Chưa yên với biến thể Delta lại chật vật với Delta Plus

Đã hơn một năm từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, toàn cầu đã có gần 181 triệu ca nhiễm, trong đó 3,9 triệu người chết tính đến ngày 25-6. Virus SARS‑CoV‑2 đã nhiều lần đột biến, tạo ra nhiều biến thể mới với độc tính và khả năng lây lan hơn hẳn chủng gốc. Hiện giới chuyên gia cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi chặt chẽ bốn biến thể là Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), Gamma (phát hiện lần đầu ở Brazil) và Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ). Delta hiện là biến thể nguy hiểm nhất và đang trên đà trở thành biến thể chính đe dọa thế giới.

Đáng lo ngại hơn, một dòng phụ của biến thể Delta cũng vừa được phát hiện với tên gọi Delta Plus. Theo đài CNN, đã có khoảng 197 ca nhiễm biến thể này ở 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều nhất ở Mỹ (83 ca), Ấn Độ (40 ca) và Anh (36 ca).

Giới chức y tế Ấn Độ xếp Delta Plus vào nhóm “đáng lo ngại”, đồng thời yêu cầu chính quyền các bang triển khai biện pháp ngăn chặn ngay lập tức.

Người dân Úc xếp hàng chờ tiêm vaccine ở một trung tâm tiêm phòng
tại TP Sydney ngày 24-6. Ảnh: CNBC

Delta Plus nguy hiểm hơn Delta thế nào?

CNN cho biết theo kết quả giải mã trình tự gene của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), Delta Plus ngoài mang trong mình tất cả đột biến L452R, T478K và P681 của biến thể Delta còn có thêm một đột biến nữa là K417N, lần đầu được tìm thấy trên biến thể Beta.

Tất cả đột biến này kết hợp lại khiến Delta Plus gia tăng đáng kể tốc độ lây lan, chống lại kháng thể của vaccine. Giám đốc Viện Khoa học y tế toàn Ấn Độ (AIIM) Randeep Guleria đánh giá Delta Plus dễ lây đến mức chỉ cần đi cạnh một bệnh nhân nhiễm biến thể này mà không đeo khẩu trang thì cũng có thể bị nhiễm. Delta Plus còn có thể bám rất chặt vào thụ thể của các tế bào phổi trong cơ thể và có khả năng vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị hiện nay như áp dụng kháng thể đơn dòng, phương pháp truyền kháng thể tĩnh mạch để trung hòa virus.

Các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta Plus có thể có những triệu chứng như ho khan, sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ, phát ban, đau họng, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực khó thở, mất tiếng, suy giảm thính lực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Ấn Độ cũng trấn an rằng hiện chưa có nhiều bằng chứng khoa học rõ ràng về độ nguy hiểm của Delta Plus vì chưa đủ số lượng mẫu để phân tích do người nhiễm biến thể Delta Plus còn ít (kết quả giải mã của INSACOG nói trên chỉ dựa vào khoảng 160 mẫu), song theo quy luật sinh học thì mọi đột biến thành công đều làm cho virus có khả năng sống sót cao hơn.

Nếu Delta Plus quả thực là một phiên bản đột biến thành công của biến thể Delta, nó có thể giữ lại tất cả thuộc tính nguy hiểm của Delta như khả năng lây truyền lớn hơn; gây bệnh nặng hơn đồng nghĩa tỉ lệ nhập viện nhiều hơn; kháng vaccine tốt hơn và thoát khỏi kháng thể COVID-19 trên người bệnh.

Dù có ý kiến chuyên gia như của TS Lekha Bhat thuộc ĐH Tamil Nadu (Ấn Độ) cho rằng “chờ thu thập thêm các mẫu bệnh phẩm phục vụ giải trình tự gene để có thông tin chính xác hơn” nhưng nhiều chuyên gia khác như ông Jeremy Kamil thuộc ĐH Louisiana (Mỹ) lại cho rằng “thà phản ứng thái quá ngay từ bây giờ còn hơn bị chậm chân như trường hợp của biến thể Delta”.

Hầu hết giới chuyên gia đều chung nhận định là Ấn Độ đã phạm sai lầm khi không phân tích đủ trình tự gene của biến thể Delta, dẫn tới không ngăn chặn được đợt bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Theo ông Kamil, “tất cả biến thể của SARS‑CoV‑2 đều đáng lo ngại, đặc biệt là dòng mới xuất phát từ biến thể Delta như Delta Plus”. Vì thế theo ông, không thể chủ quan vì cái giá phải trả là sức khỏe người dân và nền kinh tế sẽ tiếp tục thiệt hại thêm thời gian dài nữa.

 

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 25-6 vừa đưa dự báo rằng đến tháng 8, biến thể Delta có thể sẽ chiếm 90% các ca nhiễm COVID-19 mới tại châu lục này và kêu gọi các nước trong khu vực đẩy nhanh tiêm ngừa trước thời hạn này, theo hãng tin AP.

Vaccine có hiệu quả với Delta Plus không?

Theo hãng tin Reuters, giới khoa học vẫn chưa thử nghiệm mức độ hiệu quả của các vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành hiện nay trong ngăn chặn biến thể Delta Plus. Cựu Ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) - TS Scott Gottlieb cho rằng các vaccine hiện thời có hiệu quả tương đối cao ngăn ngừa biến thể Delta nên có thể vẫn sẽ có hiệu quả nhất định ngăn chặn biến thể Delta Plus. Theo ông, các vaccine sử dụng công nghệ mRNA của các hãng Moderna (Mỹ) và Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức) có hiệu quả cao khoảng 88% chống lại biến thể Delta, còn các vaccine dùng công nghệ vector của Johnson & Johnson (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) cho hiệu quả khoảng 60%.

Một trong những loại vaccine triển vọng nhất hiện nay là vaccine của hãng Novavax (Mỹ) vừa công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với hiệu suất bảo vệ hơn 93% đối với chủng gốc và biến thể Alpha. Dù hãng này đến nay vẫn chưa đủ dữ liệu xét nghiệm đối với các biến thể còn lại, đặc biệt là Delta nhưng vẫn được kỳ vọng là sẽ đảm bảo được hiệu suất trên 90% bởi vaccine của hãng sử dụng công nghệ bào chế hoàn toàn mới so với mọi loại vaccine hiện nay, giúp giảm đáng kể thời gian cơ thể tạo phản ứng miễn dịch.

Trong khi đó, hãng tin TASS ngày 24-6 dẫn lời Giám đốc Trung tâm Virus và công nghệ sinh học Vector (Nga) Rinat Maksyutov tuyên bố vaccine EpiVacCorona do trung tâm này bào chế có hiệu quả với tất cả các loại biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm cả Delta và Delta Plus. “Tất cả biến thể của virus gây dịch COVID-19 hiện nay không thể xuyên thủng cấu trúc các hợp chất của EpiVacCorona” - ông Maksyutov giải thích, dù không nêu rõ hiệu suất bảo vệ là bao nhiêu.•

 

Nhiều nước tiếp tục báo động biến thể Delta

Theo tờ The Nikkei, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Thái Lan Yong Poovorawan hôm 23-6 kêu gọi chính phủ đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta. Ông Yong trích nghiên cứu của Bộ Khoa học y khoa cho biết 90% ca mắc nhiễm ở Thái Lan do chủng Alpha gây ra, theo sau là chủng Delta (9%) và chủng Beta (1%). Tuy nhiên, ông Yong dự báo số ca nhiễm liên quan đến biến thể Delta hầu hết xảy ra ở lao động trẻ, sẽ tăng dần trong 3-4 tháng tới. Chuyên gia này cũng cảnh báo sẽ có thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện trong tương lai.

Trong khi đó, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cùng ngày cũng cảnh báo biến thể Delta đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh ở Mỹ. Theo ông, số ca nhiễm biến thể này hiện chiếm hơn 20% trong tổng số ca COVID-19 mới ở Mỹ, tăng 10% so với hai tuần trước.

Israel cũng đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến biến thể Delta gia tăng bất chấp hơn 50% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ và nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, Israel vừa ghi nhận thêm 125 ca nhiễm COVID-19 mới hôm 21-6, mức cao nhất trong ngày tính từ tháng 4. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho rằng sự gia tăng này có thể đến từ những người nhập cảnh nhiễm biến thể Delta và kêu gọi người dân không ra nước ngoài nếu không cần thiết. Ông Bennett cũng nhấn mạnh trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần được tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm