tuần trôi qua trong lo lắng, cảm giác thất vọng bắt đầu tràn về.

Bỗng một hôm có tờ điện báo vỏn vẹn “gặp ông trưởng phòng nhân sự”. Trưởng phòng nhân sự rút hồ sơ tôi ra với vẻ tiếc nuối: “Cậu thi viết thật tốt nhưng cậu có cái lý lịch phong trào học sinh. Lãnh đạo công ty chưa biết nhưng tôi sẽ báo cáo, có cách nào không nhỉ?”. Sau này tôi mới biết anh ấy là tiền bối đại học của tôi. Ngay từ đầu, anh đã có cảm tình với tôi. Tôi chẳng biết nói với ai, đành kể chuyện này cho anh trai thứ hai khi ấy đang làm gia sư cho con của giám đốc một doanh nghiệp nhà nước, nhờ ông ấy viết cho tờ giấy bảo lãnh. Nhưng rồi bức thư ấy cũng không có sức mạnh.

Gửi thư cho tổng thống

Tôi quyết định đối diện hiện thực. Về đến nhà, tôi viết thư và người nhận là Tổng thống Park Chung Hee. Trong thư, tôi nói rõ “lý lịch” hoạt động của mình và lớn tiếng phê phán việc các cơ quan hữu quan đang tìm cách ngăn cản tôi hòa nhập cùng xã hội.

Vài ngày sau, có liên lạc từ Dinh Tổng thống. Ý kiến khẩn thiết của tôi chẳng làm ông Lee Nak Sung - Thư ký phụ trách dân sự thay đổi. Ông phản bác: “Việc gây bất tiện cho những người làm ảnh hưởng đến chế độ nhà nước là điều đương nhiên. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sinh viên trong tương lai, chẳng thể làm khác được”.

Một hồi sau, không biết có phải tội nghiệp cho tình cảnh của tôi, ông đưa ra một đề nghị: “Cậu vào làm cơ quan nhà nước hoặc thử đi du học xem sao. Tôi sẽ giúp cậu. Có nhiều con đường, sao cậu lại chọn doanh nghiệp tư nhân?”.

Tôi ngắt lời ông rằng tôi không quan tâm đến chuyện du học hoặc chuyện vào cơ quan nhà nước. Tôi không thể nhận bừa củ cà rốt mà đối phương từng là kẻ thù của tôi đưa ra. Đó là việc hèn nhát mà đạo đức tôi không cho phép. Trước khi chia tay, tôi nói: “Nếu nhà nước chặn con đường của một cá nhân muốn sống thì nhà nước sẽ vĩnh viễn mang nợ với cá nhân đó”.

Nhưng rồi tôi quên câu nói trên. Sau này, khi tôi làm tổng giám đốc Công ty Hyundai, còn ông ấy làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, gặp ở vị trí cá nhân, ông có nhắc lại: “Lee này, câu nói cuối cùng của cậu làm tôi sốc. Tôi quyết định họp lãnh đạo của Dinh Tổng thống và đồng ý cho cậu vào làm việc tại Hyundai với điều kiện chỉ vào làm việc và không được làm trò gì bậy”.

Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy quả là đường đột. Tôi cảm ơn người đã thực sự lắng nghe mình.

“Tôi nghĩ xây dựng chính là sáng tạo

Sau nhiều thử thách, tháng 6-1965, tôi thi phỏng vấn. Người trực tiếp phỏng vấn là Chủ tịch Chung Ju-Yung và các vị lãnh đạo của công ty. Tôi vừa xưng tên mình, ông Chung nhìn lý lịch của tôi rồi nhìn chằm chằm vào tôi: “Cậu nghĩ xây dựng là cái gì?”.

Câu hỏi thật bất ngờ nhưng chẳng hiểu sao, tôi nghĩ sao nói vậy:

- Tôi nghĩ là sáng tạo.

- Tại sao?

- Vì nó biến từ không thành có.

- Cậu này nói năng giỏi đấy nhỉ.

Ông Chung khẽ mỉm cười nhưng những lời nhận xét của mấy vị lãnh đạo bên cạnh hoàn toàn tiêu cực: “Dạo này nhiều thằng giang hồ chẳng biết cái gì nhưng ăn nói thì giỏi lắm”. Họ còn hỏi thêm tôi vài điều về nhân sinh quan. Tất cả có vẻ như đều đã biết lý lịch của tôi nhưng họ không thể hiện gì cả.

Tôi hồi hộp chờ kết quả còn hơn cả việc thi lần một. Không hiểu sao nụ cười của ông Chung về câu “Xây dựng là sáng tạo” của tôi lại mang đến cho tôi một sự thú vị. Tôi cảm nhận rằng nếu làm việc cùng ông, tôi có thể làm được điều gì đó. Tôi tò mò còn vì muốn biết kết quả của việc đàm phán với Dinh Tổng thống thế nào.

Một tuần sau có thông báo: “Bắt đầu từ ngày 1-7 sẽ đi làm”. Nơi làm việc của tôi là bộ phận quản lý chất lượng công trình.

Ở công ty, tôi phát hiện ra tính quan liêu của tổ chức. Điển hình là chuyện đã hết giờ làm việc nhưng nhân viên vẫn không dám ra về vì phải để ý cấp trên về hay chưa. Đây là hiện tượng phổ biến ở các công ty thời ấy nhưng với tôi, cảnh này vô cùng lạ lẫm.

Tôi chịu đựng không nổi, bèn gửi phiếu điều tra đến mọi người. Tôi gom ý kiến của nhân viên về tính không hiệu quả, tính thiếu năng động của tổ chức khi nó bị quan liêu hóa rồi báo cáo nội dung này cho cấp trên. Việc đầu tiên tôi làm khi vào công ty không phải là lấy lòng sếp. Nếu nghĩ đến cái “tội nổi loạn” rồi nghĩ đến sự giám sát của các cơ quan nhà nước, chắc chắn tôi phải là người im lặng, đồng thời tìm mọi cách để nịnh cấp trên. Tôi chỉ nghĩ về sự tồn tại của công ty…

Cậu sẽ trở thành nhân vật lớn đấy!

Đầu tháng 10, tôi được nhận chức nhân viên kế toán lần đầu tiên tại hiện trường. Người chỉ huy công trình là một trong những chuyên viên kỹ thuật lâu đời nhất của Công ty Xây dựng Hyundai. Cứ 4 giờ sáng là ông dậy, đánh thức mọi người. Ông rất ghét “thành phần ngồi bàn giấy tốt nghiệp đại học ra còn hôi mùi sữa”. Tất nhiên trong số đó có tôi.

Việc ứng tiền cho nhân viên là một trong những công việc quan trọng của tôi. Công việc đó chủ yếu thực hiện sau 5 giờ chiều. Vì vậy, tôi thường tạo điều kiện tốt nhất có thể cho họ. Chuyện này có vẻ làm vướng mắt ông trưởng công trình.

“Này, kế toán, sao sau 5 giờ còn ứng tiền? Cậu đã thấy ngân hàng nào trả tiền sau 5 giờ chưa?”.

Nói như ông khác nào bắt công nhân bỏ việc ban ngày, đến xếp hàng chờ ứng tiền. Biết thế song tôi không thể chống cự.

Không bao lâu sau, ông ta tìm đến ứng tiền, khi đó đã hơn 5 giờ chiều.

- Không được ạ!

- Cái gì?

Ông ta hỏi lại vẻ như nghi ngờ đôi tai của mình...

- Cậu đừng đùa, đưa đây nhanh lên, chuyện đang gấp!

- Sau 5 giờ chiều không được xuất tiền mặt.

- Biết, nhưng tôi là trưởng công trình.

- Quy định mà trưởng công trình đặt ra, trưởng công trình lại vi phạm nó thì chẳng ai tuân theo nó nữa. Tôi không cho ứng tiền đâu.

- Đúng là điên vì cái thằng này mất. Cái này dùng cho việc của công ty, chuyện rất quan trọng.

- Giữ gìn nguyên tắc của công ty cũng là việc quan trọng ạ!

Ông chẳng có cách nào khác đành bỏ đi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chịu đựng sự trả thù của ông nhưng từ đó về sau, khi tôi đi ngân hàng ông ấy còn cho tôi đi nhờ nếu cùng đường, thậm chí đến ngân hàng rồi mới đi việc của mình. Càng ngày ông càng quý tôi hơn. Một hôm, trên đường đưa tôi đến ngân hàng, ông nói: “Lee này, cậu một lúc nào đó sẽ trở thành một nhân vật lớn ở công ty đấy”.

Tôi cứ nghĩ trong lòng rằng chắc ông này dẻo miệng như thế để dễ cho chuyện ứng tiền đây. Nhưng từ đó về sau, chẳng bao giờ ông yêu cầu ứng tiền sau 5 giờ chiều nữa.

Người dịch: LÊ HUY KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm