Chống tham nhũng từ quan chức hưu: Đặc biệt khẩn thiết!

Vào tháng 10-2014, Bộ Thanh tra Trung Quốc bất ngờ công bố quyết định tiến hành điều tra tham nhũng đối với ông Zhao Shaolin, cựu Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô. Quyết định này đã làm cho dư luận xã hội Trung Quốc đặc biệt quan tâm vì ông Zhao Shaolin đã về hưu được khoảng thời gian khá dài - những tám năm trời. Có thể thấy bộ phận quan chức tham nhũng về hưu tại Trung Quốc giờ đây không còn “bất khả xâm phạm”.

Về hưu, làm tư nhân để… rửa tiền

Những động thái này đã được dư luận trong và ngoài Trung Quốc hoan nghênh mạnh mẽ. Khác với các quan chức cấp cao phương Tây, những tham quan Trung Quốc vẫn có khả năng “đổi quyền lấy tiền” cả sau khi về hưu. Bằng cách bổ nhiệm những thuộc cấp trung thành vào các vị trí quan trọng trong cơ quan cũ, các tham quan có thể tiếp tục kiểm soát các mối quan hệ và những thỏa thuận ngầm ngay cả sau khi về hưu. Một số cựu quan chức còn tìm kiếm những vị trí lãnh đạo mới tại các công ty, tập đoàn và tiếp tục lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để thu lợi. Bằng cách này, những tham quan về hưu có cơ hội để “rửa” nguồn tiền phi pháp trước đó của mình thông qua “mức lương” họ được hưởng tại nơi làm việc mới, đồng thời tiếp tục kiểm soát mạng lưới ảnh hưởng của mình.

Trong một động thái khác, một loạt tướng lĩnh về hưu của Trung Quốc đã được yêu cầu trả lại nhà công vụ và các bất động sản khác thuộc quyền quản lý của chính phủ vì chúng đã bị “sử dụng sai mục đích” hay bị sử dụng khi chưa được cho phép. Trước thực trạng này, giới nghiên cứu luật pháp Trung Quốc đã kêu gọi thắt chặt quản lý đối với quan chức đã về hưu để chống tiêu cực. Zhu Lijia, một giáo sư chuyên nghiên cứu về quản lý chính phủ minh bạch, khẳng định Trung Quốc cần tiếp tục thắt chặt những quy định chống tham nhũng trong giới quan chức đã về hưu. Mới đầu tháng này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng việc xây dựng các điều luật quản lý quan chức về hưu là “đặc biệt khẩn thiết”.

Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Công an Trung Quốc đã về hưu, cũng không thể hạ cánh an toàn dù có mạng lưới ảnh hưởng khổng lồ.

Không cho quan chức về hưu “lạm quyền”

Sau khi “quét dọn” bộ máy chính quyền hiện hành, “chiếc vòng kim cô” chống tham nhũng của Trung Quốc đang dần siết chặt đến những quan chức đã về hưu, phá bỏ ảo tưởng về hưu là được “hạ cánh an toàn” tại nước này. Tuyên bố hồi tháng 10-2014, phát ngôn viên Mei Hequing của Bộ Thanh tra Trung Quốc khẳng định sẽ bắt các quan chức về hưu phải chịu trách nhiệm về các hành động sai trái của mình trong khoảng thời gian lên đến 20 năm sau khi từ nhiệm.

Vào tháng 9-2014, lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới về mức lương, quyền lợi và nghĩa vụ dành riêng cho những tướng lĩnh đã về hưu. Quy định này còn cấm tất cả tướng lĩnh về hưu được phép đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức dân sự khác. Biện pháp này nhằm chống lại những mạng lưới, tập đoàn tham nhũng “lãnh đạo” bởi các quan chức đã về hưu.

Hồi tháng 10-2014, Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành quy định ngăn cấm những quan chức đã về hưu chưa đầy ba năm không được phép trở thành thành viên ban lãnh đạo, cố vấn của các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty có mối quan hệ hay cùng lĩnh vực với cơ quan chính quyền mà vị quan chức này từng tại vị. Kể cả sau thời hạn ba năm, nếu như vị cựu quan chức muốn làm việc tại các công ty như trên, họ phải nhận được sự cho phép từ cấp lãnh đạo của cơ quan mình từng làm việc.

Theo ông Wang Yukai, một nhà nghiên cứu về quản lý công tại Học viện Quản lý Chính phủ Trung Quốc, các công ty luôn trả cho những quan chức về hưu mức lương ngất ngưởng. Đổi lại, những cựu lãnh đạo cao cấp sẽ sử dụng mối quan hệ và sức ảnh hưởng của mình để thu về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo ông, việc thuê các quan chức về hưu “làm ảnh hưởng đến sự công bằng trong cạnh tranh và dễ dàng dẫn đến các hoạt động tham nhũng”. Nhiều quan chức về hưu vẫn còn duy trì rất nhiều quyền lực và sức ảnh hưởng trong tay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm