5 câu hỏi lớn chờ lời giải về thế giới hậu COVID-19

Theo dõi các tranh luận liên quan tới nền chính trị thế giới hậu đại dịch COVID-19 là một trải nghiệm thú vị. 

Dĩ nhiên, không ai có thể nói một cách chính xác những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Bình thường đã là như vậy, chưa kể hiện nay dịch bệnh diễn biến quá khó lường và phức tạp khiến cho những dự đoán được đưa ra ngày hôm nay, hôm sau đã trở nên lỗi thời.

Lại thêm, chín người thì 10 ý. Quan hệ quốc tế là một ngành học đa dạng trong quan điểm và trong cách tiếp cận, từ chủ nghĩa hiện thực coi trọng lợi ích quốc gia và quyền lực, chủ nghĩa tự do coi trọng hợp tác và các tổ chức quốc tế, đến thuyết kiến tạo tập trung vào vai trò của nhà lãnh đạo và tầng lớp tinh hoa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên tách đối nội và đối ngoại, vì đó là hai phạm trù thường gắn chặt với nhau. Chính vì thế, tranh luận về một thế giới hậu đại dịch diễn ra gay gắt và liên tục. 

Bài viết không tập trung vào một cách tiếp cận cụ thể nào được đề cập ở trên. Tôi coi đó là việc làm không hữu ích trong việc hiểu được những luồng quan điểm trái chiều và của tổng thể cuộc tranh luận.

Thay vào đó, bài viết sẽ chỉ nêu ra năm câu hỏi lớn mà tôi tổng hợp được thông qua theo dõi cuộc tranh luận trên. Và tôi nghĩ rằng mỗi một độc giả, dựa theo nhân sinh quan của mình, sẽ có thể tự định hình cho bản thân mình một “trật tự thế giới hậu đại dịch” trong tương lai. 

Mỗi người nên tự có đánh giá riêng của bản thân về tương lai thế giới hậu đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: TIME

Các quốc gia sẽ kết nối với nhau hơn hay chia rẽ hơn?

Câu hỏi này liên quan tới rất nhiều vấn đề từ thương mại và chuỗi cung ứng, cho tới các thể chế quốc tế. Việc làm thế nào chúng ta ứng phó với những mối đe dọa phi truyền thống như biến đổi khí hậu, đại dịch và các vấn đề xuyên biên giới khác cũng được cân nhắc.

Liệu chúng ta sẽ thấy một thế giới mà tất cả quốc gia đều hướng vào bên trong với những bức tường biên giới và rào cản thương mại được dựng lên? Xu hướng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và kiểm soát biên giới liệu có xuất hiện nhiều hơn?

Hay chúng ta sẽ chứng kiến một thế giới trong đó các thể chế quốc tế được thổi một sức sống mới để đối phó các thách thức xuyên biên giới của thế kỷ 21, như cách mà Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác đã làm được sau Thế chiến II?

Điều gì sẽ xảy ra với cán cân lực lượng Mỹ-Trung?

Liệu Trung Quốc sẽ mạnh mẽ hơn sau đại dịch, sử dụng sức mạnh sản xuất để hỗ trợ trang thiết bị phòng dịch cho thế giới và hành xử như một nhà lãnh đạo toàn cầu, trong khi phản ứng của Mỹ trở nên yếu ớt, thiếu sức sống?

Hay liệu Mỹ sẽ trở lại một cách đầy ngoạn mục sau khoảng thời gian đầu hứng chịu thiệt hại trước một khủng hoảng mang tính toàn cầu chưa từng có tiền lệ, còn Trung Quốc sẽ bị một làn sóng dịch thứ hai phủ đầu, bị đổ lỗi vì gây ra thảm họa và gánh chịu những hệ quả kèm theo? 

Một trọng tâm của trật tự hậu đại dịch sẽ là những thay đổi đối với hai cường quốc Mỹ-Trung. Ảnh minh họa: REUTERS

Các khế ước xã hội sẽ được đánh giá lại?

Cuộc khủng hoảng này, tương tự như thời kỳ Đại Suy thoái, liệu có dẫn tới một sự đánh giá lại các khế ước xã hội và hệ thống phúc lợi mà mỗi quốc gia đang theo đuổi, xây dựng các sáng kiến xã hội toàn toàn mới? Đặc biệt, tình trạng bất bình đẳng có được giải quyết dứt điểm? 

Các chính phủ, đặc biệt là chính phủ các nước giàu, tung ra rất nhiều tiền để hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Nhưng liệu những chính sách an sinh xã hội toàn diện này có cần sự thay đổi căn bản trong tư duy quản trị quốc gia, ví dụ như bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, những thay đổi này có thực sự được thực thi hay không?

Hay liệu bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia sẽ gia tăng, giữa tầng lớp tinh hoa vốn chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này một cách bình yên và tầng lớp nghèo khổ - chấp nhận đánh cược rủi ro sức khỏe của mình để kiếm sống mà không được hưởng thụ đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ nhà nước?

Nhà nước can thiệp mạnh hơn vào đời sống người dân?

Liệu khủng hoảng này có khiến các nhà nước can thiệp mạnh mẽ hơn vào đời sống của người dân? Hay các quốc gia sẽ tìm được sự cân bằng, thuyết phục được người dân từ bỏ một số quyền cá nhân để đổi lại một hệ thống giám sát y tế chặt chẽ nhưng không rơi vào tình trạng can thiệp và xâm phạm đời tư quá mức?

Bảo mật và quyền riêng tư của công dân sẽ tiếp tục là những vấn đề nóng ở nhiều quốc gia sau đại dịch. Ảnh minh hoạ: AFP 

Chúng ta bắt đầu nhận thấy tình trạng các nhà nước trở nên cứng rắn hơn, như ở Hungary, Ấn Độ hay Philippines. Bài học có được khi bỏ ngoài tai các lời khuyên của chuyên gia y tế và sự thiếu minh bạch thông tin của một số quốc gia liệu có thể dẫn tới một quá trình tái cấu trúc nào đó trong hệ thống quản trị quốc gia, khiến cho nhà nước trở nên minh bạch hơn?

Ai sẽ chiến thắng đại dịch?

Câu hỏi cuối cùng: Liệu một nền chính trị dựa trên nỗi sợ hãi, hay một nền chính trị mang tính cạnh tranh dựa trên sự khoan dung sẽ chiến thắng sau đại dịch? Ở nhiều quốc gia như Mỹ và một số nước ở phương Tây, đây là một câu hỏi thuần chính trị rất quan trọng.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở bất kỳ quốc gia nào đều phải để ý tới câu hỏi cuối cùng này vì nó sẽ là nền tảng để trả lời cho bốn câu hỏi trên. Liệu các nhà lãnh đạo sẽ có khả năng gắn kết quốc gia với chất keo kết dính là những nguyên tắc lãnh đạo rõ ràng, là tình người, khuyến khích sự đoàn kết để cùng nhau làm nên những thay đổi lớn? Hay họ sẽ sử dụng nỗi sợ hãi để biến người dân và đất nước của họ thành những “ốc đảo” và đổ lỗi cho người khác, cho quốc gia khác?

Chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào thỏa mãn đa số mọi người. Như đã nói ở trên, mỗi người sẽ có cho mình một cách tiếp cận riêng biệt, cho từng câu hỏi riêng biệt. Tuy nhiên, sẽ có những câu hỏi mà người trả lời, trong vai trò là lãnh đạo quốc gia, cần phải xem xét một cách cẩn trọng để lợi ích lan tỏa được tới nhiều người nhất trong cách ứng xử nhân văn nhất có thể.

(*) Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm