Chuyên gia lo ngại nguy cơ 1 người nhiễm nhiều biến thể cùng lúc

Giới chức y tế Bỉ mới đây vừa phát hiện một trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi nhiễm cùng lúc hai biến thể của virus SARS-CoV-2, theo hãng tin Bloomberg. Cụ thể, nạn nhân là bà cụ 90 tuổi được nhập viện khẩn cấp vào BV OLV tại TP Aalst sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Dù mức ôxy ban đầu vẫn tốt, song tình trạng bệnh của bà chuyển biến xấu nhanh chóng và bà cụ đã qua đời năm ngày sau đó.

Nhân viên y tế Bỉ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở BV Erasme, thủ đô Brussels hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Khi phân tích kỹ hơn, các nhân viên y tế đến nay mới công bố kết quả phát hiện là bà cụ đã nhiễm cả hai biến thể Alpha (xuất phát từ Anh) và Beta (xuất phát từ Nam Phi).

Hiện tượng hiếm gặp cần điều tra thêm

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, chuyên gia sinh học phân tử Anne Vankeerberghen từ BV OLV cho biết: “Cả hai biến thể trên đều đang lây lan rộng tại Bỉ ở thời điểm đó, vì thế nhiều khả năng bà cụ đã bị lây hai loại virus từ hai người khác nhau. Đáng tiếc là chúng tôi không biết bà ấy đã lây nhiễm như thế nào”.

Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm là hiện rất khó để giới nghiên cứu xác định rõ ràng liệu hiện tượng nhiễm cùng lúc nhiều biến thể khác nhau có tác động gì lên tình trạng sức khỏe bệnh nhân COVID-19 đang xấu đi nhanh chóng hay không. Hơn nữa, việc nghiên cứu các hiện tượng nhiễm nhiều biến thể như vậy trên toàn cầu “vẫn còn đang bị đánh giá thấp” do hạn chế trong khả năng xét nghiệm đối với từng biến thể cũng như việc khoa học hiện chưa tìm ra được một quy trình đơn giản để xác định bệnh nhân có nhiễm nhiều biến thể hay không.

“Nâng cảnh báo về sự lây lan và biến đổi khó lường của virus là điều duy nhất mà chúng ta có thể làm, bên cạnh việc tuân thủ các quy định y tế về đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu và giữ gìn vệ sinh cá nhân” - bà Vankeerberghen kết luận.

Trong khi đó, bình luận về trường hợp ở Bỉ, TS virus học Lawrence Young thuộc ĐH Warwick (Anh) cho rằng nghiên cứu của các chuyên gia BV OLV cho thấy sự cần thiết của việc phải tăng cường điều tra các ca nhiễm nhiều biến thể SARS-CoV-2 không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới. Cơ quan y tế các nước cần phải nỗ lực rà soát lại các ca tử vong thời gian qua cũng như những ca bệnh nặng ở thời điểm hiện tại để tìm kiếm các trường hợp như vậy.

“Việc khoanh vùng các bệnh nhân nhiễm nhiều biến thể sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về ảnh hưởng của nó đối với diễn biến lâm sàng của COVID-19, cũng như liệu điều này ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả của việc tiêm chủng” - TS Young nhận xét.

Nguy cơ từ các ca nhiễm nhiều biến thể

Theo trang tin The Conversation, Brazil hồi tháng 1 cũng đã báo cáo về hai trường hợp nhiễm hai biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những nghiên cứu về các ca này đến nay chưa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Vào thời điểm đó, giảng viên sinh học phân tử Maitreyi Shivkumar thuộc ĐH De Montfort (Anh) có bài viết cảnh báo rằng các trường hợp nhiễm nhiều biến thể sẽ làm gia tăng tốc độ đột biến của virus SARS-CoV-2 gấp nhiều lần hiện tại.

“Điều này là do SARS-CoV-2 trải qua những thay đổi lớn trong trình tự di truyền của chúng bằng một quá trình gọi là tái tổ hợp. Khi hai virus cùng họ hoặc hai biến thể của một virus lây nhiễm vào cùng một tế bào của cơ thể người, chúng có thể hoán đổi phần lớn bộ gen với nhau và tạo ra các chuỗi gen hoàn toàn mới” - bà Shivkumar giải thích.

Trên thực tế, dịch cúm lợn H1N1 cũng đã bùng phát theo cơ chế nói trên. Lợn khi đó đã đóng vai trò một “cỗ máy trộn” khi nó có thể lây nhiễm nhiều virus cúm cùng lúc, từ cúm người, cúm gia cầm và hai chủng cúm lợn sẵn có. Các bộ gen này được trộn lại và tái tổ hợp với nhau, cho ra đời một biến thể virus cúm lợn H1N1 với khả năng lây sang người. Đối với SARS-CoV-2, điều may mắn là bộ gen của virus này khá ngắn, dẫn tới khả năng nó tái tổ hợp với các chủng virus khác sẽ thấp hơn nhưng không phải là không thể xảy ra.

Trong trường hợp bùng phát một kịch bản như vậy, chính con người sẽ trở thành những “cỗ máy trộn” cho gen của virus. Một khi số lượng biến thể SARS-CoV-2 ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với số lượng bệnh nhân trên toàn cầu, số người nhiễm cùng lúc nhiều biến thể của virus được phát hiện trong thời gian tới cũng sẽ tăng lên bởi các biến thể virus ngày càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với cơ thể người.

Bằng chứng về quá trình tái tổ hợp của virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy cả trong phòng thí nghiệm lẫn trên bệnh nhân COVID-19. Đơn cử, các chuyên gia tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ) hồi tháng 2 đã phát hiện biến thể Alpha tái tổ hợp với biến thể Epsilon (xuất phát từ bang California của Mỹ) để tạo ra một biến thể SARS-CoV-2 mới (không rõ tên).

Bà Shivkumar cũng nhắc lại là hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc nhiễm nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau sẽ khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất vẫn là virus sau khi tái tổ hợp có thể sinh ra những biến thể mới với khả năng lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, chống lại hệ miễn dịch và kháng thể của con người. Thậm chí biến thể mới có thể quay lại lây nhiễm trên chính những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Một nguy cơ khác là biến thể mới có thể kháng các loại vaccine mà con người đang phát triển và triển khai.

“Do đó, nhiệm vụ cấp bách trong đại dịch COVID-19 hiện tại là: (1) triển khai nhanh nhất có thể các loại vaccine chống mọi loại biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành; (2) giới khoa học dồn sức nghiên cứu ra một loại siêu vaccine chỉ cần một liều tiêm duy nhất để chống lại tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2. Dĩ nhiên là nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm nhưng tôi vẫn cho rằng đó là cách duy nhất để chặn dứt điểm đại dịch, không cho nó tái bùng phát trong tương lai” - chuyên gia Maitreyi Shivkumar kết luận.•

188,6 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu được ghi nhận đến ngày 14-7, theo trang thống kê Worldometers. Trong số này, hơn 4 triệu người đã tử vong còn 172,4 triệu người đã hồi phục. 

 

Biến thể Lambda mới tiếp tục hoành hành trên toàn cầu

Theo hãng tin Reuters, vài tháng qua hai biến thể SARS-CoV-2 được nhắc tới nhiều nhất là Alpha và Delta (xuất phát ở Ấn Độ). Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lưu ý thêm về biến thể mới là Lambda. Với tên mã khoa học là C.37, biến thể Lambda lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 12-2020. Kể từ đó, biến thể này đã lây lan ra 30 quốc gia, bảy trong số đó thuộc khu vực Nam Mỹ.

Ngày 14-6, Lambda chính thức được WHO liệt kê là “biến thể cần quan tâm” do tốc độ lây lan đáng lo ngại của nó. Đến ngày 23-6, Cơ quan Y tế công cộng Anh đã phân loại Lambda là “biến thể đang được điều tra”, sau khi phát hiện sáu công dân nước này nhiễm biến thể Lambda vì đi du lịch nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm