Chiến dịch bạo lực đẫm máu trỗi dậy ở Indonesia

Trong những tháng gần đây, các tay súng thánh chiến ngày càng nhắm đến các mục tiêu trong nước.

Giới phân tích an ninh ghi nhận vụ tấn công ở thủ đô Jakarta hôm 14-1 báo hiệu một chiến dịch bạo lực đẫm máu đã được khôi phục nhằm chống lại biểu tượng của phương Tây.

Báo New York Timesdẫn lời chuyên gia Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích xung đột ở Jakarta, nhận định: “Trong sáu tháng qua, chúng ta đã nhìn thấy hoạt động âm mưu bạo lực ở Indonesia gia tăng đột biến. Không có kế hoạch nào là phản ứng với chính trị nội địa”. Bà ghi nhận điều này chứng tỏ các nhóm thánh chiến vẫn sống khỏe ở Indonesia và sẵn sàng thực hiện kế hoạch của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Một trong những địa điểm bị tấn công ở Jakarta hôm 14-1 là một cửa hàng Starbucks. Theo chuyên gia Sidney Jones, nếu đây là mục tiêu cố ý thì đó sẽ là vụ tấn công đầu tiên vào một biểu tượng phương Tây ở Indonesia từ sau vụ tấn công hai khách sạn ở Jakarta hồi năm 2009 (chín người thiệt mạng).

Hai tháng gần đây, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ hàng chục nghi can chiến binh thánh chiến. Với hơn 250 triệu dân, Indonesia là quốc gia có đông người theo Hồi giáo nhất thế giới nhưng cũng có truyền thống khoan dung với các tín ngưỡng khác. Chỉ một bộ phận rất nhỏ bị cực đoan hóa.

Dù vậy, trong những năm gần đây, Indonesia chật vật đối phó với căng thẳng gia tăng giữa các nhóm ôn hòa và cứng rắn. Một số chủ trương hòa bình nhưng các tay súng khác lại cố áp đặt một kiểu diễn dịch Hồi giáo hà khắc.

Cánh Hồi giáo chủ trương bạo lực ở Indonesia gồm ít nhất ba nhóm ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng gồm Ansharut Daulah Islamiyah (tự nhận là cơ cấu chính của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Indonesia), Chiến binh Đông Indonesia ở Poso và nhóm ở miền Trung Java được xem là nhận chỉ thị trực tiếp từ một thành viên người Indonesia của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Indonesia còn là quê nhà của Jemaah Islamiyah, tổ chức vừa được gầy dựng lại và bị quy trách nhiệm đứng sau hàng loạt vụ khủng bố kinh hoàng ở Indonesia.

Các đòn tấn công đều nhắm đến các mục tiêu phương Tây, nhà thờ và các nhóm Hồi giáo không chính thống, gây lo ngại cho cơ quan an ninh Indonesia trong 15 năm qua. Nghiêm trọng nhất là các vụ đánh bom trên đảo Bali hồi năm 2002 làm 202 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cảnh báo trên tờ Temporằng sau vụ tấn công kinh hoàng ở thủ đô Jakarta ngày 14-1, đảo du lịch Bali thu hút đông đảo du khách phương Tây có thể là mục tiêu kế tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm