Bà Suu Kyi khó vượt được kiềm tỏa của quân đội

Sự phấn khích từ chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã dần dịu xuống. Giờ thì chính phủ dân sự Myanmar đang đối mặt với hàng loạt thực tế khó khăn, báo The Sydney Morning Herald (Úc) ngày 2-4 dẫn lời nhà phân tích và bình luận chính trị Larry Jagan.

Nhà phân tích Larry Jagan cho rằng những lựa chọn của bà Aung San Suu Kyi cho các vị trí bộ trưởng chính phủ mới không mang lại cảm giác tin tưởng. “Họ đều đã trên 60, tên tuổi chưa từng được biết đến trước đây, hạn chế về kinh nghiệm quản lý, tuy nhiên không nghi ngờ gì họ sẽ tuân thủ chỉ đạo của bà Suu Kyi”.

Nhà phân tích Larry Jagan nhận định các thành viên chính phủ mới sẽ không dễ chấp nhận các thay đổi về chính sách, tuy nhiên họ sẽ không phải là nhân tố đe dọa đến con thuyền bà Suu Kyi đang lèo lái.

Khó thỏa hiệp

Thế nhân tố đe dọa là ai? Theo nhà phân tích độc lập Myanmar Win Min, cuộc chuyển giao quyền lực nhìn chung đã diễn ra thành công nhưng nó có dẫn đến một nền dân chủ thật sự cho Myanmar trong tương lai và về lâu dài hay không thì còn phải chờ thời gian.

Để đạt được điều đó thì cần thiết bà Suu Kyi phải có được mối quan hệ hữu hảo, tốt đẹp với nhân vật quyền lực nhất quân đội Myanmar, Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing.

Điều này có vẻ khó khi vài ngày trước Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing nói rõ rằng ông sẽ không làm việc trực tiếp với bà Suu Kyi, mà chỉ làm việc với tổng thống.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tuyên bố sẽ không làm việc trực tiếp với bà Suu Kyi. (Ảnh: AP)

Quân đội nhất định không đồng ý sửa đổi Hiến pháp, quyết ngăn bà Suu Kyi đến với ghế tổng thống. Quân đội nắm 1/4 số ghế trong Quốc hội. Quân đội giữ bốn vị trí bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới về quốc phòng và an ninh.

Một phó tổng thống là tướng quân đội nổi tiếng cứng rắn. Và chỉ vài ngày trước khi chính phủ dân sự tuyên thệ nhậm chức quân đội ra tuyên bố vẫn sẽ kiểm soát đất nước.

“Quân đội phải giữ vai trò hàng đầu trong hệ thống chính trị quốc gia, thể theo lịch sử và trong giai đoạn nhạy cảm và quyết định của đất nước. Nếu không có luật lệ và vũ trang, sự dân chủ này có thể rơi vào hỗn loạn” - Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố trước 10.000 quân duyệt binh ở thủ đô Naypyitaw.

Và theo Hiến pháp, Tổng Tư lệnh quân đội có quyền lên điều hành đất nước khi đất nước rơi vào khủng hoảng.

Bất đồng dữ dội

Chuyên gia Melissa Crouch tại ĐH New South Wales (Úc) hiện đang nghiên cứu vấn đề thay đổi Hiến pháp Myanmar nhận định sự ổn định của chính phủ dân sự của bà Suu Kyi tùy thuộc vào thái độ của chính phủ với vai trò của quân đội.

“Miễn chính phủ thuyết phục được quân đội về sự trung thành của mình và tỏ rõ mình không phải là mối đe doạ đối với quyền lực của quân đội thì quân đội sẽ để yên cho chính phủ”.

Điều này có vẻ mong manh khi không lâu sau khi nhậm chức tổng thống, ông Htin Kyaw tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp hiện nay do quân đội soạn thảo nhằm đáp ứng “các tiêu chuẩn dân chủ”. Đây rõ ràng ám chỉ đến nỗ lực đưa bà Suu Kyi đến vị trí tổng thống. Theo Hiến pháp, bà Suu Kyi không được làm tổng thống vì có chồng là người Anh và hai con trai bà đang ở Anh.

Tổng thống mới Myanmar Htin Kyaw sẽ trung thành với bà Suu Kyi. (Ảnh: AP)

Quân đội và chính phủ mới đã có bất đồng nghiêm trọng chỉ một ngày sau khi chính phủ mới nhậm chức.  Đảng NLD đã đề xuất lên Quốc hội một dự luật cho phép bà Suu Kyi nhận chức vụ cố vấn quốc gia, một chức vụ có quyền lực rất lớn với cả chính phủ và Quốc hội.

Theo đó bà Suu Kyi có quyền yêu cầu Quốc hội nhóm họp khi cần thiết, đồng thời có thể tham gia tất cả vấn đề chủ chốt của chính phủ, điều phối các bộ trưởng và có thể gặp bất kỳ ai bà thấy cần thiết.

Các nghị sĩ quân đội phản đối dữ dội, cho là vi hiến, yêu cầu chuyển dự luật cho Tòa án Hiến pháp quyết định. Tuy nhiên, dự luật vẫn qua được cửa Thượng viện và sẽ được Hạ viện xem xét vào ngày 4-4.

Bà Suu Kyi khó mà “cao hơn cả tổng thống”

Dự luật này minh họa cho tuyên bố của bà Suu Kyi sau khi đảng NLD của chiến thắng tại cuộc bầu cử năm ngoái, rằng dù Hiến pháp có ngăn cản bà giữ chức tổng thống thì bà rồi cũng sẽ có quyền lực cao hơn tổng thống.

Bà Suu Kyi là phụ nữ duy nhất trong hàng ngũ bộ trưởng trong chính phủ mới và giữ tới bốn trong 12 vị trí bộ trưởng. Chuyên gia về Myanmar Bertil Lintner cho rằng sẽ rất khó để bà Suu Kyi có thể điều hành đất nước “cao hơn cả tổng thống”.

Thứ nhất, một người thực hiện cùng lúc bốn vai trò bộ trưởng không đơn giản, chưa kể chức vụ cố vấn quốc gia đảng NLD đang cố mang lại cho bà. Thứ hai, bà Suu Kyi khó có thể vượt qua rào cản quân đội. “Nếu quân đội nói không thì đó là không, bất kể bà Suu Kyi muốn làm gì”.

Liệu bà Suu Kyi có thể điều hành đất nước “cao hơn cả tổng thống” và vượt được kiềm toả của quân đội? (Ảnh: GETTY IMAGES)

Chính phủ mới của bà Suu Kyi đưa ra nhiều mục tiêu hành động, như chấm dứt chiến tranh với các nhóm sắc tộc ở biên giới, chấm dứt nghèo đói, đưa kinh tế đi lên, phát triển giáo dục, chấm dứt tham nhũng,… Chuyên gia về Myanmar Bertil Lintner nhận định các mục tiêu này rất không thực tế, do chính phủ mới không đủ quyền lực vì quyền lực thật sự tại Myanmar vẫn sẽ thuộc về quân đội.

Nói cách khác, dù bà Suu Kyi có cố quẫy cựa thế nào cũng khó có thể vượt được sự kiềm tỏa của quân đội. Động thái tìm kiếm vị trí cố vấn quốc gia không chỉ gây lo ngại cho quân đội mà trong cả nội bộ đảng NLD, theo TS Andrew Selth, một chuyên gia về Myanmar đang công tác tại ĐH Griffith và ĐH quốc gia Úc.

Theo ông, rất nhiều nghị sĩ NLD tại Quốc hội muốn có vai trò độc lập hơn là đơn giản phê chuẩn các quyết định của bà Suu Kyi.

“Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu bà Suu Kyi không đưa được đảng NLD, quân đội và nhân dân Myanmar lên cùng một con thuyền mà bà giữ vai trò thuyền trưởng lèo lái qua giai đoạn cực kỳ nhạy cảm này” - TS Andrew Selth nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm