Cameron cười, Liên minh châu Âu nhăn nhó

Lập tức Ủy ban châu Âu tuyên bố giới hạn cuối cùng Anh không thể đàm phán là bốn quyền tự do cơ bản về tự do lưu thông con người, tài sản, vốn và dịch vụ trong EU.

Thủ tướng Cameron đã từng tuyên bố Anh chỉ nên ở lại EU khi EU thay đổi cơ bản các vấn đề như kiểm soát người nhập cư lậu vào EU và bảo vệ lợi ích của Anh. Dù vậy, như báo Le Monde (Pháp) ghi nhận, yêu cầu của Anh sẽ không được EU đáp ứng bởi đi ngược với nguyên tắc tự do đi lại và cư trú của EU. Đức và Pháp thẳng thừng tuyên bố không thể vì yêu cầu của Anh mà thay đổi các hiệp ước đã ký kết.

GS Sara B. Hobolt ở Trường Kinh tế London (Anh) phân tích thật ra cá nhân Thủ tướng Cameron không ủng hộ Anh rời khỏi EU. Tháng 10-2011, 87 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã từng đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit. Lúc đó ông đã từ chối. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, ông đã phải nhượng bộ khi Đảng Vì độc lập Anh ngày càng thu hút cử tri.

Khu tài chính ở London đặc biệt phản đối kịch bản Brexit. Trong chiến dịch tranh cử, ông Cameron đã hạn chế tối đa nhắc đến kịch bản Brexit để khỏi làm mếch lòng các doanh nghiệp. Tỉ phú Richard Branson (Tập đoàn Virgin), ông chủ Martin Sorrell (Tập đoàn WPP) và Chủ tịch John Allan (chuỗi siêu thị Tesco) đều lo ngại Anh sẽ rời khỏi EU.

Đối với EU, kịch bản Anh rời khỏi EU đã trở thành nỗi ám ảnh. Anh vốn là cường quốc kinh tế thứ hai trong EU và là một trong các cường quốc quân sự lớn của EU.

Ông Denis MacShane (Công đảng Anh),nguyên Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu ở Anh, giải thích thảm họa sẽ xảy ra nếu tiến hành giải pháp Brexit. Anh sẽ phân rã vì nếu Anh muốn rời EU thì Scotland sẽ bỏ phiếu ở lại EU. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đắn đo hơn một khi Anh không còn là cổng vào EU nữa (EU tiêu thụ 50% hàng xuất khẩu Anh). Nước Anh cũng phải mất nhiều năm để sửa đổi pháp luật EU.

Riêng đối với EU, đa số các nước EU đều ủng hộ Anh ở lại EU. Đặc biệt các nước Bắc Âu xem Anh như thành trì bảo vệ chủ nghĩa tự do kinh tế mà các nước Nam Âu thường hay phản đối. EU sẽ ra sao khi bên sườn Đông là nước Nga vốn đã bất đồng với EU vì xung đột Ukraine, còn bên cánh Tây là một nước Anh không còn ưu ái EU nữa.

Nội bộ EU mất Anh sẽ trở nên mất cân đối và Đức sẽ giữ vai trò bá chủ. Cuối cùng là các đảng theo xu hướng phản đối EU ở Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Đức sẽ nhân cơ hội để đòi tổ chức trưng cầu ý dân về giải pháp rời khỏi EU. Khi phản ứng dây chuyền xảy ra, tình hình sẽ trở nên khó lường!

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm