3 thách thức lớn thế giới phải đối mặt sau đại dịch COVID-19

Trước các diễn biến phức tạp của tình hình COVID-19 toàn cầu, nhiều chuyên gia và tổ chức gần đây đã đưa ra các cảnh báo về những tác động và hậu quả lâu dài của đại dịch lên tiến trình phát triển của thế giới. Điều này cho thấy nhân loại vẫn còn một cuộc chiến dài và cam go phía trước.

Du khách Trung Quốc tại sân bay quốc tế Narita thuộc TP Narita, Nhật hồi tháng 1. Ảnh: REUTERS

An ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng

Hôm 22-4, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuộc Liên Hiệp Quốc David Beasley cảnh báo thế giới đang và sẽ phải đối mặt với một nạn đói quy mô toàn cầu vì COVID-19. Chính phủ các nước do đó phải hành động ngay lập tức trước khi hơn 260 triệu người thiếu thức ăn, theo tờ The Guardian.

Con số này gấp đôi con số được thống kê trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, và châu Phi, Trung Đông sẽ là hai khu vực chịu tác động nặng nề nhất.

Ông Beasley cũng nhấn mạnh hiện có khoảng 30 quốc gia đang phát triển phải vật lộn với nạn đói nghiêm trọng, trong đó 10 quốc gia có hơn một triệu người bị suy dinh dưỡng.

“Đại dịch COVID-19, vốn là thảm họa không thể lường trước, đã đẩy nhân loại đến giới hạn cùng cực. Tuy nhiên, bây giờ cơn bão thực sự mới ập đến. Chúng ta có thể đang đối diện sự lan rộng của một nạn đói chưa từng thấy trong lịch sử” - ông David Beasley nhấn mạnh.

Tệ hơn, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết hàng triệu trẻ em Trung Đông sẽ trở nên nghèo khó hơn khi những người chăm sóc các em bị mất việc làm vì các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội được hàng loạt nước ban hành hiện nay.

Kinh tế toàn cầu suy thoái

Được xem là minh chứng rõ nhất cho những biến động kinh tế chưa từng có vì đại dịch COVID-19, giá dầu thô WTI tại Mỹ ngày 20-4 (giờ địa phương) đã lần đầu tiên trong lịch sử rơi tự do xuống mức -37,63 USD/thùng.

Kinh tế toàn cầu bị cảnh báo chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái nặng nề thời gian tới. Ảnh minh hoạ: AFP 

Tình hình các nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt chính phủ tung những gói cứu trợ kỷ lục nhằm giúp đỡ người dân và doanh nghiệp. 

Dù trên thực tế những khoản cứu trợ này rất cần thiết với cả nền kinh tế nói chung, nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc tung tiền quá nhiều sẽ khiến tỉ lệ nợ công tăng mạnh dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép ở nhiều quốc gia, theo đài CNBC.

"Khủng hoảng nợ đang đến. Hiện nay chính phủ các nước đang tăng cường đầu tư, chi tiêu công để chống dịch, cứu nền kinh tế và giữ thu nhập cho các lao động. Hệ quả là thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh trong những năm tới" -CNBC dẫn bình luận của tờ The Economist nhấn mạnh.

Hồi đầu tháng 1, trước khi nhiều quốc gia áp dụng các lệnh cách ly, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng từng cảnh báo về rủi ro vỡ nợ trên toàn thế giới. Theo đó, WB cho rằng việc tích lũy nợ từ đầu năm 2010 đến nay là một làn sóng tăng trưởng nhanh, mạnh và rộng khắp nhất của nền kinh tế toàn cầu từ thập niên 1970 đến nay. 

Số liệu gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cũng cho thấy trong nửa đầu năm 2019, tổng nợ công toàn cầu đã tăng thêm 7.500 tỉ USD và chạm mức kỷ lục hơn 250.000 tỉ USD. "Chúng tôi dự đoán tổng nợ trên toàn thế giới sẽ vượt 255.000 tỉ USD trong năm 2019 và chưa có dấu hiệu nào dừng lại" - IIF nhấn mạnh.

Trong khi đó, dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm khoảng 3%, trái ngược hoàn toàn mức dự báo tăng trưởng 3% vào tháng 1 trước đó. Chủ tịch IMF Kristina Georgieva cho biết một nửa thế giới đang đề nghị tổ chức này cứu trợ vì thiệt hại quá nặng.

Lo ngại bùng phát đợt lây nhiễm lần hai

Toàn thế giới đến ngày 24-4 (giờ Việt Nam) ghi nhận hơn 191.000 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong tổng số hơn 2,7 triệu ca nhiễm.

Tuy nhiên, con số này được cảnh báo sẽ tiếp tục tăng khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) Robert Redfield ngày 21-4 (giờ địa phương) khẳng định Mỹ sẽ còn đối mặt với đợt dịch COVID-19 thứ hai kinh khủng hơn khi mùa đông tới. 

“Có khả năng đợt tấn công của virus gây dịch COVID-19 ở Mỹ mùa đông sẽ gây khó khăn hơn nhiều so với đợt bùng phát chúng ta vừa trải qua vì dịch sẽ xuất hiện trùng thời điểm với cúm mùa” - đài CNA dẫn lời ông Redfield nhấn mạnh.

Đợt dịch cúm mùa 2019-2020 đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người Mỹ. Lời dự đoán của ông Redfield đang gián tiếp gây áp lực lên những nỗ lực phòng dịch và nghiên cứu vaccine của không chỉ nước Mỹ, mà của toàn thế giới.

Dù chuẩn bị mở cửa lại, nhiều nước vẫn trong tư thế cảnh giác đợt bùng phát COVID-19 thứ hai. Ảnh minh họa: GETTH

Trong bối cảnh nhiều nước nôn nóng mở cửa trở lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21-4 đã cảnh báo bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa nào cũng cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng để dịch bệnh tái bùng phát.

Một số nước hiện cũng đã bắt đầu nhận ra mức độ nguy hiểm khi dịch bùng phát lần thứ hai. Trung Quốc sau một thời gian kiểm soát được dịch thì nay đã bắt đầu tiến hành siết chặt giãn cách xã hội ở một số địa phương ghi nhận lại ca nhiễm mới. Đa số các bệnh nhân này là từ nước ngoài trở về. 

Singapore cũng là một trường hợp mà tâm lý chủ quan đã tạo điều kiện cho COVID-19 lây lan rộng dù trước đó nước này là hình mẫu chống dịch của thế giới. Do không siết chặt phong tỏa, quốc đảo này giờ đây đang vật lộn cách ly, khoanh vùng các bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng. Phần lớn các ca nhiễm ở Singapore cũng là ngoại nhập, hầu hết là công nhân xây dựng nước ngoài. 

PGS dịch tễ học thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) - ông Justin Lessler cho rằng: “Dịch bệnh cũng giống như những đám cháy. Khi có nguồn nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát. Còn khi không đủ nhiên liệu chúng sẽ âm ỉ cháy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm