Chọn S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất nhiều 'cơ hội vàng'

Bằng cách thực hiện thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất  tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ mà còn mất cơ hội bổ sung dòng máy bay tàng hình hiện đại này vào lực lượng không quân nước mình, trang tin Stratfor Worldview dẫn ý kiến của ông Sinan Ciddi, giáo sư trợ lý thỉnh giảng tại ĐH Georgetown.

Việc Mỹ tháng trước loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 sẽ ngăn Thổ Nhĩ Kỳ nhận thêm 100 chiếc F-35 mà nước này đã đặt mua, đồng thời khiến các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ không còn được tham gia chuỗi sản xuất F-35. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng một cơ sở bảo trì để các nước trong khu vực có thể mang F-35 đến sử dụng dịch vụ cũng đã bị hủy bỏ.

Dàn tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: The National Interest

"Khoản thu từ lĩnh vực bảo dưỡng, phục vụ cho F-35 từ các quốc gia sẽ rơi vào túi của Israel vì Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình phát triển máy bay này" - chuyên gia Ciddi nhận định.

“Nhìn trong bối cảnh rộng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua một vũ khí chiến thuật như S-400 của Nga đã khiến họ mất đi tiêm kích tàng hình F-35 - điều sẽ mang lại sự thống trị về không quân trong khu vực cho Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Ciddi nói tiếp.

Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây còn bị hạn chế các lựa chọn thay thế các tiêm kích F-16 đã cũ kỹ. Trong khi đó, S-400 lại không thể hoạt động cho đến ít nhất là tháng 4-2020 theo như tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Bởi vậy, quyết định này của Ankara được cho là không đúng thời điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể trì hoãn vận hành S-400 hoặc thậm chí bán hệ thống này cho bên thứ ba. Điều này có thể giải thích tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tung trừng phạt.

“Nhìn từ quan điểm của Mỹ, nước này muốn tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất máy bay F-35 - điều sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bị loại khỏi chương trình này” - ông Ciddi nhận xét.

Ngoài ra, Washington cũng tính toán đến những rủi ro đến từ phản ứng trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể bao gồm việc trục xuất lực lượng Mỹ khỏi căn cứ không quân Incirlik, làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bị loại khỏi dự án sản xuất F-35 đồng nghĩa với việc các nhà thầu quốc phòng nước này mất gần 10 tỉ USD doanh thu - một viễn cảnh có khả năng gây ra thảm họa cho nhiều người, trong khi lệnh cấm vận vũ khí có thể làm tê liệt sức mạnh của quân đội nước này, theo ông Ciddi.

Nguy cơ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn sau quyết định thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi đảo Síp làm thúc đẩy các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) mới đây. Theo chuyên gia Ciddi, mặc dù hành động thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là hợp lệ nhưng một bước đi như vậy bị cáo buộc là thù địch và hiếu chiến.

Một vụ thử nghiệm S-400. Ảnh: SPUTNIK

“Với khủng hoảng song phương Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sâu rộng, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tin tưởng Mỹ làm trung gian nếu xảy ra xung đột bất ngờ” - ông Ciddi nhận định.

Cũng theo chuyên gia Ciddi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị trục xuất khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng khả năng bị loại khỏi các chương trình, sứ mệnh và nền tảng tình báo quan trọng của khối quân sự này vì việc triển khai S-400 đặt ra mối đe dọa trực tiếp cho an ninh hoạt động của NATO.

Mỹ có thể tìm cách khuyên can các quốc gia khác cũng quan tâm mua hệ thống S-400 của Nga như Ai Cập và Trung Quốc bằng cách lấy trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ ra làm ví dụ.

“Việc mất niềm tin giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là điều thật sự đang diễn ra và sẽ khó có thể một sớm một chiều mà hàn gắn lại dưới bất kỳ hình thức thực tế nào. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng giờ đây là việc liệu S-400 có thực sự đưa vào hoạt động hay không" - ông Ciddi nói.

Nga thành “bạn hàng vũ khí” của Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo chuyên san National Interest, trong bối cảnh quan hệ quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đứng trước nguy cơ rạn nứt, ngành quốc phòng Nga lại có bước tiến tiếp theo khi nỗ lực bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này diễn ra khi Mỹ từ chối bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này quyết định mua S-400 của Nga.     

Ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành Công ty vũ khí quốc phòng Rostec của Nga, tuyên bố rõ ràng về ý định của Nga hồi đầu tuần trước: “Nếu những người đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ của tôi bày tỏ sự quan tâm, chúng tôi sẵn sàng bán Su-35 cho họ”.

Đề nghị này đánh dấu sự chuyển hướng so với những thương lượng ban đầu của Nga về việc bán Su-57 sắp xuất xưởng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêm kích Su-35 của Nga cất cánh trong chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: AFP

Theo mô tả trước đó của The National Interest, Su-35 hiện là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga. Được thiết kế như một giải pháp tạm thời trước khi không quân Nga có được phi cơ tàng hình Su-57, Su-35 là sự kết hợp giữa khả năng chiến đấu và đa chức năng nhờ được trang bị hệ thống buồng lái hiện đại, tên lửa không đối không Vympel R-77 và một phiên bản tên lửa chống hạm Kalibr của Nga. Theo ông Chemezov, Nga tự tin có thể sản xuất hàng loạt máy bay này với số lượng vừa đủ để thỏa mãn Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của ông Chemezov được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Washington hủy bỏ việc bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, dự án tiêu tốn của Ankara tới hàng tỉ USD.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nhiều lần khẳng định rằng không chỉ dừng lại ở việc mua S-400, ông còn có ý định thúc đẩy sâu rộng hơn quan hệ đối tác quốc phòng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, ông Erdogan nhấn mạnh đến kế hoạch cùng sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-500 với Nga.

Mô hình tiêm kích TF-X do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại triển lãm hàng không Paris hồi tháng 6. Ảnh: AIN Online

Chính quyền ông Erdogan đến nay vẫn rất kín tiếng về kế hoạch mua máy bay chiến đấu trong lúc nước này cũng đang có lựa chọn khác nhau. Bên cạnh Su-35, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mua máy bay Eurofighter Typhoon do châu Âu sản xuất hay máy bay Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh đáng chú ý nhất của Su-35 lại đến từ tham vọng sản xuất tiêm kích thế hệ thứ năm nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ có tên gọi là TF-X. Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ giới chính trị Thổ Nhĩ Kỳ song chi phí phát triển của máy bay này lại đang vượt quá mức cho phép.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-35 của Nga sẽ khiến các chuyên gia phương Tây lo ngại rằng họ đang thay đổi các ưu tiên quốc phòng lâu dài của mình. Theo chuyên gia quân sự Alexander Perendzhiev, Nga hiểu rõ bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc mua Su-35 mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đều sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, thành công từ thương vụ S-400 được điện Kremlin coi là cơ sở để tiếp tục giành được những mục tiêu lớn hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm