Hành trình đến với đỉnh cao của “bà đầm thép” nước Đức Angela Merkel

Với bất kỳ quốc gia nào tại châu Âu, kinh tế đang là vấn đề trọng yếu. Khắp “lục địa già”, người dân vẫn đang vật lộn với những biến động và khó khăn từ khủng hoảng tài chính. Và cho dù có ở đâu, người ta cũng hiểu rằng sự phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào cách bà Angela Merkel ứng phó với giai đoạn tiếp theo của khủng hoảng. Không quá khi nói rằng, tại thời điểm này, hầu hết mọi con đường đều hướng về Berlin.

Hành trình đến với đỉnh cao của “bà đầm thép” nước Đức Angela Merkel ảnh 1

Hình ảnh nữ thủ tướng Đức qua năm tháng

Bà Merkel sinh ra tại Hamburg, phía Tây nước Đức. Cha bà, ông Horst, là một mục sư theo thuyết Lu-ti. Ông đã rời cả gia đình mình sang Đông Đức năm 1954, khi bà Angela mới chỉ vài tuần tuổi.

Tuổi thơ của bà cũng được định hình trong Chiến tranh lạnh, với người cha theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa của bà đã tổ chức nhiều cuộc tụ họp mang màu sắc chính trị tại ngôi trường dòng của mình. Khi bà lớn lên, những cuộc tranh luận nảy lửa vẫn thường diễn ra ngay trên bàn ăn tối. Lúc còn trẻ, bà Angela cũng phải học cách giữ bí mật quan điểm của mình do lo sợ bị Stasi, hay cảnh sát mật, chú ý.

Việc không được phép bày tỏ một cách cởi mở quan điểm của mình tại Đông Đức ảnh hưởng tới mọi người theo nhiều cách khác nhau.

Một người bạn học cũ của bà Merkel, ông Hartmut Hohensee, so sánh nó giống như rơi vào “một dạng của bại liệt, và chỉ hy vọng mùa đông sẽ qua để hoa sẽ bắt đầu mọc trở lại”. Những bông hoa trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel quả thực cũng bắt đầu nở, nhưng cũng phải đến năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ.

Sự kiện đó đã tạo ra một cơn lốc trong đời sống chính trị nước Đức. Các cuộc thảo luận tại quán cà phê nay biến thành biểu tình trên phố; các phong trào trở thành các đảng chính trị; nhiều cá nhân này đã lần đầu tìm cách lãnh đạo đất nước họ. Và chính trong bối cảnh đó, Angela Merkel quyết định bước vào chính trường ở tuổi 35.

Hành trình đến với đỉnh cao của “bà đầm thép” nước Đức Angela Merkel ảnh 2

Ngôi nhà của bà Merkel

Nhưng bà Merkel, người có bằng tiến sỹ hóa học lượng tử, lại hoàn toàn khác phần còn lại của thế giới chính trị.

“Bà ấy có vẻ không quan tâm chút nào tới vẻ ngoài của mình”, Lothar de Maiziere, người từng là thủ tướng cuối cùng của Đông Đức cho biết. “Bà ấy trông giống như một nhà khoa học đặc trưng của CHDC Đức, mặc một chiêc váy rộng lùng thùng, đi dép xăng đan Jesus và tóc cắt ngắn”

Thế nhưng nhiều người đã phải ngạc nhiên, khi người phụ nữ lớn lên tại Đông Đức này đã gia nhập đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo gồm hầu hết là nam giới. Cuối những năm 1990, bà trở thành một thành viên của Bundestag, hay cơ quan lập pháp của CDU, đảng chính trị lớn nhất Tây Đức, và bắt đầu thăng tiến.

Thủ tướng Đức khi đó, ông Helmut Kohl, muốn trong nội các đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất có một phụ nữ trầm lặng, và là người Đông Đức cũ. De Maiziere tiến cử Merkel. Và bà trở thành Bộ trưởng các vấn đề phụ nữ. Dần thăng tiến, sau đó Merkel trở thành Bộ trưởng môi trường.

Nhưng đến năm 1999, người phụ nữ trầm lặng đến từ Templin đã khiến chính trường Đức “choáng váng”. Lúc đó, có thông tin cho rằng ông Helmut Kohl đã lập một “quỹ đen” từ tiền quyên góp để tặng thưởng cho bạn bè.

Hành trình đến với đỉnh cao của “bà đầm thép” nước Đức Angela Merkel ảnh 3

Bà Merkel khi còn là cấp dưới của thủ tướng Đức Helmut Kohl

Khi mà không ai có vẻ sẵn sàng đối đầu với ông Kohl, Angela Merkel đã lên tiếng. Trong một bài viết được đăng ngay trên trang nhất của một tờ báo theo tư tưởng bảo thủ, bà đã vạch trần ông Kohl và kêu gọi ông từ chức. Chính hành động đầy bất ngờ này đã đưa Merkel vào với quỹ đạo hướng tới đỉnh cao trong làng chính trị Đức.

“Một trong những điều mọi người thường không hiểu nổi về bà ấy đó là bà ấy…thực sự là một nhà chính trị lạnh lùng”, ông Jonathan Powell, người biết đến bà Merkel khi ông là chánh văn phòng thủ tướng Anh, cho biết. “Cách bà ấy ứng xử với tất cả các đối thủ trong CDU là đặc biệt quyết liệt. Bà ấy có thể loại bỏ họ chỉ trong chớp mắt”.

Khoảnh khắc then chốt trong 8 năm cầm quyền của vị nữ thủ tướng Đức đến nay chính là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, khi chính phủ Hy Lạp công bố một số nợ công khổng lồ, không thể kiểm soát nổi. Không lâu sau, nhiều quốc gia EU khác cũng trong cảnh tương tự.

Khi mà cả châu Âu chờ đợi xem Đức có đồng ý giải cứu các thành viên eurozone gặp khó khăn, hay sẽ buộc họ phải tự giải quyết vấn đề, bà Merkel đã bị chỉ trích là phản ứng quá chậm chạp. Tuy nhiên thận trọng và sự đồng thuận, luôn là tiêu chuẩn vàng trong guồng máy của bà Merkel.

“Bạn chỉ có thể xử lý một cuộc khủng hoảng lớn như vậy khi có rất nhiều người cùng tham gia”, Ursula von der Leyen, người đã luôn có mặt trong nội các của bà Merkel từ năm 2005 khẳng định. “Angela Merkel luôn biết rõ mình muốn đi đến đâu, nhưng bà ấy cần có thời gian để tìm ra con đường mà mọi người khác có thể cùng đi”.

Hành trình đến với đỉnh cao của “bà đầm thép” nước Đức Angela Merkel ảnh 4

Bà Merkel trong lễ tang Margaret Thatcher

Cho đến nay, khá nhiều câu chuyện viết về Merkel dường như so sánh bà với “bà đầm thép” Margaret Thatcher của Anh. Nhưng Merkel đến từ Đông Đức thay vì khu vực Lincolnshire, và được nuôi nấng bởi một người cha sùng đạo. Và cũng khác với nhiều người, bà đã trở thành một nhà khoa hóa thực sự nghiêm túc trước khi bước vào chính trị.

Ngoài ra, trong nội bộ đảng mình, bà được chọn vì là một phụ nữ tài năng và không ít người xem ông Kohl là người thầy bảo hộ của bà. Nhưng Merkel đã khiến tất cả “ngã ngửa” khi khiến ông thầy phải ra đi, tự bước lên nắm quyền. Điểm tương đồng giữa Merkel và Thatcher chính là khả năng làm việc chăm chỉ ghê gớm, sự xuất sắc khi đi vào các vấn đề chi tiết và một nhà chính trị mưu mẹo.

Xuất thân từ Đông đức, bà Merkel tin vào sự đoàn kết xã hội và hợp tác với các nghiệp đoàn; trong một hệ thống chính trị liên minh, bà chính là người của sự đồng thuận, và khi cần thiết, là sự trì hoãn.

Nhưng cũng đừng quên rằng nữ chính trị gia quan trọng nhất thế giới cũng không thiếu khả năng gây sốc. Angela Merkel có ảnh hưởng tới tình hình tại châu Âu nhiều hơn những gì người châu Âu nhận ra.

Liệu bà có tiếp tục là một phần then chốt trong tương lai châu Âu? Có lẽ là vậy. Kết quả từ cuộc bầu cử tại Đức ngày 22/9 là không thể biết trước, nhưng nếu Merkel chiến thắng như nhiều người dự đoán, bà sẽ lại có một cơ hội nữa để khẳng định dấu ấn của mình.

Theo Thanh Tùng (Dân trí / BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm