Chính sách Duterte xói mòn ảnh hưởng của Mỹ ở biển Đông

Không nên coi nhẹ hoặc đánh giá thấp chính sách đối ngoại độc lập của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi nó có thể làm xói mòn nghiêm trọng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và biển Đông.

Đây là đánh giá trong báo cáo “Thay đổi trong chính sách đối ngoại của ông Duterte sẽ xói mòn ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ” ngày 30-9 của công ty nghiên cứu, phân tích kinh tế tài chính BMI Research thuộc tập đoàn thẩm định rủi ro tài chính Fitch Ratings (Mỹ).

Vì nằm ở vị trí chiến lược giữa các tuyến thương mại toàn cầu, nối Thái Bình Dương và biển Đông, Philippines có ảnh hưởng quan trọng về địa-chính trị.

Mỹ lần đầu tiên công nhận vị trí chiến lược của Philippines hơn một thập niên trước, khi Mỹ chiếm Philippines từ Tây Ban Nha sau trận chiến năm 1898. Dù trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, Mỹ vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Philippines. Bằng chứng mới nhất của quan hệ thân thiết Philippines-Mỹ là thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng 10 năm được ký giữa hai nước.

Với Trung Quốc, Philippines là một thành tố chủ chốt trong cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” từ miền Nam Nhật Bản đến Đài Loan, xuống biển Đông - vốn được Mỹ thiết lập từ thời Chiến tranh lạnh nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc. Vì thế, theo BMI Research, nếu Philippines bỏ mạng lưới liên minh do Mỹ dẫn đầu này thì sẽ là một đòn đau với chiến lược “chuỗi đảo thứ nhất” của Mỹ.

Theo BMI Research, tính cách bất ổn của ông Duterte báo hiệu cho một sự rối loạn về địa-chính trị và mang đến rủi ro về chính trị. Không chỉ Philippines mà cả châu Á đã bắt đầu có bước thay đổi địa-chính trị lớn kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống Philippines vào tháng 6-2016.

Dân Philippines biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Manila (Philippines) ngày 4-10 phản đối Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước.

Dân Philippines biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Manila (Philippines) ngày 4-10 phản đối thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ảnh: AP

Ông Duterte thật sự nổi lên trên toàn cầu kể từ tháng 9 khi công khai chỉ trích Mỹ và Liên minh châu Âu vì chỉ trích chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông. Ông Duterte xem những lời chỉ trích này là sự vi phạm chủ quyền của Philippines và khẳng định sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, thân thiết hơn với Trung Quố, và khả năng là với cả Nga.

Ông Duterte là một trong số những nhà lãnh đạo dân túy nổi lên rất nhanh trong năm 2016, vốn không phải là thành viên thuộc nhóm chính trị gia có quan điểm thân Mỹ truyền thống. Vì thế, việc ông Duterte có cái nhìn thế giới khác với người tiền nhiệm không có gì đáng ngạc nhiên.

Sự “tái cân bằng” - như lời một số thành viên nội các ông Duterte nói - của chính sách đối ngoại Philippines được xem là sẽ có lợi cho Trung Quốc, nước mà chính Philippines đã bêu kiện ra tòa án trọng tài quốc tế vì tranh chấp biển Đông và thắng kiện.

Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người tiền nhiệm ông Duterte theo đuổi chính sách đối đầu với Trung Quốc, khi Trung Quốc chủ trương ngày càng cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Trong khi ông Aquino thúc đẩy quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Nhật, một sự thận trọng đối với việc quyền lực quân sự Trung Quốc ở châu Á ngày càng tăng thì ngược lại, ông Duterte lại có chính sách chống Mỹ trong khi hướng về Trung Quốc.

Giọng điệu chống Mỹ của ông Duterte có thể khiến Mỹ xa lánh hoặc nghi ngờ về độ tin cậy của Philippines như một thành viên trong liên minh quốc phòng của Mỹ. Các bước đi của ông Duterte cho thấy việc Philippines tồn tại trong liên minh các nước châu Á do Mỹ dẫn đầu kiềm chế Trung Quốc đã không còn bảo đảm.

BMI Research cho rằng tình hình này có thể thấy ông Duterte không cần thiết phải giữ quan hệ tốt với tổng thống Mỹ mới, bất kể đó là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump.

Nếu trong sáu năm tới ông Duterte vẫn duy trì chủ trương đối ngoại như hiện tại, quan hệ giữa Philippines và Mỹ khả năng lớn sẽ có biến đổi. Không cần Philippines thiên hẳn về phía mình, bản thân sự suy yếu liên minh Mỹ-Phi cũng sẽ làm lợi cho Trung Quốc.

Không chỉ Mỹ, chủ trương thân thiện hơn với Trung Quốc của ông Duterte cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến Nhật, khi Nhật có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Theo BMI Research, hai chuyến thăm Trung Quốc (vào ngày 19 và 20-10) và Nhật (vào ngày 27 đến 27-10) của ông Duterte sẽ mang lại đánh giá rõ hơn về quan điểm của ông với hai nước này.

BMI Research nhận định việc thay đổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte đưa Philippines ra xa Mỹ, hướng về Trung Quốc có thể xói mòn nghiêm trọng ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ ở châu Á trong thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng ngày càng tăng.

Hậu quả là Mỹ và Nhật sẽ nỗ lực hơn để tranh thủ một nước khác làm đối tác an ninh ở biển Đông. Bất kể ai là tổng thống Mỹ sắp đến, Mỹ cũng sẽ vào cuộc tìm kiếm một đồng minh thay thế trong khu vực.

Tuy nhiên, theo BMI Research, vẫn chưa thể khẳng định kế hoạch chính sách đối ngoại về dài hạn của ông Duterte. Vì với một Duterte thiếu kinh nghiệm chính trường quốc tế, có tính cách bất ổn, có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí mâu thuẫn nhau thì rất dễ dẫn đến băn khoăn về ý định thực sự của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm