Bê bối trên chính trường Ireland

Điều đáng nói là nguyên nhân việc từ chức của ông Peter  Robinson lại xuất phát từ vụ ngoại tình của bà Iris Robinson. Và những bê bối trên chính trường Ireland lại được dư luận nhắc tới.

Tuyển “phi công trẻ”

Theo giới truyền thông, tuy đã gần 60 tuổi, nhưng bà Iris Robinson vẫn “tuyển được chàng phi công mới 19 tuổi” và vụ ngoại tình của vợ lãnh đạo Đảng DUP lập tức được dư luận khai thác triệt để.

Bê bối trên chính trường Ireland ảnh 1

Gia đình ông bà Robinson

Không những là vợ Thủ hiến Bắc Ireland, bà Iris Robinson còn là một nhà chính trị nổi tiếng của nước này, do đó phe đối lập muốn ông Peter Robinson phải trả lời rõ số tiền trị giá 80.000 USD.

80.000 USD là khoản tiền bà Iris Robinson cho người tình Kirk McCambley “vay” để mở quán cafe Lock Keepers Inn ở Belfast, nhưng đó lại là số tiền của Hội đồng chính quyền địa phương nơi vợ lãnh đạo đảng DUP đang làm việc. Vì sử dụng tiền công quỹ vào mục đích cá nhân nên bà Iris Robinson đã phải từ chức (nghị sĩ Quốc hội Bắc Ireland và nghị sĩ Quốc hội Liên hiệp Anh).

Bà Iris Robinson cũng đã công khai xin lỗi, đồng thời cầu xin chồng và dư luận tha thứ cho dù từng muốn tự tử hồi tháng 3-2009 vì cảm thấy có lỗi trong việc này.

“Phi công trẻ” Kirk McCambley cũng thừa nhận, đã gian díu với bà Iris Robinson sau khi bố cậu chết hồi đầu năm 2008. Trong tuyên bố từ chức, ông Peter Robinson cho biết sẽ trả lời câu hỏi về vụ ngoại tình của vợ, cũng như khoản tiền kể trên.

Giới truyền thông cho biết bà Iris Robinson đã nhận 80.000USD từ hai nhà đầu tư bất động sản. Ông Peter Robinson khẳng định, đã yêu cầu vợ trả lại số tiền này. Quốc hội Bắc Ireland sẽ điều tra vụ bê bối tài chính của vợ chồng Thủ hiến Bắc Ireland.

Bê bối tài chính  của cựu thủ tướng và chủ tịch Quốc hội

Cách đây hơn 2 năm, Thủ tướng Bertie Ahern từng phải ra đối chất trước tòa về những cáo buộc tham nhũng thời ông đảm trách ghế Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng trong những năm đầu 1990.

 Theo giới truyền thông, ông Bertie Ahern buộc phải đối chất trước tòa án chống tham nhũng Mahon Tribunal (được thành lập năm 1997) sau khi có những cáo buộc về việc các nhà đầu cơ bất động sản thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh đất tái quy hoạch.

Thủ tướng Bertie Ahern cũng phải trả lời về số tài sản cá nhân, cùng khoản tiền mặt trị giá 30.000 Bảng Anh (khoảng 60.000 USD) nhận từ doanh nhân Micheal Wall ở Manchester. Lần đầu tiên ông Bertie Ahern bị dư luận nhắc tới bê bối là vào năm 2006.

Tuy thừa nhận đã đưa ra một số quyết định sai lầm, nhưng bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ hoặc che giấu khối tài sản khổng lồ của mình. Khi đó dư luận khẳng định, vụ bê bối của ông Bertie Ahern là lớn nhất sau những rắc rối chính trị dưới thời người tiền nhiệm Charles Haughey.

Năm 2003, cựu Thủ tướng Charles Haughey từng phải đóng thuế và nộp tiền phạt sau khi bị tố cáo tư lợi hơn 10 triệu Euro. Ông Charles Haughey còn bị cáo buộc lợi dụng quyền lợi để sở hữu một du thuyền và một tòa lâu đài được xây dựng từ thế kỉ 18 khi đương nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội John O’Donoghue buộc phải từ chức vào tháng 10-2009 sau khi phe đối lập liên tiếp gây sức ép xung quanh vụ lạm dụng công quỹ. Lãnh đạo Công đảng Eamon Gilmore từng tuyên bố, ông John O’Donoghue phải từ chức hoặc bị đuổi khỏi văn phòng!

Ông John O’Donoghue chấp nhận từ chức để khỏi phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi bị giới truyền thông công bố các khoản chi tiêu trong những chuyến du lịch nước ngoài của mình.

Ông John O’Donoghue bị cáo buộc chi hơn 130.000 USD tiền công quỹ cho các chuyến du lịch nước ngoài kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội năm 2007 và hơn 736.000 USD khi làm Bộ trưởng Du lịch trong giai đoạn 2002-2007.

Ngoài ra, ông John O’Donoghue còn bị tố cáo sử dụng một chiếc Limousine để tới sân bay Heathrow và nghỉ tại căn phòng với giá hơn 1.300 USD/đêm ở Pháp. Ông John O’Donoghue là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử cơ quan lập pháp Ireland phải từ chức.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn từ chức, ông John O’Donoghue vẫn khẳng định, những khoản chi phí kể trên đều vì mục đích công và được thực hiện dựa theo các quy định chung.

Giới truyền thông đưa tin, trong tháng 5-2006, ông John O’Donoghue đã sử dụng máy bay công để cùng vợ thực hiện chuyến du lịch nước ngoài kéo dài 6 ngày (tới Liên hoan phim Cannes, dự lễ khai trương văn phòng mới của một công ty, xem đấu bóng bầu dục của giải Heineken Cup, tham dự chương trình khuyến mại của giải golf Ryder Cup trước khi trở về Dublin, Ireland) với tổng chi phí lên tới hơn 47.000 USD.

Cách đây không lâu, Quốc hội Ireland cũng từng xem xét lại những quy định về hành xử sau khi Nghị sĩ Paul Gogarty thuộc Đảng Xanh chửi bậy tại cuộc thảo luận về ngân sách.

Theo Lê Cao Sơn (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm