Đường đến Damascus phải qua Nga

Phe đối lập Syria cố tình không tham gia tiến trình cải cách chính trị và Nga phản đối phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

Nhận định về vấn đề này, ông Alexander Shumilin - Giám đốc Trung tâm Phân tích xung đột Trung Đông (Học viện Khoa học Nga) đã viết trên báo The Moscow Times (Nga) ngày 22-3 rằng Nga hy vọng với quan điểm ủng hộ Syria, khích bác phương Tây, cử tri Nga sẽ dành thiện cảm cho Thủ tướng Vladimir Putin cho dù Nga phải chịu rủi ro vì bị thế giới Hồi giáo cô lập.

Tuy nhiên, sau bầu cử tổng thống với chiến thắng thuộc về Thủ tướng Putin, động thái ủng hộ Syria của Nga đã có phần nguội lại. Báo chí quốc tế ghi nhận Moscow đang tìm cách xóa dần mức độ dị biệt trong quan điểm đối với Syria nhưng lợi ích của Nga ở Syria quá quan trọng để Nga buông tay hoàn toàn.

Báo Asia Timesở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định Nga đang điều chỉnh lại chính sách ngoại giao với Syria sau bầu cử tổng thống Nga. Báo dẫn chứng khi trả lời sáu tờ báo hàng đầu phương Tây, Thủ tướng Putin đã khẳng định người dân Syria có quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước.

Mới đây, trả lời Đài phát thanh Kommersant FM (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga không hài lòng với cách ứng xử của Tổng thống Bashar al-Assad đối với các cuộc biểu tình hòa bình và tổng thống Syria đang tiến hành cải cách quá chậm.

Ông khẳng định Nga sẽ không bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad mà sẽ nỗ lực giúp nhân dân Syria có cơ hội cải cách chính trị. Ông còn đề nghị tổ chức hội nghị bàn tròn ở Syria để thảo luận giải pháp cho Tổng thống Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực tương tự Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ông cũng tuyên bố ông Bashar al-Assad không thể tị nạn tại Nga.

Song song theo đó, từ thái độ kiên quyết phủ quyết hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, Nga đã nhất trí với tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Bảo an yêu cầu Syria thực hiện kế hoạch của đặc phái viên Kofi Annan.

Trên báo Ria Novosti (Nga), bình luận viênKonstantin Eggert (Đài phát thanh Kommersant FM) phân tích: Đây là lần đầu tiên Nga chỉ trích gay gắt Syria và có vẻ cuối cùng Thủ tướng Putin và Nga đã nhận ra đồng minh Syria sẽ không thể vượt qua khủng hoảng. Vả lại, theo Konstantin Eggert, dẫu Tổng thống Bashar al-Assad có dẹp yên nổi dậy thì cũng không thể tiếp tục cầm quyền suôn sẻ như trước bởi máu đã đổ quá nhiều.

Bình luận viên Konstantin Eggert ghi nhận Nga lo ngại lớn nhất là bảo vệ an ninh của Nga. Sau khi Tổng thống SerbiaSlobodan Milosevic ra đi vào năm 2000 và đặc biệt sau cuộc cách mạng cam ở Ukraine năm 2004, Nga bị ám ảnh với khả năng phương Tây câu kết với các phần tử chống đối trong nước để phá hoại.

Dù sao chăng nữa, đường đến Damascus vẫn phải qua Nga. Ngày 25-3, đặc phái viên Kofi Annan phải hội đàm với Tổng thống Dmitry Medvedev ở Moscow để phân tích các biện pháp giải quyết khủng hoảng Syria.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm