Ấn Độ hiện đại hóa quân đội

Ấn Độ chú trọng tăng cường khả năng chiến đấu trên biển. Mới đây, hải quân nước này tiếp nhận 3 máy bay tiêm kích MIG-29KUB đầu tiên do Tập đoàn chế tạo máy bay MIG của Nga sản xuất. Trong đó gồm 2 máy bay tiêm kích chiến đấu MIG-29K và 1 máy bay huấn luyện chiến đấu MIG-29KUB với mục đích trang bị cho tàu sân bay "Đô đốc Gorshkov". 

Ấn Độ còn ký thỏa thuận mua 6 tàu ngầm Scorpene, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011; đang cân nhắc kế hoạch mua và đưa vào sử dụng 5 tàu ngầm loại nhỏ nhằm tăng cường khả năng tác chiến dưới mặt nước; đàm phán với Nga để mua các tàu chiến lớp Talwar tiên tiến hơn và 6 tàu ngầm thông thường; và cử nhân viên sang Nga để huấn luyện khả năng vận hành tàu ngầm.

Đối với không quân Ấn Độ, theo một số nguồn tin, năm 2010 và những năm tiếp theo, lực lượng này sẽ đưa vào sử dụng khoảng 150 máy bay Su- 30MKI và 80 trực thăng Mi-17-1B; mua máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga. Hiện nay, biên chế chủ yếu của không quân Ấn Độ là máy bay chiến đấu Su 30MKI, Mirage 2000, MiG-21, MiG-27 và MiG-29.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ có kế hoạch chi 35 tỉ USD trong 5 năm để trang bị lại toàn bộ lực lượng vũ trang, trong đó sẽ chi 10,4 tỉ USD để mua 126 máy bay chiến đấu hiện đại nhất với một trong những lựa chọn hàng đầu đang được Niu Đê-li xem xét là máy bay MiG-35. Đây là máy bay chiến đấu thế hệ 5, được nâng cấp từ máy bay MiG-29M và MiG-29KUB; trang bị động cơ phản lực RD-33 có khả năng cơ động cao, sức đẩy lớn; có thế đạt tốc độ 2.750 km/giờ, tầm bay lên tới 4.000 km và trần bay là 18.900 m.

Về vệ tinh quân sự, ngày 5-1-2010, Ấn Độ hoàn tất phát triển vệ tinh lưỡng dụng Cartosat-2B. Nhiều khả năng, vệ tinh này sẽ được phóng vào tháng 3-2010. Năm 2009, Ấn Độ đưa vào sử dụng vệ tinh quân sự RISAT-2, có độ phân giải cao, được phát triển và chế tạo trong nước để giám sát khu vực biên giới và bờ biển nước này, nơi lực lượng khủng bố hoạt động mạnh.

Ngày 3-1-.2010, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thông báo đang phát triển một hệ thống vũ khí nhằm vô hiệu hóa các vệ tinh thù địch hoạt động trong quỹ đạo gần Trái Đất và quỹ đạo địa tĩnh. Giới khoa học Ấn Độ đang tìm cách kết hợp các phương tiện công nghệ để vô hiệu hóa vệ tinh đối phương nhằm bảo vệ các vệ tinh cũng như an ninh vũ trụ của mình. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang nghiên cứu cách ngăn chặn đối phương tiếp cận các vật thể không gian của Ấn Độ.

Theo T.C (website ĐCSVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm