Đập Tam Hiệp - biểu tượng cho những tham vọng lỗi thời

Tuy nhiên, hàng loạt đại bác chỉ trích "oanh tạc" chiếc đập lớn nhất và tiêu tốn nhất thế giới từ trước tới nay, còn lâu mới kết thúc.

Chỉ trong vài ngày, mực nước trong hồ chứa trên sông Dương Tử sẽ đạt tới mức đỉnh điểm là 175m. Với mỗi mét nước đổ vào hồ chứa bê tông, làn sóng phản đối bên trong Trung Quốc lại tăng lên và những tiếng nói chỉ trích quốc tế đối với nó cũng lớn hơn.

Đập Tam Hiệp - biểu tượng cho những tham vọng lỗi thời ảnh 1

Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao. (Ảnh: Global Envision)

Không giống 12 năm trước đây, khi Bắc Kinh tổ chức các hoạt động ăn mừng linh đình, đánh dấu sự chệch hướng của sông Dương Tử tại địa điểm của chiếc đập tương lai, vào thời điểm này, các quan chức và kỹ sư đang kỉ niệm việc hoàn thành đập bằng cách thức ít phô trương.

Trong nước, họ đang đối mặt với sự chỉ trích rằng việc cho nước vào đập sẽ làm trầm trọng hơn nạn hạn hán vốn đang hoành hành ở vùng đồng bằng sông Dương Tử. Ở nước ngoài, nơi Trung Quốc đã nỗ lực xuất khẩu mô hình Tam Hiệp về việc tạo ra sự tăng trưởng kinh tế thông qua các công trình thủy điện lớn, các kĩ sư Trung Quốc cũng đối mặt với sự phản đối bắt nguồn từ trong nước đối với những dự án như vậy. Các nhà ngoại giao Trung Quốc nhận thấy một làn sóng bất bình đang lên đối với sự mở rộng ngoại giao thủy điện của Bắc Kinh ở khắp châu Á và châu Phi.

Tuy nhiên, có lẽ lý do thuyết phục nhất cho việc kìm giữ các màn bắn pháo hoa ăn mừng là, đập Tam Hiệp là một biểu tượng cho những tham vọng đã lỗi thời. Khi Trung Quốc ngày càng hướng tới các dạng năng lượng tái sinh và thậm chí tuyên bố đi đầu trong làn sóng phát triển xanh tiếp theo, con đập đã cho thấy những ưu tiên rối rắm.

Peter Bosshard, Giám đốc phụ trách chính sách của tổ chức Các con sông quốc tế có trụ sở tại California, người thừa nhận sứ mệnh của tổ chức là "bảo vệ các con sông và những cộng đồng sống phụ thuộc vào chúng" nhận định: "Đập Tam Hiệp là một mô hình của quá khứ".

"Có nhiều cách khôn ngoan hơn để tạo ra năng lượng và kiểm soát lũ lụt hơn là xây dựng những siêu dự án đã lỗi thời", ông Bosshard nói thêm.

Siêu dự án và những cái giá phải trả

Xây đập ngăn nước trên sông Dương Tử là một trong những giấc mơ của Tôn Dật Tiên - người cha khai sáng ra nước Trung Quốc hiện đại. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã ra lệnh tiến hành những nhát đào đầu tiên cho dự án trước khi sự náo động của Cách mạng Văn hóa (1966-76) đã làm nó tạm ngừng. Cả hai ông đều nhìn nhận đập nước là một cách để kiểm soát các trận lũ tàn phá dọc hạ lưu sông Dương Tử và tạo ra một cột trụ cho lưới điện quốc gia.

Không còn là điều mơ ước mà đã là thực tế, đập Tam Hiệp có khả năng tạo ra 18.000 megawatt điện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đập, 1.350 làng bị nước nhấn chìm và 1,3 triệu người buộc phải di dời nhà cửa.

Đập Tam Hiệp không chỉ là dự án thủy điện lớn nhất mà còn đắt đỏ nhất từng được thực hiện trên thế giới. Khi dự án được thông qua vào năm 1992, chi phí cho nó đã ước tính vào khoảng 57 tỉ Nhân dân tệ (8,3 tỉ USD). Trong khi xây dựng, Chính phủ Trung Quốc ước tính chi phí của dự án tăng lên 27 tỉ USD. Một số người bên ngoài thậm chí nâng con số này lên tới 88 tỉ USD.

Những cái giá ẩn đằng sau việc xây dựng con đập hiện chỉ đang bắt đầu phát lộ. Ngăn chặn dòng chảy của con sông đã thay đổi hệ thống sinh thái của sông Dương Tử tới một mức độ mà các loài quý hiếm của sông như cá heo và cá tầm hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Các nơi nuôi đánh bắt cá thương mại trên sông Dương Tử và ngoài cửa sông ở biển Hoa Đông đã giảm xuống đáng kể. Những tác động phụ, mang tính thảm họa còn bao gồm cả việc ô nhiễm các nguồn cung cấp nước sạch, các vụ lở đất chết người và tăng nguy cơ động đất.

Tháng 9/2007, các quan chức chính phủ thừa nhận rằng "nếu các biện pháp ngăn chặn không được thực hiện, có thể sẽ có một sự sụp đổ về môi trường".

Đập Tam Hiệp - biểu tượng cho những tham vọng lỗi thời ảnh 2

Nước chảy qua các cửa xả của công trình thủy điện Tam Hiệp. 
(Ảnh: China Highlights)

Những lập luận trái chiều

Chính cựu Thủ tướng Lý Bằng, một kĩ sư được đào tạo căn bản, là người thúc đẩy dự án này. Năm 1992, ông Lý Bằng đã tìm được cách kìm giữ sự phản đối đối với dự án tại quê nhà và giành được sự ủng hộ đối với con đập thông qua quốc hội. 

Việc xây đập trên sông Dương Tử "là một sự kiện không chỉ truyền cảm hứng cho nhân dân mà còn biểu thị cho sự vĩ đại của thành tựu phát triển của Trung Quốc", ông Lý Bằng phát biểu năm 1997 khi chủ trì một buổi lễ kỉ niệm việc làm chệch hướng dòng sông.

Mặc dù vậy, những ngày này, các chính trị gia Trung Quốc đang đề cập tới việc phát triển một nền kinh tế "các-bon thấp" và miêu tả sự vĩ đại của Trung Quốc xét về các con đập khổng lồ không còn là cụm từ nổi bật hiện nay.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới và trong những năm gần đây đã có một bước đi xông xáo nhằm phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân, trở thành nước thành công trong việc sản xuất phong điện và điện từ mặt trời cũng như tăng đáng kể tính hiệu quả của tất cả các công trình mới.

Tuy nhiên, tranh luận về cách thức tiếp tục phát triển thủy điện - một nguồn năng lượng gây tranh cãi vì tác động của nó đối với các hệ sinh thái sông - vẫn tiếp diễn.

Theo Hiệp hội Thủy điện quốc tế - tổ chức đại diện cho lĩnh vực thủy điện, có trụ sở tại London, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về khả năng thủy điện, với công suất lên tới 150 gigawatt (GW). Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng khả năng thủy điện của nước này lên mức 700GW trong tương lai.

Hơn 100 đập nước dự kiến sẽ được xây dựng ở trung và thượng nguồn sông Dương Tử. Thêm vào đó, Trung Quốc đang tích cực tìm cách xuất khẩu công nghệ Tam Hiệp ra nước ngoài, kí kết các thỏa thuận xây dựng các công trình thủy điện ở một số nước từ Campuchia tới Pakistan và Nigeria.

Các đề xuất về ngành công nghiệp thủy điện ở đây rõ ràng ủng hộ việc có thêm nhiều con đập nữa. Phạm Gia Trịnh, nhà thủy văn học tại Viện Kỹ thuật Trung Quốc, lập luận rằng nước là nguồn năng lượng có thể khôi phục lại duy nhất ở Trung Quốc có thể phát triển trên quy mô lớn.

"Phát triển thủy điện là cách có thể tồn tại duy nhất để tạo ra một vết lõm trong việc tiêu dùng than đá của Trung Quốc. Những ai tuyên bố rằng thủy điện không phải là một nguồn năng lượng sạch nên tự vấn rằng liệu có nhiệm vụ nào cấp bách hơn đối với sự phát triển sạch của Trung Quốc ngoài việc thiêu đốt ít than đá hơn", chuyên gia Phạm nói.

Năm 2008, nhiệt điện chiếm 80% tổng sản lượng năng lượng của Trung Quốc. Thủy điện đóng góp 16,4% trong khi năng lượng hạt nhân chỉ chiếm không đầy 2%. Mặc dù Trung Quốc đang chạy đua khai thác thêm khả năng phát điện từ sức gió và mặt trời nhưng năng lượng sản sinh từ những nguồn này vẫn được coi là quá đắt đỏ và không đủ để thỏa mãn những nhu cầu năng lượng tham lam của nước này.

Những người chỉ trích việc mở rộng thủy điện dẫu vậy cũng có lập luận thuyết phục không kém.

Trịnh Nghị Thành, người nghiên cứu môi trường và sự phát triển tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: "Thật là khoa học nửa vời khi tin rằng thủy điện tương đương với nguồn năng lượng xanh. Bạn không thể nhìn nhận các dòng sông như một nguồn năng lượng và chọn cách sao lãng chức năng sinh thái của chúng như các hệ sinh thái học. Con người cần năng lượng nhưng họ còn cần một nơi để sống nữa".

TheoThanh Bình (VNN, Asian Times)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.