Đông Bắc Á đối mặt nguy cơ quân sự hóa

Xu hướng quân sự hóa này, nếu không được ngăn chặn, có thể hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đông Bắc Á đối mặt nguy cơ quân sự hóa ảnh 1

Hàn Quốc tập trận chỉ cách biên giới Triều Tiên vài kilômet vào ngày 23-12-2010 - Ảnh: AP

Diễn biến mới nhất: ngày 23.10, Lầu Năm Góc (Mỹ) đã thông báo về cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta với người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin tại Washington để thảo luận về các “thách thức an ninh” chung.

Theo các nguồn tin ngoại giao, hai nước sẽ điều chỉnh kế hoạch hợp tác quốc phòng sau thỏa thuận nâng cấp tên lửa, cũng như tìm cách thúc đẩy hợp tác về phòng vệ tên lửa. Yonhap cho biết Washington sẽ đề nghị Seoul đóng vai trò lớn hơn đối với chương trình tên lửa của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Kể từ sau cuộc ngừng bắn ở Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 kết thúc cuộc chiến đẫm máu giữa hai miền Triều Tiên (hơn 2 triệu người chết), tiếng súng như chưa bao giờ im quanh vĩ tuyến 38, vết tích còn lại của cuộc chiến tranh lạnh. Sau những giai đoạn tương đối yên ắng là tiếp nối những thời kỳ cực kỳ căng thẳng với những hậu quả có khả năng tàn phá khủng khiếp.

Ngày 7-10, Hàn Quốc đạt được thỏa thuận với Mỹ nâng tầm bắn tên lửa đạn đạo lên gấp gần ba lần, từ 300km lên 800km nhằm “kiềm chế các hành động khiêu khích từ miền Bắc”. Điều đó đồng nghĩa mọi điểm trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên sẽ nằm trong tầm ngắm của Seoul.

Bình Nhưỡng đáp trả với cáo buộc cho rằng thỏa thuận tên lửa Mỹ - Hàn nhằm chuẩn bị xâm lược Triều Tiên và tuyên bố Bình Nhưỡng đang sở hữu tên lửa có khả năng tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam, thậm chí cả Mỹ. Người phát ngôn cơ quan quốc phòng Bình Nhưỡng nhấn mạnh sẽ trả đũa không thương tiếc “bất cứ kẻ thù nào, bất cứ cuộc tấn công hạt nhân hay tên lửa nào” của Washington và Seoul. Dù vậy, khả năng thật sự của Bình Nhưỡng khiến nhiều người hoài nghi. “Cho dù có được khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ, họ hiện cũng chưa có đủ phương tiện” - Le Monde dẫn lời chuyên gia Valérie Niquet, lãnh đạo Quỹ Nghiên cứu chiến lược châu Á, nhận định. Nhiều nước tin rằng Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Taepodong-2 mà về nguyên tắc có thể chạm tới bang Alaska của Mỹ, nhưng chưa bao giờ thử thành công. Nguy cơ đụng độ hiện nay giữa hai miền Triều Tiên rõ ràng là chưa nghiêm trọng như năm 2010 với việc Bình Nhưỡng phóng ngư lôi đánh đắm tàu ngầm Cheonan của Hàn Quốc làm 46 người thiệt mạng và tấn công đảo Yongpyong trên biển Hoàng Hải. Thế nhưng, nó đang phản ánh sự bất ổn của Đông Bắc Á, một khu vực chiến lược, nơi sự nhạy cảm về chính trị thường bị thổi phồng.

Trung Quốc lo ngại

Sự xích lại gần nhau về quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại dù không công khai lên tiếng chỉ trích. Theo giới phân tích, Trung Quốc luôn hết sức cảnh giác với bất cứ động thái nào cho thấy Mỹ và đồng minh tại khu vực đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình.

Ngoài ra, “việc nâng tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc lên 800km đã đưa một phần lãnh thổ của Trung Quốc vào tầm ngắm” - chuyên gia Valérie Niquet nhận xét. Thủ đô Bắc Kinh, trung tâm quyền lực của Trung Quốc, chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc hơn 950km.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường khả năng tên lửa, của mình bao gồm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, chẳng hạn như phát triển tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D có tầm bắn hơn 1.500km. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, vào tháng 5-2012, Bắc Kinh có 50-75 tên lửa hạt nhân xuyên lục địa có tầm bắn hơn 5.500km và 5-20 tên lửa tầm trung có tầm bắn 3.000-5.500km. Bên cạnh đó, nước này cũng sở hữu hơn 1.000 tên lửa tầm ngắn dưới 1000km và 75-100 tên lửa có tầm từ 1.000-3.000km.

Liệu kho tên lửa của Trung Quốc phối hợp với kho hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có dẫn đến một “cuộc khủng hoảng tên lửa” ở Đông Bắc Á? Kịch bản này hiện chưa có thể xảy ra, nhưng qua các tuyên bố mạnh mẽ công khai, các nước trong khu vực này đang ra sức tăng cường khả năng trả đũa và răn đe hiệu quả.

Tương tự như trường hợp Nhật Bản khi đang chạy đua để nâng số tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 trong một vài năm, một sự gia tăng được mô tả là “lịch sử”.

Chạy đua vũ trang

Hậu quả của cuộc chạy đua vũ trang khu vực này là ngân sách dành cho quân sự đã tăng vọt.

Thật vậy, nguy cơ bùng nổ xung đột là không thể loại trừ ở Đông Bắc Á. Cuối tuần trước, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ “tấn công quân sự một cách không thương tiếc” nếu Hàn Quốc không ngăn chặn việc rải truyền đơn sang CHDCND Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự là thấp. Sự kiềm chế hiện nay một phần là nhờ chiến lược “xoay trục” của Mỹ khi tạo nên một trục ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương. “Nếu Mỹ rời khỏi khu vực thì sẽ dẫn đến nguy cơ các nước mặc sức tự vũ trang cho mình và điều này dẫn đến một cuộc đua vũ trang thật sự. Khi đó, tình hình có thể trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được” - bà Valérie Niquet cảnh báo.

Chi phí quân sự tăng vọt

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế, trụ sở tại Washington, trong vòng một thập niên qua (2000-2011), Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng gấp đôi chi phí quốc phòng. Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua với 90 tỉ USD cho quốc phòng, gấp bốn lần so với năm 2000, trong đó gần 1/3 là cho việc nghiên cứu vũ khí mới. Một số ý kiến cho rằng con số thực có thể lên đến 140 tỉ USD. Đáp lại, các nước láng giềng cũng chi mạnh tay hơn. Chi phí quốc phòng của Nhật năm ngoái vào khoảng 60 tỉ USD. Tiếp đến là Hàn Quốc 29 tỉ USD.

Theo Trần Phương (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm