CHÙM ẢNH: Người dân các nước đi tiêm vaccine COVID-19

Theo chương trình theo dõi dữ liệu vaccine ngừa COVID-19 của hãng tin Bloomberg, khoảng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Hơn 2,71 tỉ liều vaccine các loại đã được triển khai, nhiều nhất là tại Trung Quốc (gần 1,05 tỉ liều), Mỹ (gần 318,58 triệu liều) và Ấn Độ (hơn 294,04 triệu liều). 

Điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: VISUAL CHINA GROUP

Hiện nay, mỗi ngày, hơn 41,69 triệu người trên khắp thế giới đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Công suất tiêm chủng cao nhất là tại Trung Quốc (hơn 20,8 triệu liều mỗi ngày), gấp 4,5 lần quốc gia xếp sau là Ấn Độ. 

Một nhóm công nhân TP Kolkata, bang West Bengal (Ấn Độ) xếp hàng chờ tại một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động. Ảnh: AFP

Những nơi các tỉ lệ tiêm chủng (tỉ lệ người người được tiêm ít nhất một liều vaccine) cao nhất là các vùng lãnh thổ và quốc gia nhỏ như Maldives, Seychelles hay Gibraltar (thuộc Anh), quần đảo Falkland (do Anh kiểm soát)... 

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại TP Seattle, bang Washington (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Trong 10 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới, Anh và Mỹ là hai nước có tỉ lệ tiêm chủng, cũng như tỉ lệ dân số được tiêm đủ hai liều vaccine cao nhất. 

Người dân thủ đô Phnom Penh (Campuchia) xếp hàng theo hướng dẫn của nhân viên y tế khi chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP

Cũng trong nhóm này, Nga là nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất (12,3%). Tuy nhiên, khi xét tỉ lệ dân số được tiêm đủ hai liều vaccine thì Nga (10,2%) vẫn xếp trên ba nước khác là Ấn Độ (3,8%), Argentina (8,3%) và Colombia (9,9%). 

Romania triển khai hình thức tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động mà người dân không cần ra khỏi ô tô, giảm tiếp xúc và giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: AFP

Trong nhóm bảyti quốc gia công nghiệp hàng đầu, hai nước có tỉ lệ dân được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 cao nhất là Canada (65%) và Anh (64,6%), thấp nhất là Nhật (13%).  

Một người phụ nữ ở TP Yogyakarta, đảo Java (Indonesia) mặc trang phục truyền thống đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng lưu động. Ảnh: GETTY

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tổng cộng hơn 332,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 47,5% dân số toàn khối, trong đó 28,8% dân số đã được tiêm đủ hai liều vaccine. 

Nhân viên y tế tại thủ đô Lima (Peru) gõ cửa từng nhà để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: AFP

Indonesia đã triển khai hơn 36,58 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Singapore mới là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực (47,3%), theo sau là Campuchia (16,4%) và Malaysia (13,5%). 

Người dân sống xa các cơ sở y tế ở vùng nông thôn Kenya cũng được nhân viên y tế tới nhà tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP

Ở châu Phi, Morroco đang dẫn đầu về số lượng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai. Tỉ lệ dân số được tiêm chủng tại nước này cũng thuộc nhóm cao nhất châu lục.  

Một cặp vợ chồng tại TP Munich (Đức) cũng nhau đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: REUTERS

Tại Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chương trình tiêm chủng quy mô lớn nhất (hơn 43,6 triệu liều) còn Bahrain là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất (70,4%), xếp trên cả Israel (60,8%). Đất nước Yemen còn chìm trong bất ổn là quốc gia có tỉ lệ và số lượng người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất khu vực. 

Hai người phụ nữ cao tuổi ở thủ đô Caracas (Venezuela) hào hứng đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP

Trên lục địa Nam Mỹ, Brazil là nước triển khai được nhiều lượt tiêm chủng nhất (91,1 triệu liều) còn Chile và Uruguay dẫn đầu về tỉ lệ tiêm chủng (đều trên 60%). Venezuela là nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực, chỉ 2,1%. 

Một người đàn ông Israel nhờ người nhà chụp lại hình ảnh lúc đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: FLASH90

Trong vùng biển Caribbean, Cộng hòa Dominia và Cuba là hai nước dẫn đầu về số lượng vaccine đã được triển khai, trong đó Cuba dựa hoàn toàn vào nguồn vaccine nội địa.

Một người đàn ông ở Bali (Indonesia) tự chụp lại hình ảnh lúc đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: BLOOMBERG

Tổ chức Y tế thế giới đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp sáu loại vaccine ngừa COVID-19 là sản phẩm của các hãng: AstraZeneca (Anh), BioNTech (Đức), Johnson&Johnson, Moderna (Mỹ), Sinopharm, Sinovac (Trung Quốc). 

Nhân viên y tế tại một điểm tiêm chủng ở TP Karachi (Pakistan) lấy một liều vaccine của hãng Sinopharm chuẩn bị tiêm cho người dân. Ảnh: AFP

Trong sáu loại trên, vaccine của AstraZeneca được cấp phép tại nhiều nước nhất. Hai công ty, một tại Ấn Độ và một tại Hàn Quốc, đã khởi động dây chuyền sản xuất vaccine theo giấy phép của hãng này.

Nhân viên y tế tại một điểm tiêm chủng tại TP Toronto (Canada) lấy sẵn các liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna để chuẩn bị tiêm cho người dân. Ảnh: AFP

Hầu hết các nước chọn cấp phép sử dụng khẩn cấp và chỉ một số ít cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19. Tại Úc, vaccine của AstraZeneca đã được cấp phép từ tháng 2 theo "một quy trình đánh giá đầy đủ và kỹ lưỡng".

Hòn đảo du lịch Phuket (Thái Lan) đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm sớm khôi phục các hoạt động kinh tế. Ảnh: REUTERS

Mục tiêu sau cùng các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 là để người dân trở lại cuộc sống bình thường và mở cửa trở lại, khôi phục nền kinh tế. 

Một vận động viên Brazil tiêm vaccine ngừa COVID-19 chuẩn bị tham dự Olympic Tokyo. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, các nước cũng muốn tiêm vaccine để mở cửa trở lại các hoạt động giải trí và thể thao. Ở nhiều nước, các vận động viên chuẩn bị thi đấu tại Olympic Tokyo nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm