Chưa thể giải mã vụ MH370 mất tích

Cơ quan điều tra thuộc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế Malaysia (ICAO) hôm qua (30-7) đưa ra bản báo cáo chính thức dài 495 trang về vụ mất tích của máy bay MH370.

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết bản báo cáo được gửi cho người thân gần gũi nhất của nạn nhân trong cuộc họp báo kín diễn ra tại Bộ Giao thông vào sáng 30-7. Buổi chiều cùng ngày đã diễn ra chương trình họp báo công khai.

Tờ Malay Mail tiết lộ bản báo cáo được xây dựng với sự cố vấn của các đại diện đến từ bảy tổ chức điều tra tai nạn quốc tế từ Úc, Trung Quốc, Pháp, Indonesia, Singapore, Anh và Mỹ.

Nguyên nhân mất tích vẫn là bí ẩn

Điều làm người nhà nạn nhân, dù muốn hay không, cũng cảm thấy thất vọng và giận dữ chính là kết luận chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc của MH370. “Chúng tôi chưa thể xác định nguyên nhân thật sự khiến MH370 mất tích” - Kok Soo Chon, lãnh đạo đội điều tra, nói với báo chí.

Các nhà điều tra chưa thể xác nhận bất cứ sự cố động cơ hoặc hệ thống nào của máy bay. Kok Soo Chon cho biết “Câu trả lời chỉ có thể được đưa ra nếu tìm thấy xác máy bay”.

Bản báo cáo sau hơn bốn năm MH370 mất tích, dù vậy, đã loại trừ được giả thuyết trước đây được nhiều người đưa ra: Phi công chuyến bay đã cố ý tự sát. Bản báo cáo cho biết các bằng chứng tâm lý mà cơ quan điều tra thu thập được bác bỏ nghi vấn cơ trưởng chuyến bay - ông Zaharie Ahmad Shah hoặc đồng nghiệp của ông ấy có ý định tự sát cùng với mọi người trên MH370.

Số phận và nguyên nhân mất tích của chuyến bay MH370 vẫn là bí ẩn.  Ảnh: AFP

“Cả Shah và đồng nghiệp Fariq Abdul Hamid đều không có bất kỳ biểu hiện tâm lý nào cho thấy họ cố ý làm rơi máy bay” - bản báo cáo viết. Gia đình và các đồng nghiệp của hai phi công này cũng xác nhận rằng “không có dấu hiệu nào khác thường về hành vi, thay đổi thói quen hay sở thích, cảm xúc hay lạm dụng rượu hoặc ma túy” ở tất cả nhân viên trên chuyến bay.

Dù vậy báo cáo cũng thừa nhận rằng “khả năng có bên thứ ba can thiệp khiến máy bay gặp nạn cũng không thể bị loại trừ”. Ở điểm này, báo cáo lặp lại thông báo trước đây rằng máy bay đã cố ý chuyển hướng và bay suốt bảy giờ sau khi mất liên lạc nhưng không thể xác định “liệu có ai khác ngoài các phi công của chuyến bay đã điều khiển máy bay hay không”.

Không có phát hiện mới đáng kể

Đó là nhận định của thân nhân các nạn nhân xấu số có mặt trên chuyến bay vào hôm 8-3-2014. Ông Calvin Shim, chồng của nạn nhân là tiếp viên chuyến bay MH370, bày tỏ sự hoài nghi về những thông tin được đưa ra trong báo cáo. “Tôi không mong đợi bất kỳ thông tin gì mới từ báo cáo này. Hộp đen chưa được tìm thấy. Và xác máy bay cũng chưa ai tìm ra” - Shim nói.

Bản báo cáo dẫn nhận định của các điều tra viên cho rằng đã có người cố tình tắt bộ đàm của MH370 trước khi chuyển hướng chiếc Boeing 777 bay ngược lại về phía Ấn Độ Dương. Các nhà điều tra nhấn mạnh vào những sai lầm cũng như những giao thức và hướng dẫn hàng không đã không được tuân thủ.

Chi tiết được giới truyền thông chú ý chính là báo cáo đề cập các thiết bị phát định vị khẩn cấp (ELT) của MH370 gặp trục trặc. Theo The Guardian, thiết bị ELT có tính năng phát tín hiệu giúp xác định vị trí máy bay. MH370 có bốn bộ phận ELT nhưng tất cả bộ phận này đều không gửi tín hiệu định vị dù pin của ELT được xác định là chưa hết hạn. Theo báo cáo này, “trong trường hợp gặp nước, ELT sẽ không thể kích hoạt hoặc việc truyền tải tín hiệu cũng không hiệu quả”. Điều này có nghĩa ELT có thể trục trặc nếu máy bay đã rơi xuống nước.

Báo cáo lần này cũng kêu gọi các hãng hàng không thương mại hiện đại phải được theo dõi định vị toàn cầu. “Trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay, cộng đồng hàng không quốc tế cần phải đảm bảo rằng vị trí của các máy bay thương mại luôn được xác định. Không thể chấp nhận một phương án khác” - báo cáo viết.

Grace Nathan, một luật sư có mẹ trên chuyến bay MH370, nói với NBC News rằng “Chúng tôi hy vọng rằng những sai lầm này sẽ không bao giờ lặp lại, đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn tình huống tương tự trong tương lai”.

Những gì biết đến lúc này về MH370

• Hơn bốn năm trước, ngày 8-3-2014, chuyến bay MH370 chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích khi đang trên hành trình bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).

• Một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn kéo dài 52 ngày đêm trên diện rộng tại vùng biển phía Tây Úc thuộc Ấn Độ Dương được thực hiện; tiếp theo đó là chiến dịch tìm kiếm dưới nước ở độ sâu đến 20.000 feet. Đây là hai trong số những chiến dịch tìm kiếm cứu hộ hàng không quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn không có kết quả.

• Sau bốn năm, cuộc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 chính thức kết thúc sau khi hợp đồng tìm kiếm với công ty thăm dò Ocean Infinity hết hạn ngày 29-5. Chỉ tìm thấy ba mảnh vỡ ở bờ biển phía Tây Ấn Độ Dương được xác nhận là của MH370.

• Báo cáo chính thức sau hơn bốn năm điều tra khẳng định phi hành đoàn, bao gồm cả hai phi công, không có dấu hiệu đe dọa an ninh chuyến bay. Tuy nhiên, nguyên nhân vì động cơ hay vì con người thì vẫn phải chờ đến khi tìm thấy xác máy bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm