CHẶNG ĐƯỜNG LÂM NẠN CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC IMF - BÀI CUỐI

Cuộc chiến pháp lý chỉ mới bắt đầu

Theo luật hình sự Mỹ, vụ án của nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) phải qua nhiều giai đoạn.

Hai phiên tòa ngày 15 và 19-5

Ngày 15-5, ông DSK lần đầu tiên ra trước phiên tòa luận tội (arraignment). Trong phiên tòa, tòa đọc quyền lợi của ông DSK, đề nghị cung cấp luật sư nếu ông DSK chưa có và các hành vi phạm tội ghi trong biên bản do cảnh sát lập trong quá trình điều tra.

Thẩm phán quyết định xem có cho bảo lãnh hay tạm giữ. Quyết định tạm giữ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tình hình tài chính của người bị buộc tội và nguy cơ người bị buộc tội sẽ trốn, không ra tòa lần sau.

Ngày 19-5, ông DSK ra tòa lần thứ hai. Đây là phiên tòa cáo trạng (indictment) và xử kín. Đại bồi thẩm đoàn của bang New York với 23 bồi thẩm lắng nghe công tố và các nhân chứng. Sau đó công tố soạn cáo trạng và đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu. Rốt cuộc đại bồi thẩm đoàn cho rằng ông DSK có phạm tội nhưng cho tại ngoại. Ở Mỹ, hiếm khi đại bồi thẩm đoàn bác cáo trạng.

Phiên tòa thứ ba ấn định vào ngày 6-6 tới gọi là phiên tòa tiền xét xử. Trong phiên tòa, ông DSK phải thông báo quyết định của ông: hoặc nhận tội, hoặc không nhận 7 tội danh ông bị cáo buộc.

Cuộc chiến pháp lý chỉ mới bắt đầu ảnh 1

Biếm họa của MICHAEL KOUNTOURIS ở Hy Lạp về vụ án ông Dominique Strauss-Kahn.

Ông DSK được tại ngoại nhưng cuộc chiến pháp lý chỉ mới bắt đầu. Căn cứ vào các bằng chứng đã biết, các luật sư của ông phải chọn lựa giữa nhiều phương án.

Không nhận tội

Ngay từ đầu ông DSK đã chọn giải pháp thứ hai. Ngày 19-5, các luật sư cũng để lộ khả năng họ sẽ bào chữa theo hướng giữa ông DSK và cô phục vụ phòng ở khách sạn Sofitel đồng thuận quan hệ tình dục.

Giáo sư Brenda Smith ở khoa Luật ĐH Mỹ tại Washington nhận định khi bám theo hướng này, các luật sư đã tính đến chuyện rất khó chứng minh đã xảy ra một vụ tấn công tình dục. Họ cũng có thể vạch lá tìm sâu về nhân thân của cô phục vụ phòng để cho thấy cô này có thể khiêu khích ông DSK.

Nếu chiến lược này thất bại, ông DSK sẽ lãnh đủ với trên 74 năm tù. Đôi khi chiến lược này cũng mang lại hiệu quả như ca sĩ Michael Jackson hay vận động viên bóng chày OJ Simpson đã được tha bổng sau nhiều tháng xét xử.

Nhận tội

250.000 USD tiền trợ cấp thôi việc và hằng năm nhận một mức lương hưu khiêm tốn là chế độ về hưu của ông DSK theo thông báo ngày 20-5 của IMF. IMF cũng thông báo thời hạn ứng cử vị trí tổng giám đốc IMF kéo dài đến ngày 10-6, sau đó Ban giám đốc điều hành IMF sẽ chọn ba ứng viên xuất sắc nhất và ngày 30-6 sẽ công bố danh tính tổng giám đốc mới.

Nhận tội có thể tránh mở phiên tòa xét xử, đây là cách xét xử phổ biến ở Mỹ. Ở New York, 90% số vụ tội phạm hình sự không cần phải qua tòa xét xử. Bên bị sẽ thương lượng (plea bargaining) với bên công tố để giảm hình phạt, tức giảm án.

Luật sư Christopher Resnooh ở Đoàn Luật sư Paris và New York giải thích: Trước khi chọn chiến lược này, bên bị phải thẩm định độ tin cậy và chất lượng của hồ sơ nằm trong tay công tố.

Nếu thẩm định thấy các yếu tố kết tội ông DSK quá nặng thì các luật sư của ông có thể áp dụng biện pháp thương lượng. Nếu thấy chứng cứ trong tay quá mỏng, bên công tố Cyrus Vance Jr. cũng có thể sẽ đề nghị thương lượng.

Thỏa thuận với nạn nhân

Ở Mỹ, nếu nạn nhân rút đơn kiện, tiến trình tố tụng có thể bị hủy. Tuy nhiên, trong vụ ông DSK, cô phục vụ phòng không trực tiếp kiện mà chính bang New York kiện ông DSK ra tòa. Do đó, rất khó thỏa thuận đền bù một khoản tiền lớn với cô phục vụ phòng để ngừng phiên tòa vì bên công tố sẽ buộc tội cô phục vụ phòng cản trở pháp luật. Nếu cô phục vụ phòng không muốn tham gia phiên tòa, tòa vẫn có thể bắt buộc cô tham gia với tư cách nhân chứng.

Nếu ông DSK không nhận tội, phiên tòa xét xử sẽ mở tại Tòa án Tối cao bang New York (không phải Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ). Bồi thẩm đoàn 12 người sẽ họp kín và bỏ phiếu quyết định bị cáo có tội hay vô tội. Thẩm phán sẽ là người quyết định mức án. Như vậy những người quyết định có tội hay không khác với những người quyết định mức án chứ không như ở Pháp.

Cyrus Vance Jr. 56 tuổi (ảnh: New York Daily News) là luật sư của bang (district attorney) giữ vai trò công tố cho hạt New York được mệnh danh là công tố viên thép. Ông là con trai của Cyrus Vance, nguyên ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Ông chuyên trị các vụ án liên quan đến thuần phong mỹ tục và lạm dụng phụ nữ. Sau nhiều năm chống tội phạm trong giới cổ cồn trắng ở New York, ông thành lập văn phòng luật sư ở Seattle chuyên xử lý đơn kiện các tập đoàn lớn. Về lại New York năm 2004, ông nhanh chóng được xem là người kế thừa Robert Morgenthau khi ông này về hưu vào năm 2009 ở tuổi 90 sau 34 năm làm công tố quận Manhattan. Trong vụ án của ông DSK, Cyrus Vance Jr. không xuất hiện nhiều trên báo chí như đối thủ luật sư Benjamin Brafman.

Cuộc chiến pháp lý chỉ mới bắt đầu ảnh 2

Sau khi được tại ngoại, ông DSK không về căn hộ sang trọng của vợ ông là bà Anne Sinclair ở tòa nhà Bristol Plaza tại quận Manhattan mà đến tạm trú tại một căn phòng thuộc quyền sở hữu của Công ty Bảo vệ Stroz Friedberg do ông thuê làm nhiệm vụ bảo vệ. Nguyên nhân do những người cư trú trong tòa nhà Bristol Plaza không chấp nhận có hàng xóm tai tiếng.

ĐỨC LONG (Theo AFP, CNN, NYT)

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm