Hệ thống cảnh báo thiên tai của Nhật Bản có tác dụng ra sao?

"Ba phút, đó là thời gian mà giới chức Nhật cần để đưa ra các cảnh báo đầu tiên về trận sóng thần, sau khi trận động đất vô cùng khủng khiếp vừa kết thúc vào lúc 14 giờ 46 phút chiều 11/3/2011. Như vậy, các cư dân đã biết ngay sẽ có những đợt sóng thần cao 10m tràn vào ven bờ phía Thái Bình Dương".

Các lệnh di tản cũng được đưa ra ngay lập tức. Các chuyến tàu, trong đó có các tàu cao tốc cũng đã được dừng lại tức thì. Nhiều thiệt hại đã tránh được. Vài phút sau khi trận động đất xảy ra, trên truyền hình, cũng như trên Internet, một tấm bản đồ  thường trực, với các dấu hiệu chỉ rõ những vùng bị sóng thần đe dọa.

Theo Le Monde, hệ thống cảnh báo động đất mới của Nhật đã được xây dựng từ năm 2006, cho phép có được các thông tin về cơn động đất, một phút trước khi nó xảy ra. Cơ quan Khí tượng Nhật sở hữu trực tiếp 600 máy đo cường độ động đất, và nhận được thông tin từ 3.600 máy đo do các chính quyền địa phương và Viện Địa cầu học và dự báo thảm họa quốc gia phụ trách.

Hệ thống cảnh báo thiên tai của Nhật Bản có tác dụng ra sao? ảnh 1

Sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên của người Nhật

Hệ thống đo đạc này cho phép Cơ quan Khí tượng Nhật có thể đưa ra các báo động kịp thời và liên tục về diễn biến của cơn động đất. Tùy theo mức độ của chấn động mà các bộ phận ngưng tự động sẽ được khởi động để làm dừng các thang máy, các dây chuyền sản xuất hay các phương tiện giao thông. Được truyền qua các đài phát thanh và truyền hình, các báo động này có thể giúp cho các cư dân của khu vực liên quan có các hành động tự bảo vệ cần thiết, như: tìm các nơi trú ẩn tạm thời (dưới bàn, dưới khung cửa...), đóng vòi khí đốt, mở cửa sổ...

Mặc dù sẵn sàng đối phó với động đất và sóng thần, nhưng Nhật Bản đã không chuẩn bị đối phó trước sự ập đến dồn dập của nhiều thảm họa, đặc biệt là thảm họa phóng xạ hạt nhân. Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Patrick Lagadec, Giám đốc nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Pháp, chuyên gia về các thảm họa từ 20 năm nay, đã cho biết, đây là lần đầu tiên một đất nước phải đối phó với một loạt thảm họa như vậy, tiếp theo động đất, sóng thần, là nguy cơ phóng xạ hạt nhân, rồi đến các tác động về mặt kinh tế và xã hội.

Thực tế này vượt ra ngoài các quan niệm vốn có của chúng ta. Các tai biến mang tính hệ thống và truyền rất nhanh từ quy mô địa phương đến tầm quốc gia và toàn cầu.

G.K. tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm