Giới điều tra hoài nghi giả thuyết máy bay Malaysia bị tấn công

Số phận chiếc Boeing 777-200 chở 239 người chìm trong màn sương bí ẩn dày đặc. Sau 3 ngày tìm kiếm vô vọng với sự tham gia của 34 máy bay và 40 tàu của nhiều nước, phạm vi tìm kiếm sẽ được mở rộng từ ngày 11-3, theo Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman.

Ngày 10-3, Hải quân Mỹ cho hay đã điều tàu chiến thứ hai, USS Kidd, đến biển Đông để hỗ trợ tìm kiếm cùng tàu khu trục USS Pinckney.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren, cho biết 2 tàu chiến nói trên chở theo máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60R được trang bị camera hồng ngoại phục vụ các hoạt động tìm kiếm ban đêm. Ngoài ra, Mỹ còn phái máy bay do thám P-3C Orion từ Nhật Bản đến tham gia tìm kiếm.

Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman (trái) trong cuộc họp báo chiều 10-3. Ảnh: EPA

Lúc này, cả Cơ quan Đặc biệt Malaysia – đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra tại Malaysia – lẫn các đơn vị tình báo Mỹ và châu Âu đều không loại trừ máy bay số hiệu MH370 bị không tặc. Tuy nhiên, giới chức Malaysia vẫn ám chỉ chứng cứ chưa đủ thuyết phục.

Một nguồn tin an ninh châu Âu cũng nói: "Chưa có bằng chứng cho thấy đã xảy ra tấn công khủng bố cũng như chưa có lý giải chuyện gì đã xảy ra và máy bay đang ở đâu”.

Phía Mỹ có 2 cơ quan cử lực lượng đến hợp tác điều tra, gồm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Quản lý hàng không. Họ đến Kuala Lumpur cùng các quan chức của hãng máy bay Boeing. Tuy nhiên, Cục Điều tra liên bang (FBI) chưa đưa đội điều tra đến châu Á vì chưa chắc đây là một tội ác.

Các nguồn tin an ninh Mỹ cho rằng việc 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp hay 5 người đặt chỗ rồi không lên máy bay chưa phải là bằng chứng xác đáng.

Máy bay Indonesia tham gia tìm kiếm. Ảnh: AP
Máy bay Indonesia tham gia tìm kiếm. Ảnh: AP

Theo một nguồn tin Mỹ khác của Reuters, phía Malaysia bám vào chứng cứ điện tử cho thấy có thể máy bay đã quay lại khi đang trên đường đến Bắc Kinh – Trung Quốc rạng sáng 8-3.

Chiếc Boeing 777-200 được trang bị hệ thống máy tính bảo dưỡng cho phép liên lạc với mặt đất một cách tự động thông qua các thông điệp ngắn có tên ACARS. "Không có tín hiệu từ ACARS kể từ khi máy bay mất tích đến giờ” – một nguồn tin của Reuters nói.

Các thông điệp ACARS – dù bị lỗi – đã liên tục phát đi từ chiếc Airbus A330 của hãng Air France trước khi nó biến mất trên Đại Tây Dương vào năm 2009. Đó là dấu hiệu cho thấy hệ thống điện tử cơ bản vẫn làm việc trong vòng 4 phút máy bay rơi từ trên trời xuống biển.

Học sinh Trung Quốc cầu nguyện cho các hành khách. Ảnh: EPA
Học sinh Trung Quốc cầu nguyện cho các hành khách. Ảnh: EPA
Theo Hải Ngọc (NLĐO / Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm