Các hướng tiếp cận có thể của Việt Nam với Triều Tiên

Nếu lạc quan về quan hệ Mỹ-Triều sắp tới - hai nước này bước vào quá trình xóa thù thành bạn, bình thường hóa quan hệ - thì ngoài việc đóng vai trò trung gian và nỗ lực hòa giải, VN cần nhắm tới những khả năng hợp tác với Triều Tiên trong tương lai.

VN đặc biệt có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận thị trường còn nhiều tiềm năng của nước này về các lĩnh vực như viễn thông hay sản xuất hàng tiêu dùng. Một ví dụ là việc Triều Tiên hiện có nhu cầu phát triển dịch vụ di động, Internet và viễn thông rất lớn, vì vậy các tập đoàn với nhiều kinh nghiệm xây dựng hạ tầng viễn thông cho các quốc gia đang phát triển của VN sẽ có rất nhiều lợi thế tại thị trường này. Triều Tiên là nước có trữ lượng khoáng sản và tiềm năng khai thác hải sản lớn nhưng lại yếu về sản xuất nông sản, quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu cũng sẽ là một hướng mà VN có thể đẩy mạnh với Triều Tiên. Ví dụ VN có thể gia tăng nhập khẩu than, khoáng sản hay hải sản từ Triều Tiên và đổi lại, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong dài hạn, VN cần xem xét đến việc biến hợp tác kinh tế với Triều Tiên trở thành một cấu phần của hợp tác kinh tế chung với bán đảo Triều Tiên vì hiện Hàn Quốc đã có quan hệ thương mại rất tốt với VN, vì vậy việc mở rộng quan hệ này sang một quốc gia gần gũi về mặt địa lý và có nhiều điểm tương đồng về mặt dân cư với Hàn Quốc là Triều Tiên là một việc hết sức cần thiết. Đây là nước đi VN cần tính tới vì chắc chắn nếu quan hệ kinh tế hai miền được khôi phục, các công ty Hàn Quốc sẽ chuyển bớt đầu tư lắp ráp, sản xuất ở nước ngoài, trong đó VN đang là nước nhận được nhiều đầu tư nhất về quốc gia láng giềng Triều Tiên. Do vậy, để tránh phải cạnh tranh với Triều Tiên trong việc giành lấy các nguồn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản (một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Triều Tiên giai đoạn đầu thập niên 1990), VN cần linh hoạt phối hợp với Triều Tiên để giúp cả hai nước có chỗ đứng trong chuỗi sản xuất, cung ứng của các công ty lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về mặt chính sách kinh tế, về trung hạn VN có thể chia sẻ với Triều Tiên các bài học về thu hút vốn đầu tư, quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là bài học Triều Tiên đang rất muốn áp dụng, nhất là khi VN đang được coi là trọng điểm đầu tư của cả Hàn Quốc và Nhật Bản với nhiều cơ sở sản xuất có quy mô hàng đầu khu vực của Samsung, Canon. Về dài hạn, Chính phủ VN nên tích cực chia sẻ các bài học về cải cách kinh tế, mở cửa xã hội, bởi nếu thực sự ông Kim Jong-un hay những người liên quan có thể thành công trong việc triển khai chính sách cải tổ theo mô hình VN, không chỉ người dân Triều Tiên sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống mà khu vực Đông Bắc Á và châu Á-Thái Bình Dương nói chung sẽ có thêm một thành viên chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, ổn định khu vực. Nếu kịch bản này thực sự thành hiện thực thì đây sẽ trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của VN trên trường quốc tế trong thế kỷ mới.

Cuối cùng, cần phải khẳng định rằng tuy bị quốc tế chỉ trích trên một số góc độ nhưng chương trình hạt nhân, tên lửa và một số kết quả khác về khoa học kỹ thuật cho thấy Triều Tiên đã chứng tỏ năng lực khoa học kỹ thuật của nước này. Vì vậy, hợp tác về khoa học-công nghệ và giáo dục cũng là một hướng khác mà VN cần khai thác trong quan hệ với Triều Tiên. Tất nhiên, chúng ta luôn phải đảm bảo các hợp tác dạng này phải nằm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quốc tế và các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, ĐH Harvard (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm