Duterte cảnh cáo Mỹ rút quân: Quan hệ Mỹ-Phi đang nguy hiểm

Liên minh quân sự Mỹ-Philippines đang đối mặt thách thức lớn sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12-9 cảnh cáo lính Mỹ rút khỏi vùng Mindanao (miền Nam Philippines), trang tin Military Times (Mỹ) nhận định.

Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm đến TP Zamboanga, vùng Mindanao từ năm 2002 để huấn luyện và cố vấn lính Philippines đánh nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf có liên quan với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đây là một phần của chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Mỹ ngày càng quan ngại về sự lớn mạnh của Hồi giáo cực đoan ở châu Á. Hồi tháng 7, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng IS đang cố gắng mở rộng hiện diện ở Thái Bình Dương để cân bằng ảnh hưởng đang mất dần ở Trung Đông.

Mỹ kết thúc chương trình huấn luyện lính Philippines từ năm 2015, tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 100 lính đặc nhiệm Mỹ ở miền nam Philippines làm công tác hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật. Mỹ đã chuyển phần lớn trọng tâm an ninh của mình tại Philippines vào vấn đề biển Đông.

Bên cạnh lý do đảm bảo an toàn cho lính Mỹ, Tổng thống Duterte còn đưa ra một lý do: sự hiện diện của lính Mỹ ở đây sẽ chỉ làm phức tạp và khó khăn hơn cuộc chiến chống Abu Sayyaf. “Lực lượng đặc nhiệm này cần phải rời đi. Tôi không muốn có bất hòa với Mỹ nhưng họ phải rời đi. Chúng rất ghét người Mỹ, nếu người Mỹ còn ở đây, bất kể Mỹ trắng hay Mỹ đen, họ cũng sẽ bị giết, hoặc chúng sẽ bắt cóc họ để đòi tiền chuộc.”

Ngoài ra Tổng thống Duterte còn lên án lính Mỹ thực hiện vụ thảm sát Bud Dajo ở đảo Jolo năm 1906, giết khoảng 1.000 người Hồi giáo Philippines.

“Hãy nhìn những thi thể này... Chừng nào chúng ta còn hợp tác với Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có được hòa bình ở vùng đất này. Có lẽ chúng ta phải từ bỏ.” Tổng thống Duterte đưa ra một bức ảnh chụp lính Mỹ đứng bên cạnh đống xác người thuộc nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và dân thường trong đó có cả nhiều phụ nữ không mặc quần áo.

Thủy quân lục chiến Mỹ rời khỏi máy bay MV-22B Osprey tại căn cứ quân sự Crow Valley của Philippines trong một cuộc tập trận ngày 6-8.

Thủy quân lục chiến Mỹ rời khỏi máy bay MV-22B Osprey tại căn cứ quân sự Crow Valley của Philippines trong một cuộc tập trận ngày 6-8. Ảnh: MILITARY TIMES

Military Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross ngày 12-9 cho biết hai nước chưa hề có cuộc bàn bạc chính thức về việc thay đổi nhiệm vụ của lính Mỹ ở Nam Philippines. “Chúng tôi chưa được chỉ đạo về việc này.”

“Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hỗ trợ an ninh ở nam Philippines trong nhiều năm, theo đề nghị của nhiều đời chính phủ Philippines. Hai tháng qua, chúng tôi đã tham vấn với đối tác Philippines ở hàng cấp cao về việc chúng tôi nên tăng hỗ trợ chính phủ mới của Philippines chống khủng bố theo phương thức nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt với phía Philippines để có phương thức hỗ trợ thích hợp với chủ trương của chính phủ mới” - theo ông Ross.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Tổng thống Duterte công khai phản đối sự hiện diện của lính Mỹ ở Philippines.

Ông Ernesto Abella, người phát ngôn tổng thống Philippines, nhận định những lời lẽ này cho thấy Tổng thống Duterte đang hướng tới một chính sách đối ngoại độc lập và sẵn sàng phá vỡ bức tường che đậy các góc tối trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ.

Tổng thống Duterte (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27-7 tại dinh tổng thống ở Manila (Philippines).

Tổng thống Duterte (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27-7 tại dinh tổng thống ở Manila (Philippines). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Trong khi đó, Military Times đưa nhận định của ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới (Mỹ), rằng “Duterte đang đưa liên minh Mỹ-Philippines vào vòng nguy hiểm.”

Theo ông Cronin, Mỹ cần phải chờ một thời gian để xem tính đúng đắn thật sự của tuyên bố này, hay đây chỉ là lời nói nhất thời, tiện miệng của ông Duterte, vì vốn dĩ ông Duterte rất hay tiện miệng. “Vị tổng thống mới này vốn có rất nhiều phát biểu tùy hứng. Tôi không đánh giá những tuyên bố này qua bề ngoài.”

Tổng thống Duterte vốn từng là Thị trưởng TP Davao ở vùng Mindanao trong hơn 10 năm, và lời nói này có thể là xuất phát từ tình cảm cá nhân. Trong phát biểu ngày 12-9 ông Duterte cũng không đề cập thời gian cụ thể lính đặc nhiệm Mỹ phải rời vùng Mindanao.

Tuy nhiên theo ông Cronin, các quan chức quân đội và chính phủ Mỹ cũng nên gặp ông Duterte bàn rõ ràng về tương lai quan hệ quân sự hai nước. “Chúng ta cần ngồi với ông ta và hỏi cho rõ - Ông muốn điều này? Tốt thôi. Ông không muốn điều này? Cũng tốt thôi. Nếu ông ta thật sự muốn Mỹ rút khỏi nam Philippines thì chúng ta sẽ làm theo.”

Ông Cronin cho rằng: “Ông Duterte cần phải làm rõ ông ta muốn có quan hệ thế nào với Mỹ. Chứ nếu cứ ăn nói bạt mạng bất cứ cái gì thoáng qua đầu thì ông ta sẽ hủy hoại quan hệ hai bên trước khi ông ta nhận thức được điều đó.”

Có lời kêu gọi trong nội bộ Mỹ nên triển khai thiết bị tình báo hiện đại và quy mô ở Philippines để thu thập thông tin tình báo, giám sát, do thám. Việc này sẽ giúp Philippines đối phó tốt hơn với Hồi giáo cực đoan ở miền nam và cả theo dõi động thái của Trung Quốc trên biển.

Ông Cronin nhận định việc này hoàn toàn có thể làm được, vì “Những lời lẽ vừa rồi của ông Duterte không làm tôi nghĩ tổng thống Philippines thật sự muốn từ chối lợi ích khi hợp tác với Mỹ.”

Quan hệ Mỹ-Philippines được cải thiện và mở rộng đáng kể dưới thời người tiền nhiệm ông Duterte - Tổng thống Benigno Aquino III. Hồi tháng 3, hai nước thông báo kế hoạch cho phép lính Mỹ hiện diện thường trực ở năm căn cứ quân sự Philippines nhằm hỗ trợ Mỹ luân chuyển lực lượng gần biển Đông.

Các lãnh đạo quân đội Mỹ xem Philippines là một đồng minh quan trọng trong kiềm chế Trung Quốc và tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm