Chiến lược “Khổ nhục kế” trong lịch sử quan hệ quốc phòng và quân sự

Và liền sau đó tòa nhà Pentagon (Lầu Năm Góc) tại Arlington (bang Virginia) - trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ, và cũng là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của nước Mỹ, nằm gần ngoại ô thủ đô Washington DC, đã bị phá hủy một phần sau vụ khủng bố tương tự.

Cả hai mục tiêu này đều bị hủy hoại, sau khi các máy bay dân dụng Boeing do những kẻ khủng bố liều chết chiếm đoạt điều khiển lao vào như những quả bom hẹn giờ với sức công phá cực lớn. Chiếc máy bay thứ tư đâm vào khu nhà bỏ hoang tại Sansvili (bang Pennsylvania) nên không gây tổn thất nào đáng kể. Cả thế giới thực sự ngỡ ngàng trước biến cố mang tính định mệnh này.

Chiến lược “Khổ nhục kế” trong lịch sử quan hệ quốc phòng và quân sự ảnh 1

Báo chí nước ngoài đã tốn quá nhiều giấy mực để viết về thời khắc kinh hoàng đó, nhưng đến nay còn có rất nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, thậm chí có thể chúng ta sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời đầy đủ và chính xác, trong đó có nghi vấn liệu đây có phải là một dạng thức của chiến lược "Khổ nhục kế" quân sự để khởi động cho Chiến tranh Iraq 2 năm sau đó hay không.

Chiến lược quân sự "Khổ nhục kế" trong lịch sử thế giới

Thuật ngữ "khổ nhục kế" được bắt nguồn từ những biến cố có thật trong dã sử, chỉ việc Việt vương (vua của 1 trong những nước Việt trong Bách Việt cổ) là Câu Tiễn vì thua trận mà đành nhận làm tôi tớ cho vua nước Ngô là Ngô Phù Sai để chờ thời cơ phục thù. Trong thời gian chấp nhận làm người trông coi tàu ngựa cho Ngô Phù Sai, Câu Tiễn đã từng phải hạ mình tới mức nhẫn nhục nhận nếm phân để giúp các lương y chẩn bệnh chính xác hơn cho Ngô Phù Sai.

Sau chuỗi ngày tủi hận đó, khi được tha về nước, dù vẫn giữ ngôi vị Việt vương, nhưng Câu Tiễn hàng ngày quyết tâm không ăn quá 2 món mỗi bữa, không mặc y phục quá 2 màu, và chỉ nằm ngủ trên đệm gai, cũng như nếm mật đắng để nung nấu hận cũ và nuôi chí báo thù, vì vậy mà còn có câu thành ngữ khác là "nếm mật, nằm gai". Chính vì vậy, "khổ nhục kế" được hiểu là sự hy sinh nhất định, với cá nhân đó có thể chỉ là tư cách hay phẩm giá, nhưng đối với quốc gia hay dân tộc thì đó thường là độc lập dân tộc hay toàn vẹn lãnh thổ…

Đến nay, nhiều người vẫn tin rằng ít nhất phải có ai đó trong giới lãnh đạo Mỹ đứng đằng sau vụ khủng bố này, tức là tội ác hoàn hảo này có thể đã được hoạch định nhằm các mục đích chính trị của ai đó. Nếu giả thuyết này là đúng, thì các nhà hoạch định chiến lược Mỹ trên thực tế cũng chưa sáng tạo ra điều gì mới mẻ cả. Lịch sử từng ghi nhận việc bạo chúa Nero (37 - 68), tên đầy đủ là Nero Claudia Caesar, người đã đích thân đốt thành Roma để vu khống những người Thiên chúa giáo, từ đó tạo cớ để đàn áp họ.

Nếu xem xét lại trong dã sử, các sử gia ngày xưa đã từng đưa ra nhiều giả thuyết về vụ cháy khủng khiếp của thành Roma (Great Fire of Rome) ngày 18-7-64 và kéo dài trong 5-6 ngày, thiêu rụi 3 trong 14 quận, 7 quận khác bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dã sử, bạo chúa Nero vẫn thản nhiên ngồi chơi đàn Lyre và hát bài "Sack of Ilium" tại toà tháp Maixenát trên đồi Exquilin Hin, trong khi kinh thành Rome cổ kính và hàng nghìn người dân đang chìm trong biển lửa.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1933 A. Hitler (1889 - 1945) đã tự thân tổ chức đốt Reichstag (toà nhà Quốc hội Đức) để kết tội các đối thủ chính trị của mình… Mới gần đây, sau 74 năm, ngày 10-1-2008 Tà án Tối cao Cộng hòa liên bang Đức đã đưa ra phán quyết thừa nhận có sự ngụy tạo do A. Hitler và H. Goering (1893 - 1946) dựng lên, và được Tòa án Quốc xã thừa nhận.

Và người Mỹ cũng không hề thua kém, họ cũng đã có nhiều "Khổ nhục kế" trong lịch sử hơn 300 năm lập quốc của nước Mỹ. Năm 1985, người dân Cuba nổi dậy chống lại sự cai trị hà khắc của Tây Ban Nha, người Mỹ một mặt ủng hộ người Cuba, mặt khác tìm cớ để can thiệp nhằm tranh giành quyền thống trị tại đất nước Cuba giàu tiềm năng và tìm kiếm lợi nhuận từ đảo quốc này.

Nhưng phải đến năm 1898, khi một tàu chiến Mỹ bị nổ tung tại cảng Havana, được coi là do Mỹ tạo dựng lên nhằm vu cáo việc Tây Ban Nha tiến công tàu chiến của Mỹ tại vịnh Havana, lấy đó là hành động tuyên chiến của Tây Ban Nha để có cớ bắt đầu chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chỉ kéo dài 4 tháng, Tây Ban Nha thua cuộc và phải nhường Cuba lại cho Mỹ, cũng như mất cả quyền cai trị các thuộc địa khác như Puerto Rico, Guam và Philippines.

Từ những năm 1830, Mỹ đã âm mưu xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Mexico. Năm 1846 đến năm 1948 chiến tranh nổ ra, kết quả là Mỹ sáp nhập vùng đất Texas thành một bang mới của nước Mỹ. Năm 1911, trùm báo chí Mỹ khi đó là Herst do lo sợ bị mất các điền trang tại Mexico nên đã mở chiến dịch tuyên truyền trên báo chí, bịa đặt việc Mexico chuẩn bị tiến công nước Mỹ, nhằm buộc nước Mỹ phải tuyên chiến với Mexico một lần nữa…

Trận Trân Châu Cảng - đỉnh cao của chiến lược "Khổ nhục kế"

Tuy nhiên, sự kiện đáng nhớ nhất trong khởi đầu chiến tranh lại là trận chiến thắng mang tên Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của Nhật Bản vào chủ nhật ngày 7-12-1941, khi Hải quân Nhật Bản dưới sự chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto (1884 - 1943), Tư lệnh Hạm đội liên hợp, đã bất ngờ thực hiện cuộc tiến công quá dễ dàng vào căn cứ Hải quân ở Trân Châu Cảng trên đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii.

Khoảng 360 lần chiếc máy bay chiến đấu, xuất phát từ 6 tàu sân bay của Nhật Bản, đã thực hành 2 đợt oanh kích mãnh liệt, trong lúc đó, và khoảng 60 lần chiếc máy bay khác làm nhiệm vụ bảo đảm. Nhờ đạt được yếu tố bất ngờ về chiến thuật và chiến dịch, giữ thế thượng phong trên không, làm chủ hoàn toàn bầu trời nên Nhật Bản đã khá dễ dàng trút bão lửa xuống hòn đảo nhỏ giữa đại dương.

Kết quả là Hải quân Mỹ bị thiệt hại rất nghiêm trọng: 4 thiết giáp hạm (loại tàu chiến lớn, chỉ đứng sau tàu sân bay) bị đánh chìm, 4 chiếc khác bị hư hỏng nặng, 3 tuần dương, 3 khu trục và 1 tàu thả mìn bị loại khỏi vòng chiến, 188 máy bay bị phá hủy ngay tại sân bay, 2.402 người chết và 1.282 người bị thương. Ngược lại, Nhật Bản chịu tổn thất rất nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm mini, với 65 người chết và bị thương.

Ngày nay, có nhiều nguồn tin cho rằng có thể giới lãnh đạo chính trị và quân sự của nước Mỹ đã biết trước điều này, nói cách khác là Nhật Bản chỉ đạt được yếu tố bất ngờ về chiến thuật và chiến dịch, nhưng không đạt được yếu tố bất ngờ về chiến lược.

Dường như thông tin về quá trình chuẩn bị của Nhật Bản cho Chiến dịch Hawaii (mật danh do Bộ Tổng hành dinh Nhật Bản đặt là "Chiến dịch Z") đã bị lộ từ nhiều tháng trước, cho nên ngay sát cuộc tiến công Mỹ đã kịp thời điều chuyển các tàu sân bay thiện chiến, nhiều tàu tuần dương và tàu khu trục khá hiện đại cùng các tàu ngầm ra khỏi khu vực Trân Châu Cảng, chỉ để lại các thiết giáp hạm tuy rất to lớn nhưng khá vô dụng vì đã quá già cỗi và nặng nề. Các tàu thiết giáp hạm đang được neo đậu tại cảng, trong vùng nước nông nên việc cứu vớt người cũng như trục vớt tàu chìm khá dễ dàng.

Sau thất bại này, nước Mỹ đã trục vớt 2 chiếc bị chìm, sửa chữa lại và phục hồi sức chiến đấu của 4 chiếc bị thương khác, tổng cộng đưa 6 tàu thiết giáp hạm vào tham chiến. Nhưng do quá già cỗi và chậm chạp, chúng chỉ có thể tham gia vào các chiến dịch bắn phá các khu vực ven biển, phải nhường chiến trường chủ yếu trên biển cho các lực lượng chủ chốt của Hải quân là tàu sân bay và tàu ngầm.

Người ta còn nhận thấy rằng, việc một đoàn tàu chiến rất lớn (kích thước hợp hình kéo dài nhiều kilômét), trong hành trình rất dài ngày trên đại dương trống trải (xuất phát ngày 26-11-1941 từ Nhật Bản, tới Hawaii ngày 7-12-1941) mà không bị Hải quân và Không quân Mỹ phát hiện ra cũng là điều khó xảy ra. Ngoài ra, rất nhiều mục tiêu quan trọng khác trên bộ của Hải quân Mỹ hoàn toàn không bị tiến công như sở chỉ huy, trạm phát điện, các nhà xưởng sửa chữa, kho tàng và các cầu cảng tàu ngầm.

Chiến lược “Khổ nhục kế” trong lịch sử quan hệ quốc phòng và quân sự ảnh 2

Theo Đô đốc Chester Nimitz, người sau này trở thành Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nếu các cơ sở này bị tiến công thì có thể Mỹ sẽ phải mất tới 2 năm để chuẩn bị cho việc tham chiến.

Lý do phải "hy sinh" Trân Châu Cảng nằm trong toan tính địa chính trị của giới lãnh đạo, bản chất vấn đề khá đơn giản, vì nhân dân Mỹ không muốn dính líu và đổ máu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi nước Mỹ hầu như chưa bị đe dọa vì chiến sự đang diễn ra bên kia đại dương mênh mông - châu Âu chống nước Đức quốc xã bên kia Đại Tây Dương, còn nước Nhật Bản đang tìm cách xâm lược các nước Đông Á cũng cách xa Mỹ bởi Thái Bình Dương. Trên thực tế, chiến sự dường như không liên quan trực tiếp tới bản thân họ, và họ cho rằng việc nước Mỹ chỉ cần ra tay trợ giúp các đồng minh ở phương Tây là đã là quá đủ rồi.

Trong khi đó, giới cầm quyền chính trị và quân sự cùng các tập đoàn kinh tế và tài chính Mỹ, duới sự lãnh đạo của Tổng thống F. Roosevelt (1882 - 1945), lại muốn tham gia để hưởng lợi nhờ phân chia lại thế giới và phạm vi ảnh hưởng trong không gian hậu chiến. Đến thời điểm năm 1941, nước Mỹ tuy có nền kinh tế đang trỗi dậy, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên trong nước, chưa có thuộc địa hay các vùng ảnh hưởng riêng của mình. Vị thế của nước Mỹ khi đó được đánh giá như chiếc áo tuy rất đẹp, nhưng đã trở nên quá chật đối với một cơ thể đang lớn lên từng ngày.

Khi Nhật Bản bắt đầu mở rộng sự hiện diện tại Đông Á, khởi đầu bằng việc chiếm vùng Mãn Châu Lý và một số khu vực khác của Trung Quốc năm 1937, sau đó là chiếm Đông Dương thuộc địa của Pháp năm 1940, tiếp tục duy trì quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên, và chuẩn bị xâm lược các vùng thuộc địa của Anh và Hà Lan như Malaysia và Indonesia, điều này đã làm nước Mỹ phải cảnh giác. Để kiềm chế tham vọng của Nhật Bản, Mỹ đã từng bước hạn chế tiềm năng kinh tế và quân sự của Nhật Bản.

Năm 1940, dựa vào Dự luật Kiểm soát xuất khẩu (Export Control Act), Mỹ bắt đầu bằng việc hạn chế xuất khẩu máy bay, máy công cụ, thiết bị phụ tùng và nhiên liệu máy bay cho Nhật Bản, nhưng vẫn cung cấp dầu mỏ vì lợi nhuận quá lớn, vả lại họ cũng chưa muốn làm Nhật Bản phật ý.

Đến giữa năm 1941, Mỹ mới mở rộng sang cấm vận việc xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật Bản, với lý do tiêu thụ trong thị trường nội địa gia tăng quá nhanh. Đồng thời với biện pháp cấm vận kinh tế, Mỹ di chuyển Hạm đội Thái Bình Dương tới Hawaii, chuẩn bị xây dựng căn cứ Hải quân mới tại Philippines.

Trước áp lực cần có nguồn nguyên liệu và nhiên liệu cho nhu cầu chiến tranh, Nhật Bản đẩy nhanh quá trình đánh chiếm bán đảo Malaysia, đồng thời tìm cách hạn chế khả năng của Mỹ (chủ yếu là bằng sức mạnh của Hải quân) can thiệp vào ý đồ của họ. Đòn tiến công phủ đầu của Nhật Bản đã thay đổi nhanh chóng cục diện chiến cuộc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Đại tá-PGS-TS Đỗ Minh Thái (Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân)

(ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm