100 ngày của Trump: Ngổn ngang đối nội

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần rồi chỉ trích cái tiêu chuẩn “100 ngày tổng thống” là khái niệm buồn cười và tuyên bố ông đã làm được nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử trong ba tháng làm việc đầu tiên.

Tuy nhiên, theo AP, chiến thắng của ông Trump tại Quốc hội quá ít ỏi. Đồng tình nhận định này, theo Washington Post, không cần so sánh đâu xa, chỉ cần so sánh với người tiền nhiệm Obama cũng thấy ông Trump chưa làm được gì nhiều. Ông Obama nhậm chức lúc Mỹ đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Trong tháng tổng thống đầu, ông Obama đã ký thông qua gói giải cứu kinh tế trị giá 787 tỉ USD, ký luật mở rộng bảo hiểm y tế với trẻ em, luật Lilly Ledbetter chi trả lương công bằng cho phụ nữ.

Trong khi đó, thành công đối nội lớn nhất của ông Trump tính đến thời điểm này là đề cử thẩm phán Neil Gorsuch vào Tòa Tối cao của ông được chấp nhận.

Đối nội ngổn ngang

Các vấn đề lớn như cải cách thuế và cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đưa ra Quốc hội. Lời hứa lúc tranh cử sẽ hủy bỏ và thay thế luật bảo hiểm y tế Obamacare vẫn chưa được thực hiện. Dự luật nhằm thay thế Obamacare của ông Trump đã chết yểu tháng trước sau khi Hạ viện quyết định hủy bỏ phiếu thông qua.

Các sắc lệnh nhập cư của ông Trump cấm dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và cắt tiền chi cho các địa phương không tích cực truy quét nhập cư trái phép vẫn đang gặp phản ứng mạnh. Ngày 25-4, một thẩm phán ở TP San Francisco (bang California) vừa phong tỏa sắc lệnh hành pháp của ông Trump cắt ngân sách đối với các địa phương không hợp tác truy quét nhập cư trái phép. Trước đó, sắc lệnh hành pháp cấm dân sáu nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump cũng bị hai thẩm phán liên bang phong tỏa tạm thời vì vướng các vụ kiện, không những thế còn gây ra hàng loạt vụ biểu tình lớn.

Dân Mỹ biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của ông Trump. Ảnh REUTERS

Dân Mỹ biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của ông Trump. Ảnh: REUTERS

Ngoài những vấn đề này còn có một tồn tại lớn mà chính phủ Trump đang phải đối mặt. Đã hơn ba tháng trôi qua nhưng tình trạng khuyết vắng các vị trí cấp cao trong bộ, ngành chính phủ vẫn chưa được giải quyết. Chỉ riêng Bộ Tư pháp, hàng trăm vị trí trưởng công tố vẫn chưa được bổ nhiệm dù chính phủ Trump đã sa thải các trưởng công tố thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Kinh tế xấu đi

Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu cho thấy có chiều hướng xấu đi. Các chỉ số tiêu dùng, tăng trưởng đều giảm. Doanh số bán lẻ giảm mạnh trong tháng 3, đặc biệt ở ngành hàng ô tô giảm tới 1,5%, nhà hàng giảm 0,6%. Doanh số bán vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh, theo đà giảm của lĩnh vực xây dựng nhà cửa - tới 6,8%. Thị trường bất động sản cũng chậm lại, các nhà đầu tư bất động sản được cảnh báo tương lai tới sẽ không lạc quan.

Sản lượng sản xuất hàng hóa của các nhà máy cũng giảm và theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ thì đây là mức giảm lớn nhất trong vòng bảy tháng, kéo theo đó là số người thất nghiệp tăng. Hãng Boeing đã có kế hoạch sa thải hàng trăm kỹ sư. Đầu năm nay, Boeing cũng đã sa thải gần 2.000 nhân công.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tháng 3 chính phủ Trump đã thâm hụt ngân sách tới 175 tỉ USD, cao hơn gần 15% so với cùng kỳ năm trước, thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Bất đồng chính trị tăng

Từ đầu tuần này Quốc hội đã trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ. Các hoạt động của ông Trump về bảo hiểm y tế cũng như các ưu tiên đối nội khác vẫn đang dở dang, chưa biết kết quả sẽ thế nào.

Công bằng mà nói, ông Trump đã thừa hưởng tình trạng phân cực chính trị đã tồn tại nhiều thập niên. Theo nhà phân tích William Galston thuộc Viện Chính sách Brookings (Mỹ), khả năng lạc quan nhất cho ông Trump trong giải quyết các vấn đề đối nội là tìm sự hợp tác từ đảng Dân chủ dù có phải làm nổi giận một bộ phận thành viên Cộng hòa.

“Nếu chính phủ thật sự muốn đi theo con đường này, họ nên xúc tiến đối thoại với đảng Dân chủ về các vấn đề như cải cách thuế, phát triển hạ tầng” - theo nhà phân tích Galston.

Bất đồng chính trị với đảng Dân chủ và ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa là một thách thức lớn của ông Trump. Ảnh: AP

Bất đồng chính trị với đảng Dân chủ và ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa là một thách thức lớn của ông Trump. Ảnh: AP

Ngay cả tình trạng bất đồng chính trị trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng ngày càng tăng. Dự luật bảo hiểm y tế của ông Trump chết ngay trước cửa Hạ viện cũng vì lý do này. Hiện nhiều thành viên Cộng hòa bảo thủ phản đối chủ trương tăng thuế đánh lên hàng hóa nhập khẩu của ông Trump, cho rằng sẽ làm tăng giá tiêu dùng và có thể sẽ khiến các đối tác thương mại trả đũa.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tin tưởng ông Trump có khả năng sẽ thay đổi tình hình và đạt được nhiều thành tựu hơn sau thời điểm 100 ngày này.

“Mọi tổng thống đều trưởng thành hơn từ công việc đó. Không vị tổng thống nào giẫm chân một chỗ sau thời điểm khủng hoảng đầu tiên. Tôi chưa biết chắc ông ấy sẽ rút ra được điều gì… nhưng khả năng lớn sẽ có thay đổi” - theo Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Richard Haass.

Ông Haass từng làm việc qua bốn đời tổng thống, tin tưởng ông Trump đã dày dạn kinh nghiệm hơn thời điểm mới bước vào Nhà Trắng vài tháng trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm