Bất đồng Mỹ-Trung trong chuyến công du của bà Hillary Clinton

“Không có đột phá nào trong chuyến thăm của bà Clinton ở Trung Quốc”, “Chuyến thăm của bà Clinton bộc lộ hàng loạt bất đồng”để mô tả những khó khăn của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong việc thuyết phục Trung Quốc đồng thuận trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông và vấn đề Syria.

Bài viết trên báo Christian Science Monitor nhận định thông qua chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Mỹ muốn thuyết phục Trung Quốc phải trở thành một cường quốc có trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn cho khu vực và quốc tế, đồng thời trấn an Trung Quốc về chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ.

Chuyên gia về an ninh Trung Quốc Dean Cheng ở Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản (Mỹ) nhận định lợi ích của Trung Quốc và mục tiêu của Mỹ không tương đồng với nhau trong hai vấn đề biển Đông và Syria.

Về vấn đề biển Đông, Ngoại trưởng Hillary Clinton ủng hộ giải pháp ngoại giao đa phương để giải quyết tranh chấp, bắt đầu với việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Trong khi đó thì Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm ngược lại.

Theo chuyên gia Dean Cheng, Trung Quốc đang trở thành cường quốc về quân sự và kinh tế của khu vực, do đó Trung Quốc muốn bám lấy giải pháp giải quyết tranh chấp qua đàm phán trực tiếp với nước có liên quan nhằm tận dụng ưu thế của một nước lớn. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang hưởng lợi từ tình hình chia rẽ trong nội bộ các nước ASEAN về vấn đề tranh chấp biển Đông.

Trên báo New York Times, ông Vũ Tân Bá, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, nhận định Mỹ đang lo ngại Trung Quốc bành trướng hải quân ra biển Đông, do đó Mỹ muốn thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng hoàn tất COC với ASEAN.

Báo Wall Street Journalnhận định Mỹ không chờ đợi sẽ có bước đột phá về ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trong chuyến công du Trung Quốc của bà Hillary Clinton. Giới chuyên gia chính trị và các nhà ngoại giao nhìn nhận chuyến công du này nhằm mục đích mở đường cho Mỹ và một số nước tranh chấp ở biển Đông thảo luận về vấn đề tranh chấp biển Đông thuận lợi hơn tại hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới ở Campuchia.

Về vấn đề Syria, tại cuộc họp báo ngày 5-9, trong lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ thất vọng về việc Trung Quốc liên tục phủ quyết các dự thảo nghị quyết về Syria thì ông Dương Khiết Trì vẫn khẳng định quan điểm phản đối bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

Báo Christian Science Monitor đã nêu ý kiến của nhiều chuyên gia nhận thấy trước sức ép của cộng đồng quốc tế mà Trung Quốc vẫn bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là điều khá khó hiểu bởi Trung Quốc không liên quan nhiều đến lợi ích địa-chính trị ở Syria như Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Dean Cheng đã đưa ra câu trả lời giải thích điều khó hiểu này. Chính phủ Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ diễn biến phong trào Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là cuộc nổi dậy biến thành nội chiến ở Syria do bất mãn xã hội và bất mãn bộ máy cầm quyền. Do vậy, chính phủ Trung Quốc rất lo ngại một cuộc biến động xã hội lớn sẽ diễn ra ở Trung Quốc sao chép từ tình hình Syria, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm này.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm