Chiến sự Ukraine một tuần ‘im lặng’, nhưng được bao lâu?

Không phải lần đầu

Thỏa thuận mang tên "ngày im lặng" có hiệu lực từ ngày 9-12, tiền đề cho vùng phi quân sự. Một tuần đã trôi qua kể từ khi các bên tham chiến chính thức ngưng bắn. 

Không hề có cáo buộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn từ cả chính quyền Kiev và quân ly khai. Giới truyền thông của cả Ukraine và Nga cũng hoàn toàn im ắng, có chăng chỉ là các cáo buộc Kiev vi phạm tội ác chiến tranh từ vài hãng thông tấn Nga.

Đây không phải là lệnh ngừng bắn đầu tiên giữa 2 bên. Còn nhớ 3 tháng trước, một thỏa thuận ngừng bắn tương tự cũng đã được các bên đồng ý tại Minsk (Thủ đô của Belarus) trước sự chứng kiến của Ủy ban hợp tác Châu Âu (OSCE) và Nga. 

 Liệu hòa bình có thật sự quay lại miền Đông Ukraine?

Tuy nhiên, cũng giống như các lệnh ngừng bắn ngắn hạn trước đó, thỏa thuận tại Minsk không tồn tại được lâu. Suốt ba tháng qua, dù không có những chiến dịch quy mô lớn với sự tham gia của các sư đoàn chủ lực, nhưng các cuộc đụng độ nhỏ lẻ vẫn liên tiếp diễn ra ở vùng Donbass gây là nhiều thương tổn cho hai phía. Đặc biệt, tại sân bay Donetsk, các phe thường xuyên nã pháo, tấn công, giành cho được toàn bộ cứ điểm chiến lược quan trọng này.

Chính vì vậy nên sự tĩnh lặng lâu dài đến bất ngờ ở miền Đông Ukraine suốt một tuần rồi đã bắt đầu thắp lên chút ánh sáng hy vọng về một nền hòa bình lâu dài cho vùng Donbass.
Vì sao lại "im lặng" lâu đến vậy?

Cần lưu ý rằng, trong thời gian chưa đầy một tháng trước khi bất ngờ đạt thỏa thuận ngừng bắn, quá trình bầu bán lãnh đạo, "nội các" và "quốc hội" ở cả chính quyền "hợp pháp" Kiev và vùng Donbass "ly khai" đều đã mới được hoàn thành. 

Còn nhớ, một tuần trước khi ký thỏa hiệp, Donestk mới vừa bầu xong "quốc hội", còn Kiev thì vừa bổ nhiệm 3 bộ trưởng mới là người nước ngoài. Dường như, việc ổn định xong tình hình chính trị, không cần nữa nước cờ "nội chiến khốc liệt" để gây sức ép hình thành giới lãnh đạo, đã tác động không nhỏ đến quyết định tạm hoãn giao tranh giữa hai phe.

Sau 7 tháng đánh nhau liên tục, chính quyền Kiev và cả vùng Donbass “ly khai” đã quá mệt mỏi với cuộc chiến. Nền kinh tế Ukraine trên bờ vực phá sản và tiềm lực quốc phòng vốn không được đánh giá cao cũng gần như kiệt quệ. Suốt nhiều tháng nay, chính quyền Kiev phải dựa vào các tiểu đoàn tình nguyện độc lập, do các tỉ phú đầu tư, để chiến đầu bên cạnh quân đội chính phủ.

Tổng thống Ukraine công bố các tân bộ trưởng người nước ngoài

Việc sử dụng các đơn vị này giống như một con dao 2 lưỡi khi 2 tuần trước, một số các tiểu đoàn tình nguyện đã cảm thấy bất bình vì bị chính phủ "bỏ quên" và tuyên bố sẵn sàng "đảo chính".

Tổng thống Poroshenko phải "chạy đôn chạy đáo" xin viện trợ hết kinh tế đến vũ khí từ EU cho tới Hoa Kỳ. Kiev rất cần khoảng thời gian sau khi bầu cử xong quốc hội mới để tái bổ sung, chỉnh đốn lực lượng, và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ. Giờ đây việc củng cố lực lượng và giúp chính quyền làm quen với tình hình mới là nhu cầu quan trọng nhất với cả hai phe. 

"Im lặng" ... được bao lâu?

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mặc dù được gọi là "lệnh ngừng bắn hoàn toàn", nhưng một nền hòa bình lâu dài ở miền Đông Ukraine vẫn khó lòng tồn tại, nhất là khi chưa bên nào chịu lui bước.

Chính quyền Kiev sẽ không đời nào từ bỏ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trong khi đó, lực lượng Donestk và Luhansk từng tuyên bố muốn kiểm soát hoàn toàn miền Đông Ukraine, bao gồm các vị trí địa chiến lược quan trọng như sân bay Donetsk và thành phố ven biển Azov, Mariupol. Việc liên tục giao chiến tại sân bay Donetsk trước ngày 9-12 bất chấp thỏa thuận đã đạt được ở Minsk chứng minh sự cương quyết từ cả hai phía.

Chiến sự Ukraine một tuần ‘im lặng’, nhưng được bao lâu? ảnh 3
Quân miền Đông tại sân bay Donetsk (AFP)

Không những thế, vào ngày 12-12 vừa qua, thượng viện Mỹ còn thông qua dự luật “Luật hỗ trợ tự do Ukraine” với gói viện trợ lên đến 350 triệu USD gồm cả các loại vũ khí chống tăng, đạn xuyên giáp, radar, máy bay giám sát thiết bị liên lạc và cả vũ khí sát thương hạng nặng.
Bên cạnh đó, chính quyền ở Kiev cũng được Washington coi là “đồng minh chủ chốt không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO”. Điều này có nghĩa Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Ukraine bất cứ khi nào có cuộc xung đột với Nga.
Mặc dù dự chưa được tổng thống Obama thông qua nhưng chính trường Mỹ dường như đang ủng hộ dự luật này. Khá nhiều chính trị gia có “máu mặt” đã hối thúc Washington viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine như Thượng nghị sĩ John McCain và cựu đại sứ William B. Taylor.
Nếu như dự luật được tổng thống Obama thông qua, gần như chắc chắn chính quyền Kiev sẽ có đầy đủ binh lực để giành lại vùng Donbass. Tất nhiên Nga sẽ không chịu ngồi yên.
Mới đây, Moscow đã cáo buộc Washington đang làm căng thẳng thêm tình hình miền Đông. Thậm chí một nghị sĩ Nga đã đề nghị quân đội Nga "đánh phủ đầu" Ukraine, nếu Washington đưa cho Kiev vũ khí sát thương. 
Giờ đây, khu vực Donbass lại giống như một quả bom nổ chậm mà bất cứ quyết định sai lầm nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm