Bà Merkel thắng thế nhờ thành tựu kinh tế

Thủ tướng Merkel cầm quyền từ năm 2005 trong bối cảnh xảy ra nhiều đảo lộn. Quan hệ Nga-EU rơi vào khủng hoảng do Nga sáp nhập Crimea. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đe dọa đồng euro. Làn sóng dân túy bùng nổ và Anh quyết định rời EU. Uy tín chính trị của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bà ủng hộ người tị nạn nhập cư ồ ạt vào Đức. Vậy vì sao bà Merkel vẫn giữ được uy tín?

Nhiều chuyên gia cho rằng bà Merkel vẫn đứng vững có thể do nhân cách của bà hoặc phe đối lập ở Đức thiếu tin cậy. Song theo nhà kinh tế học Sylvie Matelly, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), điểm mạnh của bà Merkel là thành tựu kinh tế đạt được.

Đầu thập niên 2000, nước Đức phải đương đầu với mức tăng trưởng kinh tế ì ạch, lương đình đốn, thất nghiệp gia tăng (11%), nợ công rất đáng quan ngại. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường xã hội (chú trọng cân bằng xã hội) sang mô hình tư bản chủ nghĩa kiểu Anglo-Saxon tại Đức trầy trật hơn các nước châu Âu khác. Sức mua của người dân ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha gia tăng thấy rõ, còn ở Đức thì không. Năm 2009, Ngân hàng Deutsche Bank (một trong hai ngân hàng lớn nhất nước Đức)lại gặp khó khăn về tài chính cộng với tai tiếng về tham nhũng, rửa tiền và là tác nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Từ năm 2010-2011, bà Merkel đã đưa ra nhiều quyết định chính trị tạo bước ngoặt trong xử lý khó khăn, từ đó kinh tế phục hồi và phát triển ngoạn mục. Cuối năm ngoái, mọi chỉ số kinh tế đều tốt. Đức đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục với hơn 297 tỉ USD, vượt qua cả Trung Quốc (294 tỉ USD). Mức thặng dư chiếm 8,5% GDP so với 4,5% vào năm 2005.

Một kết quả không thể phản bác của bà Merkel là vực dậy sức mua. Điểm yếu lưu cữu của kinh tế Đức là quá lệ thuộc vào xuất khẩu dẫn đến tăng trưởng sụp đổ. Sức mua kém cũng là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi lan ra toàn châu Âu. Chính vì sức mua thấp nên các doanh nghiệp Đức mới đổ xô xuất khẩu. Để cứu sức mua, bà Merkel đã không chấp nhận bỏ tiền ra giải cứu Hy Lạp. Nhờ đầu tư công gia tăng rồi ngân sách thặng dư từ năm 2014, công sức vực dậy sức mua của bà Merkel từ năm 2011 đã thành công. Kết quả: Sức mua tăng dẫn đến tăng trưởng gia tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 4,2%.

Dù vậy, bà Merkel vẫn phải đương đầu với một số thách thức sắp tới. Tăng trưởng của Đức từ năm 2012 vẫn thấp hơn Mỹ và Anh do đầu tư yếu kém. Thu nhập bình quân đầu người có tăng nhưng kém bền vững. Mức thu nhập này trong năm 2016 đạt 41.902 USD/năm/người, thấp hơn so với năm 2008 (46.890 USD) và so với Mỹ (57.436 USD năm 2016). Song tình hình vẫn đang trong vòng kiểm soát. Kế hoạch kinh tế của bà Merkel sẽ chỉ gặp rắc rối nếu giá cả tăng kéo theo sức mua giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm