5 câu hỏi từ việc Triều Tiên thử tên lửa - bài 1

Ngày 29-5, Triều Tiên lại lần nữa thử tên lửa. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa thêm tăng.

Nước cờ cuối cùng của Triều Tiên sẽ là gì? Chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ hành động thế nào? Ai đang nắm chìa khóa giải quyết khủng hoảng này?

Sự căng thẳng triền miên này rồi sẽ đi đến đâu? Channel News Asia đã phỏng vấn ý kiến một số chuyên gia về 5 yếu tố giúp xác định điều này.

Chương trình vũ khí Triều Tiên tiên tiến tới đâu?

Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được thử ngày 29-5 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, đã bay được 450km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên.

Một tuần trước, Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo tầm trung. Trước đó nữa, ngày 14-5, Triều Tiên thử tên lửa tầm trung Hwasong-12 mà Triều Tiên nói là có khả năng chở một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn và đưa lục địa Mỹ vào tầm ngắm. Ngày 28-5, Triều Tiên tuyên bố nước này vừa thử một hệ thống vũ khí phòng không mới dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un.

Lo ngại về chương trình vũ khí của Triều Tiên không chỉ ở các nước láng giềng Đông Bắc Á mà ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Hawaii thuộc Mỹ. Tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết quân đội nước này sẽ lần đầu tiên thử hệ thống tên lửa phòng thủ, kiểm tra khả năng ngăn chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Tuy đồng ý Triều Tiên chưa thể phát triển một ICBM có khả năng bắn tới lục địa Mỹ nhưng các chuyên gia thừa nhận nước này đã có bước tiến triển lớn về công nghệ.

“Triều Tiên hiện tại không có ICBM, nhưng vụ thử ngày 14-5 cho thấy Triều Tiên đã có được công nghệ này, và tất cả những gì họ phải làm là nối kết các công nghệ này lại với nhau” – ông Yang Uk, nhà nghiên cứu trưởng tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc nhận định – “Có thể là cuối năm nay hoặc năm tới họ sẽ bắt đầu thử ICBM”.

Sơ đồ ước tính tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA

Sơ đồ ước tính tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) Park Jiyoung cho rằngTriều Tiên đang rất chú trọng phát triển năng lực tên lửa sau khi nhận thấy công nghệ vũ khí hạt nhân của mình đang chậm lại.

Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong phát triển tên lửa tầm xa, các chuyên gia nhận định Triều Tiên vẫn đang đối mặt rất nhiều thách thức để có thể có một ICBM hoàn hảo. Theo nhà nghiên cứu Denny Roy tại Viện Nghiên cứu East-West Center (Hawaii), ít nhất 10 năm nữa Triều Tiên mới có thể có tên lửa bắn đến nước Mỹ.

“Đảm bảo độ chính xác cho tên lửa bay quãng đường xa không đơn giản. Tôi chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy Triều Tiên có được khả năng này. Thách thức thứ hai là gắn đầu đạn vào đầu tên lửa, tôi cũng chưa thấy Triều Tiên có khả năng này” – theo nhà nghiên cứu Roy.

Nước cờ cuối cùng của Triều Tiên sẽ là gì?

Các chuyên gia không nghĩ rằng chiến tranh là lựa chọn của Triều Tiên.

“Rất nhiều lần họ đe dọa sẽ biến Seoul thành biển lửa. Đúng là Seoul nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, nhưng nếu Triều Tiên triển khai tên lửa tấn công dân thường Seoul thì là một điều ngu ngốc” – nhà nghiên cứu Yang nhận định.

Mặt khác, theo nhiều nhà quan sát, Triều Tiên sẽ không lựa chọn hành động quân sự vì chắc chắn sẽ nhận phản ứng mạnh từ Mỹ và đồng minh.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang suy tính nước cờ gì? Ảnh: AFP

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang suy tính nước cờ gì? Ảnh: AFP

Nếu tấn công quân sự không phải là lựa chọn, vậy Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong-un đang muốn gì?

“Trong thời gian dài người ta không chắc liệu chương trình hạt nhân Triều Tiên có phải là đòn bẩy để nước này nhận trợ giúp kinh tế từ quốc tế hay không. Từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, sự việc đã rõ, Triều Tiên sẽ không trao đổi hay từ bỏ vũ khí hạt nhân vì kinh tế” – theo Chủ tịch Viện Asan Hahm Chaibong – “Họ dồn lực vào vũ khí hạt nhân vì họ nghĩ nó quyết định sự tồn vong của quốc gia”.

Trong khi đó, chuyên gia Narushige Michishita tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (Nhật) cho rằng việc Triều Tiên theo đuổi không mệt mỏi chương trình vũ khí hạt nhân là một phần chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh” nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công từ Mỹ cũng như đe dọa Hàn Quốc.

(Mời xem tiếp bài 2)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm