FBI sẽ làm gì nếu 'gây chiến' với ông Trump?

“Ông Trump đã tuyên chiến với rất nhiều người tại FBI” - một quan chức FBI giấu tên nói với tờ The Washington Post. “Tôi nghĩ rằng sẽ có một nỗ lực phối hợp nhằm đáp trả lại việc này trong thời gian tới”.

Theo tờ Vox của Mỹ, FBI hoàn toàn có lý do để tức giận như lời vị quan chức này nói. Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe hồi tuần trước nói với Quốc hội Mỹ rằng “đa số nhân viên có mối quan hệ sâu sắc, tích cực với Giám đốc Comey”.

Các báo cáo từ truyền thông Mỹ cũng cho thấy các nhân viên trong FBI đều cảm thấy sốc và tức giận sau quyết định của Tổng thống Donald Trump. “Mọi người đều cảm thấy như có ai đó trong gia đình ra đi” - một nhân viên FBI nói với tờ Daily Beast.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Và FBI có thể đã nổ ra những phát súng đầu tiên cho cuộc “đại chiến” này, theo Vox. The New York Times hôm qua tiết lộ một biên bản ghi nhớ của ông Comey cho biết ông Trump từng yêu cầu ông Comey chấm dứt cuộc điều tra của FBI về quan hệ giữa cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn với Nga.

Bản ghi nhớ này được ông Comey viết sau cuộc gặp với ông Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 14-2, một ngày sau khi ông Flynn bị sa thải. Đây rõ ràng là một sự rò rỉ có thể khiến ông Trump “lao đao”. Theo The Times, bản ghi nhớ này do một “cộng sự” của cựu Giám đốc FBI James Comey cung cấp.

Tờ The Washington Post cho rằng sắp tới FBI sẽ tiến hành một cuộc “tấn công toàn diện” để trả đũa Tổng thống Trump về việc sa thải lãnh đạo của họ. “FBI là một tổ chức liên kết. Nếu bạn áp bức FBI, áp bức lãnh đạo của FBI, nhiều người sẽ nổi giận” - ông Ben Wittes, chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings, nhận định.

Theo ông Ben Wittes và ông Douglas Charles, nhà sử học về FBI ở ĐH bang Pennsylvania, FBI thực sự có thể có rất nhiều cách để khiến ông Trump phải “chật vật” ở Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã bất ngờ ra quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: GETTY IMAGES

Cục Điều tra Liên bang Mỹ có thể rò rỉ những thông tin tổn hại đến ông Trump cho báo chí, tương tự như vụ rò rỉ biên bản ghi nhớ hôm qua với tờ The New York Times. Những sự rò rỉ này có thể khiến ông Trump mất rất nhiều thời gian và sức lực, đồng thời các kế hoạch của ông cũng sẽ bị chấm dứt một khi Quốc hội tổ chức điều trần sau khi nghe được bất cứ thông tin gì FBI nói với báo chí.

FBI cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Quốc hội để tăng cường điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ. Cơ quan này có thể tăng cường điều tra về Nga, hoặc thậm chí là mở các cuộc điều tra mới nhằm vào Trump và các đồng minh của tổng thống như các cố vấn Michael Flynn, Carter Page và Roger Stone. Theo ông Wittes, đây là cách có khả năng xảy ra nhất. FBI sẽ dành nhiều nguồn lực để giúp cho cuộc điều tra của Quốc hội và một khi ông Trump càng bị các nghị sĩ chống đối thì các quyết sách của ông càng khó được thông qua.

Bất kỳ hành động nào của FBI, về mặt lý thuyết, cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính quyền vốn đã hỗn loạn của Tổng thống Donald Trump. Và theo ông Charles, ông Trump “có lẽ” không tránh khỏi một trong số các hành động "đáp trả" đó của FBI.

Theo tờ Vox, điểm yếu chính của ông Trump là một chính quyền dễ bị hỗn loạn trong khi FBI thì cực kỳ mạnh. Bắt đầu một cuộc chiến với FBI là điều không thích hợp đối với một tổng thống, đặc biệt là đối với vị tổng thống có lịch sử về các vấn đề pháp lý như ông Trump. Với việc sa thải ông chủ FBI James Comey, ông Trump dường như đã mở đầu cuộc chiến và đây được nhận xét là cuộc chiến mà tổng thống Mỹ có thể sẽ phải hối tiếc vì đã lựa chọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm