Chiến lược của Anh nhìn từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth

Theo tờ South China Morning Post, sau khi được đưa vào hoạt động chính thức, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ thay thế tàu đổ bộ tấn công HMS Albion trở thành tàu chủ lực của Hải quân Hoàng gia Anh. Đây cũng là tàu sân bay đầu tiên trong 10 năm gần đây của nước này. 

Trong một tuyên bố hồi tháng 2-2019, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định ông HMS Queen Elizabeth sẽ thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương mang theo nhiều chiến đấu cơ F-35. Ông cho biết đây là một phần của kế hoạch củng cố vai trò của quân đội Anh trong hình ảnh một "nước Anh toàn cầu". 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth chạy thử trên ngoài khơi Scotland. Ảnh: UK ROYAL NAVY

Tuyên bố của cựu Bộ trưởng Williamson lập tức gây loạt căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh nhiều khả năng đã diễn giải phát ngôn của ông Willamson rằng Anh sẽ can dự vào các tranh chấp trên biển Đông, một viễn cảnh mà nước này hoàn toàn không mong muốn. Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng việc huỷ chuyến thăm Bắc Kinh của cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 2-2019, đồng thời cáo buộc Bộ Quốc phòng Anh mang "não trạng chiến tranh".  

"Trong kỷ nguyên mà chiến tranh nóng hay lạnh đều đã lùi xa, việc chính trị gia này (cựu Bộ trưởng Gavin Williamson) đang hồi sinh chiến tranh lạnh và kiểu ngoại giao pháo hạm sẽ làm tổn hại đến quan hệ hai nước", đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh chỉ trích trên một bài viết cho tờ The Guardian.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng trên cuối cùng đã không thể trở thành hiện thực khi ông Williamson bị sa thải hồi tháng 5 trong vụ rò rỉ thông tin về việc cấp quyền hạn chế cho Huawei để xây dưng mạng 5G tại Anh.

Hiện tại, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Anh đang được ông Ben Wallace đảm nhiệm. Lập trường của Bộ trưởng Wallace vẫn còn là một ẩn số, song một điều có thể chắc chắn là ông sẽ thiên vị lực lượng Lục quân hơn so với Hải quân, do ông từng là một thành viên của trung đoàn Scots Guards thuộc Lục quân, theo đánh giá của South China Morning Post. Đường lối của ngoại giao của tân Thủ tướng Boris Johnson cũng đang nằm trong vòng mơ hồ. 

Với thời hạn ngày 31-10 để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ở ngay trước mắt, dự kiến mọi nỗ lực của chính phủ mới sẽ dành cho vấn đề này. Tuy nhiên, một khi London quyết định rời khỏi EU, Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng thay thế của Anh. Chính quyền Bắc Kinh sẽ muốn một lời trấn an về hành trình sắp tới của HMS Queen Elizabeth.

South China Moring Post cho rằng trong hai năm để tàu sân bay sân bay chủ lực của London chuẩn bị, bối cảnh chính trị thế giới cũng như của Anh sau khi rời EU sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Do vậy, rất khó để xác định liệu Thái Bình Dương có còn là điểm đến đầu tiên của HMS Queen Elizabeth như ban đầu hay không.

Sau vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh hôm 19-7, vùng Vịnh đang trở thành một điểm nóng xung đột khác mà London cần chú ý. 

Vụ việc cũng đã bộc lộ điểm yếu lớn nhất hiện tại của Hải quân Anh: Thiếu nguồn lực và ngân sách sau nhiều năm bị cắt giảm.

"Kể từ năm 2015 tôi đã nhiều lần bảo chính quyền London rằng họ không có đủ tàu để bảo vệ 60% vùng biển của Anh ngoài khơi Scotland. Họ không có đủ số lượng tàu chiến ở đây để bảo vệ chúng ta, thì nói gì đến eo biển Hormuz", nghị sĩ Douglas Chapman thuộc đảng Quốc gia Scotland bày tỏ trên trang Twitter chính thức. 

Trong một báo cáo về quan hệ Anh-Trung Quốc hồi tháng 4-2019, Uỷ ban đối Ngoại Nghị viện Anh chỉ trích chính quyền cựu Thủ tướng Theresa May đã không có xác định rõ chiến lược cụ thể khi tham gia các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông. Uỷ ban này nhấn mạnh mục đích sự hiện diện của Hải quân Hoàng gia phải nhằm mục đích bảo đảm và thượng tôn luật pháp quốc tế

Khinh hạm  HMS Argyle của Anh cùng hai tàu sân bay trực thăng Kaga và khu trục hạm Inazuma của Nhật Bản trên đường đến biển Đông trong một cuộc tập trận năm 2018. Ảnh: AP

"Chúng tôi tin rằng việc sử dụng quyền tự do hàng hải để thể hiện sức mạnh quân sự hay vai trò trên toàn cầu của Anh là một sai lầm. Điều đó sẽ khiến Anh bị cáo buộc là hiếu chiến hoặc cố gắng quân sự hoá khu vực này, làm ảnh hưởng đến những nguyên tắc pháp lý mà chúng ta đang ra sức bảo vệ.", báo cáo cho biết, đồng thời khẳng định đó không phải là cách để gửi thông điệp đến Trung Quốc. 

Nhiều chuyên gia tỏ ý đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Đối ngoại Nghị viện Anh. Biên tập viên Peter Felstead của tạp san quân sự Jane’s Defence Weekly  cho rằng một tàu sân bay sẽ không phù hợp cho vai trò bảo đảm tự do hàng hải phối hợp với các quốc gia trong khu vực do loại tàu này cần nhiều tàu khác đi kèm để hỗ trợ và bảo vệ. Theo ông, một khinh hạm sẽ là một lựa chọn khả dĩ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.